(DHVO). Đó là ông Đoàn Nghiêu, sinh năm 1956 trú tại tổ 2, thôn 2, xã Tam Ngọc, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông mồ côi mẹ lúc mới lên ba. Năm 15 tuổi, ông giẫm phải mìn khiến mù hai mắt. Năm 19 tuổi, người cha đột ngột qua đời…Những bất hạnh của cuộc sống cứ liên tiếp ập đến, nhưng ông đã vượt qua, trở thành một tỷ phú từ nghề sản xuất đũa tre.
Báo chí và các phương tiện truyền thông đã nói nhiều về ông – người nông dân bị mù cả hai mắt nhưng vẫn làm được những điều mà không phải người bình thường nào cũng có thể làm được. Khi ông mới 15 tuổi, sau một đợt ném bom dữ dội của quân Mỹ, ông bị bom đạn, đất đá ghăm khắp vào cơ thể. Sau một thời gian điều trị tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, ông giữ lại được mạng sống nhưng đôi mắt thì không còn tinh anh như trước. Từ đó, cuộc đời ông bước sang một trang mới.
Ông Đoàn Nghiêu tại cơ sở sản xuất đũa tre của mình (Nguồn: Sưu tầm)
Với hạn chế về đôi mắt, ông chỉ có thể làm việc quanh làng như đẩy xe bò, về sau ông được mọi người trồng và thu hoạch lúa. Trong hoàn cảnh gian khó ấy, ông không chỉ nhận được sự giúp đỡ của bà con lối xóm mà còn nhận được tình yêu thương từ một cô gái gần nhà tên là Nguyễn Thị Vân. Hai người rất yêu thương nhau nhưng không thể vượt qua được sự phản đối từ phía gia đình bà Vân để rồi sau đó bà Vân bị ép gả cho một người đàn ông khác. Ông Nghiêu nghĩ đến phận mình không lành lặn như mọi người nên đã khuyên bà Vân đi lấy chồng nhưng bà Vân nhất quyết không chịu. Sau đó, tình cảm của họ đã nảy sinh quả ngọt bằng sự ra đời của cậu con trai đầu lòng và nhận được sự chấp thuận bên phía gia đinh bà Vân. Họ đã về sống chung một nhà, tình cảm vợ chồng đơn sơ mà gắn bó, trong khi bà Vân chặt củi đem ra chợ bán thì ông Nghiêu và con trai đi bán đũa, tăm tre dạo.
Sự kiện mang tính bước ngoặt đó là vào khi ông Nghiêu tham gia Hội Người mũ TP. Tam Kỳ và nảy sinh ý tưởng muốn làm đũa tre. Ý tưởng đã có, ông bắt tay ngay vào thực hiện. Để có vốn ông đã phải bán đi đàn bò là tài sản lớn nhất của gia đình. Sau đó, ông lặn lội đi học về làm đũa tre ở khắp các nơi.
Lúc đầu nhiều người còn nghi ngờ về việc làm của ông, họ cho rằng ông không thể làm được, việc làm của ông là hoang đường nhưng sau đó chính họ phải kinh ngạc khi ông tự thiết kế thành công chiếc máy làm đũa và đạt công suất 300 đôi đũa/ngày. Nhận thấy nỗ lực của ông, Hội Người mù TP Tam Kỳ đã giúp đỡ tiêu thụ số đũa tre do ông làm ra.
Khi đã gặt hái được những thành công nhất định, ông Nghiêu muốn mở rộng quy mô bằng việc đầu tư máy làm đũa với công nghệ cao để mỗi ngày sản xuất được 10.000 đôi đũa đồng thời thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ trên mạng xã hội, các nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu.
Đến nay, sau hơn 10 năm sản xuất đũa tre, ông Nghiêu đã có trong tay 03 cơ sở, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng, riêng ông, trừ các chi phí sản xuất và nhân công, mỗi tháng thu về gần 30 triệu đồng. Việc làm của ông không chỉ giúp ông thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà còn tạo việc làm cho những người lao động trên địa bàn.
Ông Nghiêu chia sẻ: “Đũa của tôi không chỉ bán trong nước mà còn bán qua Lào. Mỗi tháng các cơ sở của tôi làm ra 30 tấn đũa thì có 15 tấn được đưa đi xuất khẩu. Hiện nay, nguồn tre khan hiếm nên nhiều lúc không đáp ứng đủ cho thị trường”
Những người như ông Nghiêu dù có thiếu sót về cơ thể, dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn nhưng ở họ vẫn luôn tràn đầy khát khao sống, khát khao làm việc và cống hiến. Hình ảnh và câu chuyện về ông Đoàn Nghiêu – người nông dân chân chất, vượt lên gian khó luôn nở nụ cười trên môi như một bài học để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm về nghị lực sống, về những giá trị tốt đẹp mà một người có thể đóng góp
Phương Loan