Sự khoan hồng của pháp luật với lầm lỗi người khuyết tật

Sinh con ra, cha mẹ luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất đến với các con. Gia đình của cô Tân (xã Bá Xuyên, TP Sông Công, Thái Nguyên) cũng vậy, được chào đón đứa con trai kháu khỉnh, lành lặn, vợ chồng cô tự hứa dù có vất vả, khó khăn hơn nữa cũng sẽ chăm sóc, nuôi dạy con cho thật tốt. Vợ chồng cô đặt tên con là Tình với tâm niệm con người sống ở đời với nhau là vì chữ tình, sống là để yêu thương.

Thế nhưng niềm vui của người mẹ tần tảo không bao lâu thì ngưng lại. Bố của Tình mất sớm, Tình lên ba tuổi thì ốm đau thường xuyên. Một lần Tình bị sốt cao, co giật. Từ đó, Tình bị động kinh, thần kinh không còn được bình thường nữa. Không những sức khỏe không tốt, không làm được việc nặng mà quan trọng là tính tình bị thay đổi rất nhiều. Tình dễ bị kích động, mất bình tĩnh, dễ nổi nóng. Tình vẫn điều trị động kinh ở địa phương, thỉnh thoảng trái gió trở trời, những cơn co giật mạnh tái phát thì mẹ Tình lại phải đưa Tình điều trị tại Viện tâm thần của tỉnh một thời gian dài. Mặc dù bị bệnh vậy nhưng đến khi lớn lên, có sức lao động Tình vẫn chăm chỉ, cố gắng đi làm. Ở làng, xã có ai cần việc như phu hồ, xây dựng,… Tình chủ động đến xin người ta cho làm, nhận lương về thì đưa cho mẹ.  Cuộc sống của hai mẹ con cũng được cải thiện hơn từ khi Tình đi làm.

Cô Tân trong căn nhà cũ của mình

Khi Tình trưởng thành, cánh cửa may mắn lại mở ra. Tình được sự yêu thương của cô L cùng xã, hai gia đình vui đắp để Tình và L thành đôi. Sau kết hôn, Tình sinh được 2 con trai. Tuy nhiên, hạnh phúc mỉm cười không được bao lâu thì phải đóng lại bởi vợ chồng Tình khi đó không còn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau dẫn đến phải ly hôn. Cuộc sống của Tình quay trở lại như trước nhưng vất vả hơn nhiều lần vì sau ly hôn, Tình phải nuôi 2 con nhỏ. Cô Tân tự động viên mình: “Thôi thì trời sinh voi, trời sinh cỏ; chỉ mong thằng Tình nó đỡ bệnh thì nó sẽ đi làm để phụ giúp thêm tôi nuôi ba bố con nó”.

Cuộc sống là những thăng trầm nhưng sự khó khăn vẫn chưa dùng lại ở đó. Sau một lần đi chơi, đi hát cùng người bạn ở gần nhà, Tình bị cho rằng làm hỏng micro của quán hát nên chủ quán yêu cầu Tình bồi thường 500 nghìn đồng. Tình kiên quyết không bồi thường vì thấy rằng mình không làm hỏng. Mâu thuẫn của Tình với chủ quán hát bắt đầu từ đó. Nhiều lần các bên tranh cãi, đuổi nhau, ném đá, ném gạch nhưng may mắn không ai bị thương. Theo Tình kể thì từ đó Tình hay bị người lạ mặt đánh thật nhanh Tình khi Tình đi đường, có lần phải khâu 3 mũi ở trán. Sự việc bồi thường chiếc micro chưa được giải quyết dẫn đến đỉnh điểm của sự mâu thuẫn, hai bên không dừng lại ở việc chửi bới mà đánh nhau, gây thương tích cho nhau bằng hung khí nguy hiểm. Tình do bị kích động và ức chế kéo dài nên đã dùng dao đâm ông H – chủ quán karaoke gây thương tích với tỷ lệ 50% tổn thương cơ thể. Hai người con của ông H thì dùng gậy, tuýp sắt đập gãy chân Tình, dùng gạch đá ném gây thương tích 18% cho Tình. Cơ quan công an TP Sông Công đã điều tra và kết luận Tình và hai người con ông H phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Vì bị kích động nên hành vi dại dột của Tình đã đưa cuộc sống của Tình trở nên tăm tối hơn khi đối mặt với mức án là từ năm năm đến mười năm tù và phải bồi thường thiệt hại về hành vi đã gây ra.

Phật dạy “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Dù con có như thế nào, dù người đời có bỏ mặc con, dù tất cả quay lưng lại với con, nhưng mẹ thì không bao giờ rời xa con. Đúng như vậy! Cô Tân hàng đêm không ngủ được, rất buồn, khổ, lo lắng cho Tình, cho những đứa con thơ của Tình đã thiếu vắng mẹ nay lại thiếu sự gần gũi, chăm sóc của người cha, rồi hoàn cảnh gia đình cô thì lấy tiền đâu mà bồi thường cho người ta! Sau những đêm không ngủ cô quyết định gửi đơn thư đến các cơ quan nhờ sự giúp đỡ để có thể phần nào giảm nhẹ cho Tình. Công ty Luật Hồng Thái đã nhận vụ án và cử luật sư bào chữa cho Tình, hướng dẫn cô Tân các thủ tục để giảm nhẹ tốt nhất cho Tình: khắc phục phần nào thiệt hại cho bị hại, Ủy ban nhân dân xã Bá Xuyên cũng xác nhận hoàn cảnh gia đình Tình khó khăn, Tình thành khẩn khai báo và cơ quan giám định kết luận Tình mắc bệnh bị hạn chế về khả năng điều khiển hành vi, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho Tình nên Tòa án nhân dân TP Sông Công đã quyết định xử Tình mức hình phạt là 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Niềm vui nở rộ sau phiên tòa xét xử, Tình cũng hứa từ nay không dám vi phạm pháp luật nữa.

Kết quả vụ việc trên là do sự cố gắng không biết mệt mỏi của người mẹ, sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, luật sư bào chữa cho Tình và sự khoan hồng của pháp luật. Mong rằng đây là bài học sâu sắc để Tình cẩn trọng hơn trong hành vi của mình và cũng hi vọng rằng sức khỏe của Tình sẽ tốt hơn để có thể tiếp tục lao động, chăm sóc con cái, đỡ đẫn người mẹ già đã quá vất vả vì con, vì cháu.

Tiểu Nguyên

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang