(ĐHVO). Câu hỏi: Tôi được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xác định là người khuyết tật nhẹ, tuy nhiên, tôi không đồng ý với kết quả này, tôi cần làm gì để xác định lại mức độ khuyết tật của mình?
ThS. LS Nguyễn Thị Hồng Liên – Thành viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt đưa ra ý kiến giải đáp vấn đề trên như sau:
1. Người khuyết tật cần làm gì khi không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật?
Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH nêu khái niệm về khám giám định mức độ khuyết tật như sau:
“Khám giám định mức độ khuyết tật là khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng Giám định y khoa các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật.”
Theo đó, khoản 2 Điều 15 Luật Người khuyết tật 2010 quy định:
“2. Trong các trường hợp sau đây thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện:
a) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
b) Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
c) Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.”
Như vậy, khám giám định mức độ khuyết tật là khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định lại mức độ khuyết tật tại Hội đồng giám định y khoa khi Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận hoặc NKT, đại diện hợp pháp của NKT không đồng ý với kết luận đó hoặc việc xác định không diễn ra khách quan, chính xác.
Do đó, khi không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, bạn có thể yêu cầu khám giám định mức độ khuyết tật tại Hội đồng giám định y khoa.
2. Hồ sơ khám giám định mức độ khuyết tật
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH, trong trường hợp NKT hoặc đại diện hợp pháp của NKT không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau:
– Giấy giới thiệu của UBND xã nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật
Lưu ý: Trong giấy giới thiệu phải ghi rõ “người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật”, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng đang cư trú.
– Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
– Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có)
– Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có)
– Giấy kiến nghị của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật về kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
Thêm nữa, khoản 2 Điều 7 Thông tư này cũng quy định Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật có trách nhiệm hoàn chỉnh 01 bộ hồ sơ theo đúng quy định và chuyển hồ sơ đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội của huyện trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Do đó, khi không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, NKT hoặc đại diện hợp pháp của NKT cần cung cấp tài liệu, giấy tờ chứng minh liên quan và ý kiến của mình để Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoàn chỉnh và chuyển hồ sơ tới Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện.
3. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ khám giám định
Căn cứ Điều 8, Điều 9 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH, trình tự tiếp nhận, giải quyết hồ sơ khám giám định như sau:
Ngay sau khi nhận hồ sơ từ Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ khám giám định do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật chuyển đến:
– Trường hợp hồ sơ đã hoàn chỉnh, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nhận hồ sơ và cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện chuyển hồ sơ khám giám định đến Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh.
– Trường hợp hồ sơ khám giám định chưa đầy đủ và hợp lệ, trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoàn chỉnh hồ sơ.
– Sau khi Hội đồng Giám định y khoa nhận được hồ sơ đề nghị khám giám định mức độ khuyết tật đầy đủ do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển đến, trong thời gian 30 ngày làm việc, Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm tổ chức khám giám định và kết luận dạng tật và mức độ khuyết tật.
Người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, do đó, chúng ta cần chung tay hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, bảo đảm mọi quyền lợi trong quá trình sinh sống và làm việc. Việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật cần được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện một cách chính xác, khách quan và trung thực, nhằm hỗ trợ phù hợp với từng mức độ, tránh xảy ra trường hợp có sai phạm trong việc xác định nhằm trục lợi bất chính.
Hồng Liên