(DHVO) Hòa chung không khí trước trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Quốc gia Việt Nam và đội tuyển Quốc gia Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) trong khuôn khổ Vòng loại Worldcup 2022, tác giả xin kể câu chuyện về một cổ động viên cuồng nhiệt của môn thể thao vua, một tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam.
Nhà văn Nguyên Hồng ( 1918 – 1982 )
Cổ động viên nhiệt nhất Hải Phòng
Tên thật của ông là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại Vụ Bản, Nam Định nhưng từ nhỏ đã theo mẹ về kiếm sống ở Hải Phòng. Mồ côi cha từ sớm, ông lăn lóc trong các xóm chợ nghèo nơi đất cảng, lãnh địa của Tám Bính, Năm Sài Gòn… những đứa con tinh thần của ông trong tác phẩm Bỉ vỏ.
Văn của ông tôi không dám lạm bàn vì ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam và đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Tửu lượng của ông tôi càng không dám kể khi rượu với ông là máu, là nước. Chỉ một lần thăm xí nghiệp chuyên sản xuất đồ pha lê mỹ nghệ ở Tiệp Khắc, trong màn chào hỏi, ông làm một hơi hết cốc vại rượu nặng rồi mới cùng chủ nhà vào tiệc chính thức. Ông đã được Ban lãnh đạo xí nghiệp kính cẩn trao chứng nhận Hội viên Hội nghiện rượu xứ Bohemia.
Tôi chỉ dám kể Nguyên Hồng với bóng đá.
Từ đầu những năm 70, Hải Phòng lúc đó có các đội Công an, Cảng, Điện, Xi măng, Quân khu 3, Sông Cấm…Hải Phòng hơn hẳn các tỉnh thành còn lại ở miền Bắc về bóng đá. Nếu có so, Hải Phòng chỉ thua mỗi thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, sự máu lửa, hết mình của cổ động viên Hải Phòng lại là số 1. Những fan nổi tiếng bây giờ có lẽ đều chỉ đáng “xách dép” cho Nguyên Hồng về sự đam mê đối với môn thể thao vua. Ông xem bóng đá luôn thủ sẵn be rượu trong bộ quần áo nâu sồng. Gặp những pha tâm đắc, ông tự thưởng cho mình ngụm rượu rồi bình luận phân tích như một chuyên gia thực thụ với những người xung quanh bằng những thuật ngữ bóng đá, và cả những thuật ngữ của riêng mình, rấtNguyên Hồng, không trộn lẫn vào đâu được. Đội nhà ghi bàn, ông nhảy tưng tưng và bá vai bá cổ ôm hôn những người xa lạ. Lần đội Hải Phòng đá với đội Algérie trên sân Lạch Chay, Hải Phòng bị thua 6-1. Ông buồn lắm. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ nhà văn già. Ông than thở : “Mình thua Algérie là đúng. Nhưng đậm quá. Thi đấu mà cứ thua mãi thì buồn lắm. Nhục lắm. Cứ ‘học tập đội bạn’ và ‘tình hữu nghị đã thắng’ thì thi đấu làm gì?”. Trên đường phố Hải Phòng hồi đấy, nếu thấy một ông già mặc bộ quần áo nâu mải mê dõi theo đám trẻ con đá bóng, đó đích thực là nhà văn Nguyên Hồng. Ông từng đá vị trí hậu vệ cho đội bóng học sinh ở Nam Định. Về Hải Phòng ông cũng thỉnh thoảng đến sân Zelo và Bonal đá cùng chúng bạn ( lúc đó chưa có sân Lạch Chay). Trưởng lão của bóng đá Hải Phòng là cụ Nguyễn Lan và cụ Nguyễn Nhân mãi về sau vẫn tiếc rẻ nếu ông Nguyên Hồng theo nghiệp đá bóng, đất cảng đã có thêm một danh thủ bóng đá tầm cỡ như ông Lan, Nhân, Châu, Giống, Viễn, Mùi Pố, Chi móm ( bố danh thủ Hùng xồm)…
Năm 2017 tôi theo cụ Minh “mã”, cựu tuyển thủ Quốc gia sang thi đấu giao hữu tại Vương quốc Lào theo lời mời của ông Xài-khoỏng, Tổng thư ký Hội hữu nghị Lào Việt. Ông Hùng “xồm” từ Huế bay ra Nghệ An rồi bắt taxi ra đường Hồ Chí Minh để nhập đoàn. Trận đấy ông Hùng “xồm” kiếm được quả phạt đền. Tuổi đã cao nhưng để lấy bóng từ chân ông, cầu thủ trẻ tuổi của Lào vẫn phải phạm lỗi vì ông có quả tì đè đã thành danh của bóng đá Việt.
Anh em hàn huyên, ông kể ông Nguyên Hồng mê bóng đá Hải Phòng đến mức cuồng nhiệt. Hải Phòng hồi ấy có gôn Coóng, Đức “tàu bò”, Quán, Mìn “te”, Dịp, Lộ, Truy, Minh, Thái.. nhưng ông cực khoái xem Túc “gù” và Hùng “xồm” đá. Hôm rồi về Hải Phòng, Hoàng ( đá ở CAHP) là con ông Túc “gù” cũng kể mãi về ông cổ động viên đáng kính Nguyên Hồng.
Hải Phòng thời ấy luôn là điểm đến của các đội bóng quốc tế sau Hà Nội. Đội Bát Nhất sang Việt Nam (1957) thắng Thanh niên Hà Nội, hòa Thể Công nhưng khi xuống Hải Phòng bị ông Túc “gù” ghi 2 bàn không gỡ.
Tuyển Hải Phòng còn nhiều dịp đại diện Việt Nam đá với các đội Campuchia, Triều Tiên, Cuba, Sachio ( Liên Xô)…
Ông đi công tác Hà Giang, nghe ông Đình Khải tường thuật trận đấu qua chiếc đài bán dẫn, biết đội Hải Phòng thắng đội Thể Công 4 – 0, ông vội ra bưu điện “đánh dây thép” gửi 4 bức điện chúc mừng về Hải Phòng cho Thành ủy, Sở TDTT, Đội tuyển thành phố và cho riêng cầu thủ con cưng Trần Hùng.
Hôm Cảng đá với Công an Hải Phòng, nhìn ông Túc “gù” bay người đánh đầu xé lưới đội bạn, ông nán lại rủ bằng được ông Túc “gù” đi uống rượu. Vừa đá xong nên ông Túc “gù” không dám nhậu, Nguyên Hồng cố kỳ nèo : Hay mình đi ăn kem cốc, mát lắm. Cậu có cú tết tuyệt vời. Ông dùng từ tết thay tét bóng ( ghi bàn bằng đầu).
Cuối đời ông về xóm Cầu Đen (Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang) sinh sống. Nghe tin đội Hải Phòng lên đá trên sân Hàng Đẫy, ông đạp xe về Hà Nội để xem. Đến sân thì hết vé, ông tạo vẻ điềm nhiên, ôm cặp bản thảo hiên ngang đi vào cửa chính. Nhìn thẳng cậu soát vé, ông dõng dạc : “Tao là bố thằng Hùng “xồm” đây !”.Soát vé còn đang ngỡ ngàng thì ông đã kịp lên khán đài để cổ vũ cho cầu thủ ruột của mình.
Bóng đá Việt Nam đang trên đà khởi sắc. Các cầu thủ trẻ đang làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường châu lục.
Ở miền tiên cảnh, chắc nhà văn Nguyên Hồng đang cầm be rượu đi khoe với mọi người.
Thành tâm kính chúc ông tiêu dao miền cực lạc !
Hồ Công Thiết