Một số điểm nhấn tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(ĐHVO). Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 với nhiều điểm nhấn sẽ diễn ra từ ngày 09/4 đến ngày 18/4/2024.

Lễ hội Đền Hùng và các hoạt động liên quan sẽ diễn ra tại thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong Tỉnh từ từ ngày 09/4 – đến hết ngày 18/4/2024 (tức 01/3 đến hết 10/3 âm lịch).

Trong phần Lễ năm nay, một số hoạt động chính không thể bỏ qua như: Lễ Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ từ ngày 09/4 – 18/4/2024 (tức từ ngày 01/3 – 10/3 năm Giáp Thìn); Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ diễn ra vào ngày 14/4/2024 (tức ngày 06/3 âm lịch);

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” ngày 18/4/2024 (tức ngày 10/3 âm lịch)

Bên cạnh đó, tại phần Hội của Lễ hội Đền Hùng 2024 sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát huy các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật như: Rước kiệu, trình diễn Lân Sư Rồng, đánh trống đồng, đâm đuống; Thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; Hội trại văn hoá, liên hoan văn nghệ quần chúng, Hát Xoan và dân ca Phú Thọ…

Các huyện chuẩn bị cho hội trại văn hóa

Cùng với đó, cũng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều chương trình đặc sắc cũng sẽ tổ chức như: Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024; Trưng bày Di sản tư liệu thế giới tại Bảo tàng Hùng Vương “Quốc hiệu kinh đô Văn Lang và các kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn”; Triển lãm Mỹ thuật với chủ đề “Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ” tại Bảo tàng Hùng Vương…

Cụ thể, thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, bảng điện tử và trang website Đền Hùng các nội dung về thời đại Hùng Vương; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ; tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào và du khách thực hiện tốt các nội quy, quy định của Khu di tích. Tăng cường tuyên truyền trực quan đậm nét bằng pa-nô, băng-rôn, hệ thống bảng, biển chỉ dẫn, hướng dẫn trên các tuyến đường trong phạm vi di tích…

Đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ thường trực tại các đền, chùa và các khu vực, các chốt bảo vệ … được bố trí túc trực, sẵn sàng hướng dẫn cho đồng bào về dự Lễ hội với thái độ chu đáo, lịch sự, văn minh.

Phối hợp cùng các lực lượng chức năng như công an, dân phòng…. nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông, hướng dẫn du khách khi về thăm viếng di tích, bố trí các bãi đỗ xe hợp lý, thuận lợi cho việc di chuyển giữa các điểm tham quan.

Tăng cường dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo mỹ quan tại các địa điểm diễn ra sự kiện.

Ngoài ra, các công tác khác cũng được đảm bảo thực hiện: Công tác quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch; quy hoạch, sắp xếp các địa điểm bán hàng đảm bảo mỹ quan, sạch đẹp cũng được tăng cường; thành lập đội công tác liên ngành thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, quản lý hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phục vụ chu đáo đồng bào và du khách; kiểm tra, duy tu, sửa chữa kịp thời hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để phục vụ lễ hội. Đồng thời, đơn vị thi công được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công công trình tu bổ, tôn tạo bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong tại khu vực ngã 5 Đền Giếng để kịp thời đưa vào hoạt động trước ngày khai mạc Lễ hội.

Tiến Bắc

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top