Không chỉ là một phần của môn học Kỹ năng làm việc, dự án còn tạo cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Với sự kết hợp giữa sáng tạo và tinh thần nhân văn, sinh viên đã triển khai hoạt động gây quỹ bằng cách nhận thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu cho cá nhân và doanh nghiệp.
Giảng viên Trần Thị Huyền Trang luôn sát cánh cùng sinh viên trong hành trình gây quỹ thiện nguyện HOPE, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.
Điểm đặc biệt của dự án không chỉ là cơ hội thực hành chuyên môn, mà còn là trải nghiệm làm việc thực tế với khách hàng, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường trong lĩnh vực thiết kế.
Phần lớn số tiền thu được từ các đơn đặt hàng được trích 70% đóng góp vào Quỹ HOPE nhằm hỗ trợ trẻ em vùng cao có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn. Nhằm mang đến những bài học thực tế, dự án còn giúp sinh viên nhận ra giá trị của sự sẻ chia, biến kiến thức học đường thành hành động thiết thực vì cộng đồng.
Số tiền từ các đơn hàng sản phẩm do sinh viên thực hiện được đóng góp vào Quỹ HOPE, mang đến hy vọng cho trẻ em vùng cao.
Nhìn lại hành trình dự án, có thể thấy rõ sự nhiệt huyết, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trong từng sản phẩm mà sinh viên FPT Polytechnic Thái Nguyên thực hiện. Đồng thời, là cơ hội rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, trải nghiệm đáng nhớ, giúp sinh viên trưởng thành hơn trên con đường theo đuổi đam mê.
Cô Trần Thị Huyền Trang – Giảng viên Kỹ năng mềm trường Cao đẳng FPT Polytechnic Thái Nguyên, người phụ trách dự án chia sẻ: “ Dự án là bài thi kết thúc cuối môn PDP104. Kỹ năng làm việc. Với tôi, đây không chỉ là bài thi, mà hơn hết, là nơi để các bạn SV thể hiện những kỹ năng bản thân đã rèn luyện như làm việc nhóm, giao tiếp, quản lý tài chính… Và quan trọng hơn cả, đó là các bạn được “cho đi”, được sử dụng đúng những kiến thức bản thân tích luỹ được để trao giá trị, tình yêu thương và thực hiện những việc tử tế”.
Vân Anh