Lớp học miễn phí của kình ngư Sari

7 năm qua nữ VĐV khuyết tật tại Long An dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ khó khăn…

Lớp học 0 đồng của chị Sari.

    Lớp học 0 đồng của chị Sari.

    Không chỉ ghi tên mình trên bảng vàng ASEAN Para Games cũng như các giải quốc nội, suốt 7 năm qua chị Nguyễn Thị Sari, trú tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước (Long An) còn dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ khó khăn.

    Lớp học dành cho trẻ nghèo

    Mặc dù đến 17 giờ 45 phút mới vào học, nhưng 6 học sinh trên địa bàn xã Phước Đông theo học tại lớp phụ đạo của chị Sari thường có mặt từ rất sớm. Căn phòng khách nhà chị Sari rộng chừng 10m2, được sử dụng làm thành lớp học. Tấm bảng được bố trí ngay gần cửa ra vào, hai bộ bàn ghế nhựa đặt đối diện nhau để học sinh ngồi học. Tuy có phần chật chội nhưng lớp học ấm cúng, luôn rộn vang tiếng cười.

    Em Cao Ngọc Minh Châu (9 tuổi), theo học tại lớp của chị Sari suốt hơn 3 năm nay, cho biết: “Do gia đình khó khăn nên em không có điều kiện đi học thêm ở trung tâm ngoại ngữ để cải thiện môn Tiếng Anh. Vì vậy bố mẹ đã đưa em đến gặp để nhờ cô Sari kèm cặp, phụ đạo thêm. Được sự hướng dẫn, chỉ bảo của cô mà khả năng ngoại ngữ của em đã tốt hơn. Em và các bạn trong lớp rất quý cô Sari. Cô rất thân thiện, vui vẻ và giảng bài dễ hiểu”.

    Văn Huỳnh Như là sinh viên năm thứ 3 ngành Quản trị khách sạn của Trường Đại học Văn Hiến (TPHCM). Mỗi dịp cuối tuần về quê, Như đều tận dụng thời gian tìm đến chị Sari để nhờ chỉ dạy thêm kiến thức môn Tiếng Anh. Trước đó, những năm còn học phổ thông, Huỳnh Như đã từng theo học lớp tiếng Anh miễn phí của nữ kình ngư này và tiến bộ nhanh chóng.

    Huỳnh Như cho biết: “Em được cô Sari kèm cặp từ cuối cấp THCS cho đến những năm học THPT. Trong quá trình đến lớp, phần nào chưa hiểu em đều được cô nhẹ nhàng giải thích và giảng kỹ để nắm rõ nội dung. Dù đã bước vào đại học nhưng do nhà gần trường nên em tranh thủ đến lớp học của cô Sari để củng cố thêm cho chắc kiến thức. Cô Sari thực sự là một tấm gương cho bọn em noi theo”.

    Bắt đầu từ năm 2016, chị Sari tổ chức ôn tập, kèm cặp môn Tiếng Anh cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do điều kiện công việc và quỹ thời gian của chị không có nhiều giờ trống nên lớp học tiếng Anh miễn phí bấy giờ chỉ mở vào chiều Chủ nhật. Khoảng 3 năm trở lại đây, công việc đã ổn định hơn nên chị mở lớp học đều đặn vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai (từ 17 giờ 45 phút – 19 giờ 30 phút) hằng tuần. Suốt 7 năm qua, chị đã dạy cho hơn 100 em nhỏ khó khăn trong và ngoài xã.

    Chị Sari cho biết, nhiều em nhỏ trên địa bàn có hoàn cảnh gia đình không khá giả gì, những đồng tiền bố mẹ các em vất vả kiếm được chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt và lo đóng tiền học cho các nhà trường. Vì vậy nhiều em mất căn bản tiếng Anh nhưng không có điều kiện đến các trung tâm ngoại ngữ học tập. Mở lớp học miễn phí này cũng là cách chị Sari vừa giúp các bé có thêm kiến thức, lại vừa có thể tự ôn luyện cho bản thân.

    “Tôi từng là học trò mất căn bản tiếng Anh, khá lo sợ cảm giác lên lớp mà không hiểu bài và cũng không có tiền để đi học thêm. Vì thế tôi quyết định vừa giúp các em ôn luyện kiến thức, vừa giúp bản thân thỏa được ước mơ. Trẻ học ở đây đa số là con của các cô chú bán rau, bán cá, mua ve chai trong xóm. Lớp học cũng không có phương tiện hiện đại gì, chỉ có tấm bảng và bộ bàn ghế, giáo án toàn bộ do tôi tự soạn và dạy các em theo hiểu biết của mình”, chị Sari bộc bạch.

    Lớp học miễn phí của kình ngư Sari ảnh 1

    Kình ngư Nguyễn Thị Sari thi đấu ASEAN Para Game 2023 ở Campuchia.

    Hạnh phúc khi được là cô giáo

    Hơn 17 năm về trước, tốt nghiệp THPT nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại bị khuyết tật ở chân, chị Sari buộc phải tạm gác ước mơ học đại học để lên TPHCM làm thêm phụ giúp gia đình. Thời điểm này chị phải vất vả lắm mới xin được việc cắt chỉ cho một công ty ở quận Tân Bình. Cũng từ đây, cuộc đời Sari bước sang trang mới khi gặp ông Trần Hoàng Minh, Chủ nhiệm mái ấm Mùa Xuân, người đã phát hiện và khuyến khích Sari tham gia môn bơi.

    Bén duyên với môn thể thao này, chị nỗ lực tập luyện và trong quá trình tham gia thi đấu, chị Sari đã đạt được nhiều thành tích. Khi dành dụm được một khoản tiền thưởng qua các giải đấu, nữ kình ngư quyết định thực hiện ước mơ đèn sách còn dang dở. Chị tranh thủ thời gian rảnh tập trung ôn thi. Năm 2008, chị Sari thi đậu vào ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Hùng Vương.

    Tốt nghiệp đại học, chị quyết định về quê nhà ở huyện Cần Đước, Long An sinh sống. Đầu tiên Sari làm công nhân ở gần nhà, đến năm 2021 chị được nhận vào làm ở một trung tâm tiếng Anh trên địa bàn. Được làm việc đúng chuyên ngành đã học, chị tranh thủ tuần ba buổi dạy kèm cho các em gần nhà để nâng cao nghiệp vụ nghề nghiệp.

    Để có thể cân bằng giữa việc đi thi đấu thể thao và dạy học, chị Sari phải xin trung tâm cho về sớm để ổn định lịch dạy học cho các bé. 1 – 2 buổi sáng trong tuần chị dành ra để đến hồ bơi luyện tập, những ngày còn lại chị tự tập thể lực ở nhà. “Khi nghe các em gọi bằng “cô giáo” tôi hạnh phúc vô cùng.

    Dù không viết trọn giấc mơ được đứng trên bục giảng với rất đông học sinh, nhưng tôi đã là cô giáo trong lòng các em nhỏ khó khăn. Quan tâm, giúp đỡ các em, điều đáng mừng nhất là nhiều học sinh của tôi từ chỗ mất căn bản tiếng Anh đã dần tiến bộ, đạt được yêu cầu môn học để lên lớp hoặc vào đại học”, chị Sari phấn khởi chia sẻ.

    Nguyễn Thị Sari là thành viên kỳ cựu của đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam. Tính đến nay chị đã đoạt 26 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng quốc gia. Tại các kỳ ASEAN Para Games, chị giành được tổng cộng 5 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng. Tại ASEAN Para Games 2009, với 3 Huy chương Vàng, Sari đạt danh hiệu “Vận động viên xuất sắc nhất”. Ngoài ra, chị từng đoạt Huy chương Đồng giải vô địch châu Á – Thái Bình Dương 2010 và đạt chuẩn A tham dự Paralympics London 2012.

    Theo Báo Giáo dục & Thời đại

    Bài viết liên quan

    NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

    Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

    Picture1

    Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

    Picture1

    Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

    5-1712332006101296289476

    Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

    z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

    Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Lên đầu trang