Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
PENC là một tổ chức của các phụ huynh có con gặp rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn học tập, khuyết tật trí tuệ… tự nguyện liên kết lại nhằm tạo ra một cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau trên hành trình can thiệp và nuôi dưỡng con. Ngày 18 tháng 3 năm 2025, bằng quyết định số 17/QĐ-LHH được ký bởi Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mạng lưới PENC đã chính thức trở thành thành viên trực thuộc Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự trưởng thành và uy tín của mạng lưới trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng trẻ đặc biệt.
Ngay từ khi thành lập, PENC đã xác định rõ vai trò trung tâm của cha mẹ trong việc can thiệp, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ đặc biệt. Tên gọi “PEN” – viết tắt của “Parents Educating and Nurturing” – là một triết lý về sự đồng hành toàn diện. Không chỉ tập trung vào một khía cạnh đơn lẻ như giáo dục hay trị liệu, mạng lưới hướng đến việc hỗ trợ cha mẹ trên mọi mặt: từ nhận thức, kỹ năng can thiệp, đến dinh dưỡng, tâm lý, và cả hành trình hòa nhập xã hội cho con.
PENC hoạt động theo định hướng hỗ trợ cha mẹ nâng cao năng lực chăm sóc và giáo dục con thông qua nhiều hình thức. Trang web miễn phí meviet.vn được phát triển như một thư viện mở về giáo dục can thiệp cho trẻ đặc biệt. Tại đây, phụ huynh có thể dễ dàng tiếp cận các bài kiểm tra sàng lọc, hướng dẫn can thiệp sớm, bài tập kỹ năng, cũng như kiến thức tổng quát và chuyên sâu về các dạng rối loạn phát triển. Đây là công cụ hữu hiệu giúp cha mẹ phát hiện sớm vấn đề của con, từ đó định hướng phương pháp phù hợp, kịp thời can thiệp trong những “giai đoạn vàng” phát triển của trẻ.
Bên cạnh đó, mạng lưới còn tổ chức các khóa huấn luyện, các nhóm chia sẻ trên mạng xã hội và các chương trình đồng hành dài hạn nhằm kết nối các gia đình có hoàn cảnh tương tự. PENC không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, mà còn là nơi phụ huynh tìm được sự cảm thông, động viên nhau vượt qua những áp lực trong hành trình nuôi con đặc biệt. Theo bà Phạm Thuần – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn mạng lưới PENC, sáng lập hệ thống giáo dục gia đình Mẹ Việt – nhấn mạnh: “Chúng ta tin vào con, nhưng trước hết phải tin vào cha mẹ. Cha mẹ không chỉ làm được mà còn làm tốt. Không chỉ nên làm mà phải làm.” Câu nói không chỉ thể hiện triết lý hành động mà còn truyền cảm hứng cho hàng nghìn phụ huynh trên cả nước.
Nhận thức rõ rằng chỉ các nhóm nhỏ lẻ của phụ huynh sẽ không đủ sức ảnh hưởng tới các cơ quan chức năng hay giới chuyên môn, PENC đã chủ động kết nối các câu lạc bộ, nhóm cha mẹ và các tổ chức liên quan đến trẻ đặc biệt trên toàn quốc, thậm chí mở rộng ra cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Mục tiêu của mạng lưới là tạo thành một khối đoàn kết mạnh mẽ, có tiếng nói chung trong việc thúc đẩy chính sách, tổ chức sự kiện, vận động xã hội và lan tỏa giá trị nhân văn đến cộng đồng.
Không dừng lại ở việc hỗ trợ phụ huynh, PENC còn tích cực tham gia các chương trình hội thảo lớn hằng năm cùng các đơn vị đầu ngành như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam… Mạng lưới cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức xã hội về trẻ em có nhu cầu đặc biệt, nâng cao sự cảm thông và đồng hành từ cộng đồng. Những nỗ lực này vừa giúp trẻ em đặc biệt có môi trường hòa nhập thuận lợi hơn, vừa tạo điều kiện cho các gia đình cảm thấy được tôn trọng và hỗ trợ trong hành trình nhiều áp lực.
PENC xác định rằng nếu cha mẹ không có đủ kiến thức và hiểu biết đúng đắn để đồng hành cùng con, họ có thể bỏ lỡ những cơ hội vàng trong can thiệp. Đó chính là lý do mạng lưới ra đời, để trao cho cha mẹ công cụ và niềm tin cần thiết trên con đường đầy thử thách nhưng cũng đầy yêu thương này.
Với tư cách là thành viên chính thức của Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam, PENC đang không ngừng mở rộng quy mô và hoàn thiện kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết. Trong tương lai, mạng lưới sẽ tiếp tục phát triển các hoạt động chuyên môn, vận động chính sách, tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo, thúc đẩy nghiên cứu và truyền thông, góp phần từng bước gỡ bỏ rào cản, thúc đẩy thực thi quyền của người khuyết tật – vì một xã hội công bằng, nhân ái và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
PV