Thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật

(ĐHVO). Luật Người khuyết tật 2010, Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019 cùng các văn bản hướng dẫn khác đã ra đời và có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định về các quyền cơ bản của trẻ em khuyết tật, đặc biệt là quyền được tiếp cận hệ thống giáo dục hòa nhập. Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành, hiện trẻ em khuyết tật vẫn còn gặp phải rất nhiều rào cản, khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là việc được tiếp cận với hệ thống giáo dục hòa nhập theo Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật CRPD.

Quyền tiếp cận giáo dục hòa nhập của trẻ em khuyết tật

Đối với mọi người nói chung và người khuyết tật riêng, quyền sống độc lập và hòa nhập cộng đồng là một quyền cơ bản và giáo dục hòa nhập (GDHN) chỉ là một khía cạnh của quyền sống hòa nhập cộng đồng. Theo Luật Giáo dục 2019 quy định GDHN là phương thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học; bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử. Trong đó, nhà nước có chính sách hỗ trợ thực hiện giáo dục hòa nhập cho người học là người khuyết tật. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.

Hơn nữa, tại Luật Người khuyết tật 2010 cũng quy định về phương thức GDHN. Phương thức giáo dục người khuyết tật bao gồm giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Trong đó, GDHN là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục và là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Nhà nước khuyến khích người khuyết tật tham gia học tập theo phương thức GDHN.

Về Trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN, tại Điều 31 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: “Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là cơ sở cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người khuyết tật.”

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có nhiệm vụ:

– Phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;

– Thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;

– Tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;

– Hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng;

– Cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.

Các điều kiện trong Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập:

– Có cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật;

– Có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật;

– Có nội dung chương trình giáo dục, bồi dưỡng và tài liệu tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật.

Để tạo môi trường bình đẳng cho người khuyết tật, Thông tư 03/2018/TT/BGD-ĐT cũng quy định:

– Người khuyết tật được hưởng chính sách nhập học, tuyển sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật

– Cơ sở giáo dục đảm bảo các Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi đáp ứng yêu cầu giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật. Khuyến khích cơ sở giáo dục phối hợp với tổ chức, cá nhân thiết kế và sản xuất thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho người khuyết tật.

Như vậy có thể thấy, quyền tiếp cận giáo dục hòa nhập của trẻ em khuyết tật đã được quy định cụ thể trong các đạo luật và nhiều văn bản hướng dẫn. Vậy thực trạng tiếp cận giáo dục hòa nhập của trẻ em khuyết tật hiện nay như thế nào?

Trẻ em khuyết tật gặp khó khăn trong giáo dục hòa nhập

Năm 2016, Tổng cục Thống kê đã công bố Báo cáo điều tra về người khuyết tật, theo đó, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp cận hệ thống GDHN của trẻ em khuyết tật. Cụ thể như:

Về cơ sở vật chất, chỉ có 3% trường học có thiết kế phù hợp cho trẻ em khuyết tật, 8,1% trường học có lối đi dành riêng cho người khuyết tật, 10% trường học có công trình vệ sinh dành cho trẻ khuyết tật,…

Không chỉ thế, có tới gần 75% trường học thiếu giáo viên chuyên giảng dạy cho trẻ em khuyết tật; trong 7 giáo viên tiểu học và THCS thì mới có 1 người được đào tạo để giảng dạy riêng với học sinh khuyết tật.

Cũng theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, trong năm vừa qua, Việt Nam có trên 90% học sinh khuyết tật học tập tại các trường học thông thường, trên cả nước có hơn 20 trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN. Với con số này, thoạt nhìn có vẻ khá tích cực, nhưng trên thực tế lại đặt ra một thách thức lớn đó là, liệu có sự đảm bảo công bằng trong công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật ở những nơi khó khăn, điều kiện phát triển còn thiếu thốn? Bởi trên thực tế, vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục chưa có lối đi dành riêng hoặc thang máy dùng cho xe lăn, chưa có tài liệu ở dạng định dạng dễ tiếp cận cho người khiếm thị, chưa có người phiên dịch cho người khiếm thính,…

Từ số liệu trên cho thấy, các cơ quan, đoàn thể vẫn chưa thực sự quan tâm tới trẻ em khuyết tật, vậy nên quyền được tiếp cận với hệ thống GDHN của các em vẫn còn nhiều hạn chế đã và đang tồn tại. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới trước hết là bản thân các em khi ngay từ đầu các em đã bị khiếm khuyết hơn so với người khác, và tiếp theo là ảnh hưởng xấu đến phổ cập giáo dục Việt Nam. Như Bác Hồ từng nói: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Có lẽ hơn ai hết, các em, những trẻ em khuyết tật luôn khao khát được đến trường cùng bạn bè, nhưng một phần vì hoàn cảnh thiệt thòi, lại không được hỗ trợ thì khó khăn lại chồng khó khăn.

Như vậy vẫn có sự chênh lệch nhau giữa luật thực định và công tác thi hành. Lý do là bởi, có thể có sự không đồng đều giữa các địa phương, nên việc thi hành và thực hiện chính sách pháp luật dành cho trẻ em khuyết tật là khác nhau ở mỗi địa phương. Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, vẫn có những cơ sở giáo dục đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ cho các em, dành sự quan tâm ưu ái hơn từ phía giáo viên và nhà trường.

Một lý do khác dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận GDHN đối với trẻ em khuyết tật, đó là do điều kiện tài chính của các em chưa được đảm bảo, đa số có hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện để đi học và hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Hơn nữa, trong suy nghĩ chủ quan của nhiều người khuyết tật, họ vẫn không thể từ bỏ được mặc cảm, tự ti khi hòa nhập với mọi người nên tỷ lệ được tiếp cận với GDHN cũng vì thế mà giảm đi.

Đẩy mạnh tiếp cận giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật

Trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, họ thường xuyên tổ chức các cuộc thi dành cho trẻ em khuyết tật, qua đó, các em có thể phát huy được khả năng và vốn kiến thức của mình. Trong các cuộc thi đó, có những em mặc dù bị khuyết tật nhưng lại vượt qua được rất nhiều các bạn bình thường khác, thậm chí là đạt được thành tích cao. Qua đó có thể thấy, khiếm khuyết trên cơ thể của bất kỳ ai không thể cản bước được con đường tương lai phía trước, đó không phải rào cản cho sự phát triển sau này của các em.

Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, nhiều chương trình, cuộc thi đã được tổ chức dành cho người khuyết tật để thực hiện hóa quyền được tiếp cận với giáo dục hòa chập cho trẻ em khuyết tật, có thể kể đến như Cuộc thi viết bài cho các em khuyết tật, Cuộc thi vẽ tranh Ước mơ vượt khó về trẻ em khuyết tật, Cuộc thi Ngôi sao bơi lội cho trẻ em khuyết tật,… Các hoạt động này đã góp phần giúp các em thể hiện bản thân mình, xóa bỏ mặc cảm, tự ti để hòa nhập với mọi người, đáp ứng nhu cầu chính đáng về quyền được tiếp cận với GDHN. Qua đó phần nào giúp cho xã hội thay đổi nhận thức, xóa bỏ rào cản và tạo điều kiện hơn nữa để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào giúp người khuyết tật hòa nhập với mọi người đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, Nhà nước, Bộ, Ngành, đoàn thể cũng nên có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong việc xây dựng và hoạt động của trung tâm hỗ trợ GDHN cùng các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc chia sẻ cho người khuyết tật, giúp họ thể hiện tâm tư, suy nghĩ của mình, từ đó mọi người cùng nhau thay đổi để xã hội luôn có sự công bằng, bình đẳng, bác ái.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục nên chi thêm một phần nhỏ ngân quỹ để xây dựng các công trình thiết yếu cho các em khuyết tật như: nhà vệ sinh riêng, lối đi riêng, đồ dùng học tập riêng; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có chuyên môn giáo dục trẻ em khuyết tật cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Về phần các em học sinh, các em cần được giáo dục từ phía nhà trước, phụ huynh và từ chính nhận thức của các em rằng, không được tạo sự kỳ thị, phân biệt đối với các bạn khuyết tật, hãy luôn hòa đồng, giúp đỡ các bạn, cùng nhau phấn đấu đi lên.

Một năm học mới đã được bắt đầu, hy vọng rằng trẻ em khuyết tật ngày càng được quan tâm trong giáo dục, công tác GDHN càng được đẩy mạnh hơn nữa để các em có thể như bao bạn bè khác, được đi học, được thể hiện bản thân và xóa bỏ mọi rào cản với xã hội.

Nguyễn Khương

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang