Nam Định: Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh đạt 100% phiếu tín nhiệm cao

(ĐHVO). Chủ tịch HĐND tỉnh, Lê Quốc Chỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Đình Nghị; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Nguyễn Phùng Hoan; Chánh Thanh tra tỉnh, Đinh Ngọc Văn đạt 100% phiếu tín nhiệm cao, với 56/56 phiếu.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Nguyễn Phùng Hoan (đang bỏ phiếu) cùng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thanh Long

Ngày 9/12, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026, tỉnh Nam Định đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 27 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu đối với 5 thành viên thuộc HĐND tỉnh và 22 thành viên thuộc UBND tỉnh; có 56/56 đại biểu HĐND tỉnh Nam Định tham gia bỏ phiếu.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 27 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Nam Định bầu tại Kỳ họp thứ 15, người có số phiếu tín nhiệm cao là: Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan và Chánh Thanh tra tỉnh, Đinh Ngọc Văn đã nhận được 100% số phiếu tín nhiệm cao, với 56/56 phiếu. Các chức danh còn lại đều nhận được số phiếu tín nhiệm rất cao. Phiếu tín nhiệm và tín nhiệm thấp có nhưng rất ít.

Kết quả phản ánh sự tín nhiệm cao trong điều hành phát triển kinh tế xã hội tỉnh năm 2023, với 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật là:

Tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19% (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, cao hơn rất nhiều mức tăng chung của cả nước); Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5%; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 14,3%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%; Thu ngân sách nhà nước ước tăng 25% so với năm 2022; Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 17%; Dư nợ tín dụng ước tăng 11% so với đầu năm

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm thực hiện; đến nay toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 93,6%) và 25/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 13,3%).

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông huyết mạch, các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm sẽ là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận thống nhất và đảm bảo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai sôi động, có trọng tâm, trọng điểm và đã đạt được những tín hiệu rất tích cực, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư tại Nam Định. Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án Trung tâm Thương mại AEON Nam Định; Ký thoả thuận phát triển dự án, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Quanta, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan),… đầu tư các dự án công nghệ cao tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng. Đây là những doanh nghiệp, dự án lớn, khi đầu tư vào địa bàn tỉnh có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh.

Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm triển khai và đạt được kết quả tích cực, luôn là đơn vị trong top đầu cả nước. Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 19/61 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố tăng 6 bậc so với năm 2021; Chỉ số đánh giá về chuyển đổi số xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2021. Chất lượng Quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp Dịch vụ công của tỉnh Nam Định luôn thuộc top dẫn đầu toàn quốc.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, công tác phân cấp, ủy quyền được đẩy mạnh. Trách nhiệm người đứng đầu được quy định rõ ràng cho Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát được chỉ đạo quyết liệt. Chú trọng thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo sát thực tế, đúng tiến độ.

Lĩnh vực Văn hóa – Xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi chào mừng các sự kiện lớn, đặc biệt là chuỗi các sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và Nhân dân Nam Định được tổ chức trọng thể, chu đáo, khẳng định được vị thế của tỉnh đối với cả nước.

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu, đảm bảo công khai, công bằng, đúng luật. Công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội được tăng cường và đạt nhiều kết quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục đó là:

Có 02/14 chỉ tiêu là Giá trị hàng xuất khẩu và Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế không đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành dệt may, da giày (do sụt giảm đơn hàng).

Tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Tiến độ triển khai công tác GPMB và tiến độ thi công một số dự án còn chậm như: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); các dự án Khu dân cư tập trung, một số dự án ngoài ngân sách;…

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số sở, ngành, địa phương chưa nghiêm, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc,…Tình hình khiếu nại tố cáo một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, việc giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở chưa thấu đáo, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm.

Trần Hồng

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top