Nam Định: Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2024

(ĐHVO). Tối 11/4 (mùng 3/3 Âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, đã diễn ra Lễ Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2024, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.  

Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2024

Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn xã Kim Thái huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Quần thể Phủ Dầy bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng ba âm lịch hàng năm. Lễ hội nhằm tổ chức các nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, nhiều lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh cũng được tổ chức tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy được tổ chức được xem là long trọng nhất, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Từ khi Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, đến nay, Lễ hội Phủ Dầy ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành điểm đến của du lịch tâm linh đối với du khách trong nước và quốc tế.

Hằng năm, cứ vào mùa Lễ hội, đông đảo tín đồ theo đạo Mẫu và du khách thập phương lại trở về Phủ Dầy để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu, đồng thời tham quan, chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, nơi khởi nguồn của nghệ thuật hát Chầu văn.

Có 3 nghi thức quan trọng nhất trong Lễ hội Phủ Dầy bao gồm: Lễ Rước Mẫu thỉnh kinh; Lễ Rước đuốc tại Phủ Chính; Lễ Kéo chữ hoa trượng hội.

Ngoài ra trong Lễ hội còn có các trò chơi truyền thống như: Thi hát văn, hát chèo, múa rối nước, đấu vật, đấu cờ người, thổi cơm thi… và Nghi lễ Hầu đồng diễn ra trong suốt thời gian Lễ hội.

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài nhấn mạnh: Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội truyền thống gắn liền sự tích về Thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của dân gian Việt Nam; là nét đẹp văn hóa truyền thống do cộng đồng sáng tạo, góp phần bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc

Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm phong phú nền văn hóa truyền thống, là nét văn hóa đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian với các Nghi lễ Chầu văn – Hầu đồng. Đặc biệt, Nghi lễ Chầu văn không chỉ diễn ra ở các di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn được sáng tạo, cải biên với các hình thức biểu diễn trên sân khấu trong các cuộc thi, các hoạt động văn hóa quần chúng.

Để Lễ hội được diễn ra an toàn, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài đề nghị huyện Vụ Bản chỉ đạo Ban Tổ chức Lễ hội, UBND xã Kim Thái, các thủ nhang, đồng đền, thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng tôn giáo cùng các quy định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng như UBND tỉnh Nam Định về quản lý, tổ chức lễ hội.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tổ chức tuyên truyền vận động du khách cùng bà con nhân dân trong trong quần thể di tích không tổ chức các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục; ngăn chặn các hoạt động dịch vụ “chặt chém” du khách, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, hướng tới xây dựng lễ hội lành mạnh, văn minh.

Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 sẽ diễn ra trong 6 ngày từ ngày 11/4 đến ngày 16/4 dương lịch tức từ mùng 3/3 đến mùng 8/3 âm lịch.

Trần Văn Hồng

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top