Học sinh thử nghiệm thiết bị hỗ trợ trẻ học chữ nổi. |
Thiết bị đóng vai trò như giáo viên
Nhóm nghiên cứu gồm 3 thành viên: Phan Duy Kiên, Phan Văn Hoàng Anh và Võ Minh Thuận. Phan Duy Kiên cho biết, thế giới có nhiều thiết bị điện tử thông minh trợ giúp người khuyết tật, song đa phần có giá thành rất cao, không hỗ trợ dùng tiếng Việt. Các sản phẩm đó đều hướng tới đối tượng người khiếm thị ở mọi lứa tuổi, chưa có sản phẩm nào riêng cho trẻ khiếm thị.
Để nghiên cứu về thiết bị dạy chữ cho trẻ khiếm thị, nhóm thực hiện khảo sát nhu cầu ở trẻ em trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Theo đó, các bé khiếm thị có rất ít thông tin về thế giới xung quanh. Đặc biệt là với các trẻ mới bắt đầu tiếp cận chữ nổi (chữ Braille).
Chữ nổi là dạng ký tự tượng hình, việc không thể nhìn thấy khiến khả năng tưởng tượng sự vật, sự việc và ghi nhớ con chữ của trẻ khiếm thị rất khó khăn. Giáo viên sẽ phải phối hợp việc mô tả vật thể cũng như cầm tay từng trẻ, để trẻ có thể nhận biết món vật đó và ghi nhớ mặt chữ.
“Chúng em mong muốn ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại để tạo ra một thiết bị đóng vai trò như một giáo viên trực tiếp hướng dẫn trẻ khiếm thị học tập chữ nổi một cách chủ động”, Hoàng Anh chia sẻ.
Với lộ trình dựa trên sách giáo khoa Tiếng Việt, thiết bị đồng bộ kiến thức giữa trẻ khiếm thị được đến lớp cũng như trẻ khiếm thị ở nhà. Điều này giúp những trẻ bị khiếm khuyết về thị lực ở những vùng sâu vùng xa vẫn có thể học tập chữ nổi, kết nối với giáo viên qua website.
Sản phẩm còn ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để nhận diện đồ vật và hiển thị chữ nổi trên bảng chữ một cách tự động, qua đó tăng cường khả năng tư duy về đồ vật cho trẻ.
Bộ thiết bị và website hỗ trợ trẻ khiếm thị học tập chữ nổi hiển thị các ký tự chữ nổi theo lộ trình học được thiết kế sẵn. Trẻ em khiếm thị có thể sử dụng sản phẩm để tương tác với nội dung bài học và các chức năng được tích hợp sẵn của website thông qua các phím trên sản phẩm.
Phần mềm điều khiển là một website được thiết kế tự động kích hoạt khi sản phẩm được kết nối với máy tính. Sản phẩm bao gồm các chức năng như dạy học theo lộ trình của sách, khả năng nhận diện đồ vật, văn bản được nhập từ bàn phím thành giọng nói và chuyển chúng thành các kí tự chữ nổi để hiển thị trên thiết bị phần cứng.
Thiết bị gọn nhẹ, dễ sử dụng
Theo sinh viên Phan Duy Kiên, điểm nhấn của hệ thống là phần cứng mô phỏng giống như bàn phím máy tính. Người dùng không cần nhìn vào màn hình vẫn có thể soạn thảo được văn bản theo nhu cầu.
Ở đây, phần cứng là một thiết bị cơ điện dùng để điều khiển và hiển thị các nội dung bài học được gửi về từ website, được hiển thị bằng 8 mô-đun chữ nổi phù hợp cho các bộ chữ tiếng Việt có dấu.
Mỗi mô-đun gồm 6 nút có đầu tròn. Các nút này được sắp xếp một trong khung hình chữ nhật gồm 2 cột và 3 dòng, được nâng lên hoặc hạ xuống qua các lỗ trên bề mặt phẳng của sản phẩm theo thứ tự được mã hóa của bộ chữ Braille.
Hệ thống giúp trẻ khiếm thị có thể tự học một cách độc lập và nhanh chóng hơn, mà không cần phải chờ đợi giáo viên hay những học sinh khác. Đồng thời, sản phẩm này cũng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các trung tâm, trường học cho trẻ khiếm thị, mù vì không cần phải tuyển dụng nhiều giáo viên.
Thiết bị được thiết kế đơn giản, gọn nhẹ và có các nút điều khiển trực quan. Sản phẩm còn có tính năng tự động mở website chứa các nội dung bài học ngay khi thiết bị được kết nối với máy tính.
Theo nhóm tác giả, với mức giá dưới 4 triệu đồng, sản phẩm này là một giải pháp hợp lý và phù hợp với nhu cầu của đại đa số người khiếm thị mới bắt đầu làm quen với loại ngôn ngữ ký tự này.
“Qua khảo sát tại trường mù Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi thấy giáo viên phải cầm tay từng trẻ một, cho trẻ sờ từng đồ vật, mặt chữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt đã được chuyển đổi sang chữ nổi Braille để trẻ nhớ, hiểu và thuộc loại chữ này. Việc giảng dạy như vậy đòi hỏi nhiều thời gian và công sức cho các giáo viên, cũng như kéo dài thời gian của một tiết học.
Sản phẩm này rút ngắn thời gian dạy và học, tạo hiệu quả tốt hơn cho trẻ. Chúng tôi tin rằng, các sản phẩm và công nghệ hỗ trợ như vậy sẽ tiếp tục phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho những người khiếm thị, giúp họ có thể hoà nhập với xã hội một cách nhanh chóng”, Phan Duy Kiên cho hay.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại