Người mẹ đỡ đầu của hơn 250 thành viên khuyết tật nhóm Ước Mơ.

(DHVO). Cách đây 35 năm, có một cô gái xinh xắn, tuổi vừa tròn đôi mươi trong đoàn y bác sỹ về vùng kinh tế mới ở Bàu Cạn (thuộc Long Thành, Đồng Nai) để châm cứu, chữa bệnh từ thiện cho người dân nghèo. Trong số những người dân đến chữa bệnh, cô lương dược trẻ trung đó đặc biệt chú ý đến một gia đình đông con, đứa con thứ được 3 tuổi, lại bị khuyết tật bẩm sinh. Sau hôm chữa bệnh, cô tìm về gia đình bé, thấy hoàn cảnh khó khăn, nheo nhóc, cô thương cảm xin nhận bé về nuôi và chữa bệnh cho con. Cả đoàn ý bác sỹ ngày đó đều ngỡ ngàng, nhìn cô gái tuổi đôi mươi còn quá trẻ bồng bế theo đứa bé khuyết tật về Sài Gòn… Sau này, nhờ mối nhân duyên đó, cả hai mẹ con lại cùng chèo lái xây dựng mái ấm khuyết tật cho hàng trăm mảnh đời kém may mắn ở khắp các tỉnh thành.


Cô Năm- Ngọc Anh hồi trẻ.

Cô lương dược trẻ trung năm xưa là Lý Ngọc Anh, sinh năm 1964, sống tại số 494 Xô Viết Ngệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) . Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha mẹ đều là những bác sỹ y học cổ truyền và có tiệm đông y cũng ở tại địa chỉ này. Từ nhỏ, cô Ngọc Anh đã học được những bài thuốc từ cha và tâm niệm sẽ nối nghiệp gia đình, hành nghề cứu người…

Cô Năm- Ngọc Anh hồi trẻ (bên phải)

Năm 1984, sau khi học xong lớp trung cấp lương dược y học cổ truyền ở Viện y học cổ truyền (thành phố Hồ Chí Minh), cô theo đoàn y bác sỹ đến vùng kinh tế mới ở Bàu Cạn (Long Thành, Đồng Nai) chữa bệnh từ thiện. Cũng tại đây, cô gặp đứa bé 3 tuổi bị khuyết tật bẩm sinh tên Huỳnh Ngọc Yến. Ngọc Yến là con thứ 4 trong một gia đình 7 anh em, lên 2 tuổi thì bị sốt bại liệt, khiến đôi chân bị teo nhỏ, không phát triển được nữa. Cô Ngọc Anh tìm về gia đình Ngọc Yến, thấy gia cảnh khó khăn, nheo nhóc, quần áo mấy đứa trẻ thì vá đùm vá chập… Cô gái 20 tuổi ấy rớt nước mắt, xin nhận Ngọc Yến làm con nuôi, bồng về Sài Gòn chăm sóc và chữa bệnh cho bé.

Hàng ngày, cô gái trẻ Ngọc Anh tiếp quản tiệm đông y của cha và kiên trì tập vật lý trị liệu cho con gái. Vào mỗi tối, khi các bạn bè cùng trang lứa đang tuổi hẹn hò yêu đương, lấy chồng lấy vợ thì Ngọc Anh lại ngồi kiên trì xoa chân, bấm huyệt và tập vật lý trị liệu cho con. Nhờ từ bé đã học nghề từ cha và theo học lương dược y học cổ truyền xuất sắc nên cô gái trẻ ấy hành nghề rất thành thạo và cứu chữa được cho nhiều người. Với những gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, cô lại chữa bệnh từ thiện, có khi chỉ lấy mấy đồng cho người nhà bệnh nhân vui. Tiếng lành đồn xa, họ truyền tai nhau về một tiệm đông y gia truyền 494 Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ đời cha đến đời con đều tôn chỉ “lương y như từ mẫu”…

Cứ kiên trì xoa bóp, trị liệu cho con, đứa bé đã ngày một tiến triển, Ngọc Anh vui mừng, chở con đến chỗ vật lý trị liệu phố Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM) để đặt giày cho con tập đi. Đôi chân vẫn còn yếu, nhưng người mẹ trẻ ấy vẫn kiên trì, mong một ngày không xa con mình sẽ tự bước đi từ đôi bàn chân yếu ớt ấy… Khi Ngọc Yến lên 6 tuổi, ba mẹ từ Long Thành lên Sài Gòn thăm con, họ cảm động trước tấm lòng nhân hậu của người mẹ Ngọc Anh dành cho con gái mình. Họ chứng kiến một tay người mẹ trẻ ấy tắm giặt, bồng bế, cho con ăn và hằng đêm tập vật lý trị liệu… Tự lúc nào, họ lại không đành lòng để một cô gái trẻ còn chưa chồng mà phải chăm con của mình, lại phải ôm gánh nặng ấy thay mình nên họ một mực xin đón Ngọc Yến về quê.

Phải xa con, người mẹ trẻ đã quen ôm con mỗi khi ngủ, bỗng trở nên hụt hẫng. Cô sống trầm hơn, những món đồ chơi và quần áo cũ của con gái được cô đóng gọn gàng, sợ phải nhìn thấy mà không ôm được con vào lòng . Cô cũng không về thăm con vì sợ trở về lại nhớ con nhiều hơn. Rồi mấy năm sau, Ngọc Anh mới lập gia đình và cũng làm mẹ của hai cậu con trai nhưng ký ức về con gái Ngọc Yến vẫn được cất lại trong một ngăn gọn gàng.

Về phần Ngọc Yến, khi trở về nhà với cha mẹ ruột, cuộc sống khó khăn, hàng ngày chỉ ngồi trên chiếc xe lăn, cột sống trở nên cong vẹo, đôi chân không được trị liệu cũng lại teo dần. Năm 2011, qua chương trình radio, Yến nghe tâm sự của một bạn là sinh viên trường Luật đồng cảnh ngộ với mong muốn được kết bạn với tất cả những người kém may mắn trong cả nước. Yến qua đó, lại có thêm những người bạn mới và lập ra nhóm Ước Mơ với 8 thành viên ban đầu.Nhóm thành lập được mấy năm, số lượng thành viên gia nhập cũng ngày một tăng. Ngọc Yến chợt nhớ đến người mẹ nuôi năm xưa, và tìm cách liên lạc.

Hai mẹ con gặp lại nhau sau mấy chục năm xa cách, cô Ngọc Anh xót xa nhìn con gái mà nước mắt cứ rơi, thấy con gái bệnh nặng hơn, cô thấy lòng đau lắm. Chỉ mong giúp được nhiều cho con để bù đắp những tháng năm qua. Khi nghe con gái kể về nhóm khuyết tật Ước Mơ, cô liền xin đồng hành và lập ra công ty TNHH Một thành viên Mái Ấm Ước Mơ kêu gọi bạn bè, những nhà hảo tâm, mạnh thường quân tài trợ… Hàng năm, cô cùng con gái Ngọc Yến kêu gọi các nhà tài trợ,  tổ chức tặng quà cho các thành viên vào mỗi dịp lễ, tết; tặng xe lăn, xe lắc cho các thành viên khuyết tật nặng có hoàn cảnh khó khăn… Với những hoạt động thiết thực và ý nghĩa đó, nhóm Ước Mơ đã lan tỏa yêu thương tới cộng đồng và thu hút được hơn 250 thành viên từ khắp các tỉnh thành và chính thức được nhà nước công nhận là mái ấm của người khuyết tật.

Cô Lý Ngọc Anh ở giữa và con gái nuôi Huỳnh Ngọc Yến (bên phải).

“Chuyến xe tình bạn” đầu tiên tổ chức cho nhóm, cô mừng rơi nước mắt khi các thành viên trong nhóm được gặp gỡ, giao lưu, hòa nhập với cộng đồng… Cô cùng con gái Ngọc Yến mở ra trung tâm dạy nghề từ đan lát, thêu thùa đến vót tăm, chạm trổ, đục đẽo… để các thành viên có thể tự làm việc nuôi sống bản thân. Với mong muốn xây dựng một mái nhà đủ rộng để gom tất cả các thành viên khuyết tật lại, cùng đùm bọc, nương tựa , đỡ đần nhau trong cuộc sống. Những thành viên mái ấm Ước Mơ đều không quên những ngày nắng hay mưa, cô từ Sài Gòn về tự tay nấu những bữa cơm, cùng Ngọc Yến tổ chức những buổi sinh hoạt nhóm và không quản xa xôi thăm hỏi, động viên, cho thuốc những thành viên ốm đau…

Lương dược Lý Ngọc Anh ở tiệm đông y ở số 494 Xô Viết Ngệ Tĩnh, phường 25,, quận Bình Thạnh, TP. Hcm.

Cô và Ngọc Yến đã từng có nhân duyên là mẹ con và sau mấy chục năm gặp lại vẫn để nối tiếp nhân duyên đó và để cùng xây dựng mái ấm Ước Mơ này. Hơn ai hết, hai mẹ con đều hiểu những lo lắng, trăn trở của những bạn khuyết tật. Đối với những bạn khuyết tật, từ nhỏ đều có cha mẹ chăm sóc, nhưng khi cha mẹ già, cũng không thể ẵm bồng, chăm các bạn ấy được. Thì các bạn ấy đều lo lắng sau này sẽ đi về đâu, sẽ ở với ai… Nên có tâm nguyện sẽ kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng chung tay với cô và Yến để xây dựng một mái nhà cho các bạn. Trước mắt cô tính vầy nè, sẽ tìm những nguồn tiêu thụ những sản phẩm thủ công của các bạn trong nhóm làm ra và xin tài trợ để mua dàn nhạc cho nhóm đi biễu diễn gây quỹ xây dựng ước mơ đó từ bây giờ…”- Cô Ngọc Anh chia sẻ với đôi mắt long lanh, tràn đầy tâm huyết.

Cô Năm- Ngọc Anh cùng nhà tài trợ tặng xe lắc cho thành viên khuyết tật nặng.

Cô Năm Ngọc Anh và chị Ngọc Yến (trưởng nhóm) cùng các nhà tài trợ, tình nguyện viên tổ chức “chuyến xe tình bạn” cho các thành viên nhóm Ước Mơ ở Đà Lạt.

Đến bây giờ, hai cậu con trai của cô cũng tự lập rồi. Ngoài tiệm đông y gia truyền cô đã tâm huyết hơn 30 năm nối nghiệp cha, thì quỹ thời gian còn lại cô dành cho mái ấm Ước Mơ. Được làm điều gì cho họ, được nhìn thấy những nụ cười tươi trên những cơ thể khiếm khuyết ấy, cô thấy hạnh phúc vô cùng…”- cô tâm sự. Từ bao giờ, mọi người trong mái ấm Ước Mơ gọi cô Ngọc Anh với những cái tên ưu ái như “cô Năm”, “mẹ Năm”, “mẹ Ngọc Anh”… Ở tuổi 20, trẻ trung tươi đẹp, chưa nghĩ đến cuộc sống riêng tư, cô chọn chăm sóc một đứa trẻ tật nguyền là hạnh phúc. Và giờ ngoài 50, cô lại lo lắng, trăn trở cho cả đàn con khuyết tật và tâm huyết xây dựng mái ấm cho hơn 250 mảnh đời. Nhìn cô vẫn vậy, vẫn tươi đẹp, vẫn nhiệt huyết, vẫn nhân hậu và vẫn tiếp tục cho đi như tuổi 20 đầy xuân sắc./.

Trang Nhung.

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang