Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội: Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

(ĐHVO). Ngày 12/4/2024, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4.

Tham dự Hội nghị có bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thùy Hương, vợ cố Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội Vũ Mạnh Hùng; đại diện Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội; đại diện Sở Nội vụ TP. Hà Nội; đại diện Công ty CoLas Rail Việt Nam; đại diện Trung tâm Actice Skills và hơn 150 người khuyết tật đại diện cho hơn 16.000 hội viên Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội chia sẻ: Cách đây 26 năm, theo Pháp lệnh Người Tàn tật, tại Điều 31 có ghi “Ngày 18 tháng 4 hàng năm được lấy làm ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật”. Đến năm 2010, Quốc Hội thông qua Luật Người khuyết tật, Điều 11 ghi rõ: “Ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam”. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến công tác người khuyết tật, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật tương đối toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thông qua đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước về người khuyết tật (NKT) nói chung và sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND-UBND-UBMTTQ TP. Hà Nội, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Sở LĐTB&XH Hà Nội, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội và các cơ quan, ban, ngành chức năng của Thành phố đã tạo điều kiện để người khuyết tật nhất trên địa bàn nhất là hội viên Hội được học tập, làm việc, tiếp cận các dịch vụ xã hội ngày càng thuận lợi hơn.

Bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc

Năm nay, Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/04/2024) diễn ra trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo cả nước thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội một cách “chủ động, kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Hưởng ứng tinh thần này, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã chọn chủ đề “Cùng hành động để NKT tiếp cận và sống độc lập”. Đây cũng  sẽ là dịp để chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các tổ chức của NKT quan tâm hơn đến những hoạt động vì NKT, từ đó tạo điều kiện để thúc đẩy sự tham gia của NKT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm nâng cao chất lượng sống và đảm bảo sự hòa nhập – bình đẳng cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam thông qua việc tiếp cận và sống độc lập.

Cũng theo bà Huyền, nhận thức của cộng đồng và bản thân NKT đã thay đổi tích cực. Trên địa bàn Thành phố, nhiều công trình công cộng đã được đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng; các phương tiện giao thông như xe buýt cũng thân thiện hơn với NKT, NKT tham gia giao thông khi được tạo điều kiện cấp thẻ xe buýt miễn phí; nhiều hội viên của Hội được quan tâm, tạo điều kiện về vay vốn, cơ hội học nghề, việc làm, nhiều trẻ em khuyết tật và con của NKT được quan tâm, tạo điều kiện đến trường, NKT có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp. Những rào cản hữu hình và vô hình đang dần được dỡ bỏ để NKT thực hiện các quyền của mình. Quan niệm mới về cách thức hỗ trợ NKT lan toả trong cộng đồng: hỗ trợ dựa trên quyền. Quan niệm này cũng tác động tích cực đến cả NKT, động viên, khuyến khích họ nâng cao năng lực của bản thân để tiếp nhận các cơ hội mới. Nhiều NKT tự tin vươn lên, khẳng định năng lực bản thân và làm chủ cuộc sống.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn rất nhiều NKT chưa có việc làm hoặc có việc làm với thu nhập thấp, không ổn định, sống phụ thuộcvào gia đình và sự hỗ trợ của các chính sách xã hội. NKT vẫn còn gặp các trở ngại về định kiến xã hội. Nhiều lối đi chưa tiếp cận cho người sử dụng xe lăn, chưa hỗ trợ người khiếm thị, ngôn ngữ ký hiệu người điếc chưa được phổ biến.…Vấn đề tiếp cận các dịch vụ công, dịch vụ xã hội như làm các thủ tục hành chính, tham gia giao thông, khám sức khỏe… còn gặp rất nhiều rào cản khác. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, thách thức đối với NKT càng nhiều. Có thể thấy, khi các dịch vụ công ngày càng được số hóa trên không gian mạng thì nhiều NKT đang phải thích nghi với môi trường mới mà những công cụ hỗ trợ NKT vẫn còn thiếu thốn, chưa giúp họ tiếp cận dịch vụ công trên nền tảng số dễ dàng như những người khác. Chúng ta biết rằng khi số hóa thì việc đi lại và thực hiện các thủ tục hành chính sẽ trở lên thuận tiện và tiết kiệm cho NKT, nhưng rất nhiều NKT lại dường như đang bị bỏ lại phía sau vì hạn chế về kiến thức, kỹ năng khi sử dụng nền tảng số, thiếu cơ sở hạ tầng thiết bị phù hợp để truy cập, hoặc không thể tiếp cận các trang web và ứng dụng khi thực hiện các dịch vụ hành chính công – Bà Huyền cho biết thêm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập trình bày về vấn đề người khuyết tật sống độc lập, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung nhằm làm rõ khái niệm, những vấn đề liên quan đến sống độc lập đặc biệt nhấn mạnh nội dung hỗ trợ để NKT sống độc lập.

Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập tham luận tại Hội nghị

Cũng trong khuôn khổ Chương trình, một buổi đối thoại của thanh niên khuyết tật với lãnh đạo Hội đã được diễn ra do ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội NKT thành phố Hà Nội, Trưởng ban Thanh niên của Hội điều hành. Ông Khoát nhấn mạnh: Đây là diễn đàn quan trọng và rất ý nghĩa để Ban Lãnh đạo, Ban Chấp hành và các cơ quan ban ngành của TP.  Hà Nội và các tổ chức lắng nghe, chia sẽ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên khuyết tật trên con đường lập thân, lập nghiệp; và khát vọng vươn lên làm chủ khoa học công nghệ để xây dựng đất nước cùng góp sức xây dựng Hội các cấp ngày càng vững mạnh. Đồng thời, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc Ban Lãnh đạo Hội, của cá nhân Chủ tịch Hội với thanh niên khuyết tật, vì sự phát triển của thanh niên, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện của thanh niên khuyết tật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Diễn đàn đã lắng nghe, trao đổi nhiều vấn đề mà thanh niên khuyết tật quan tâm như: Vấn đề việc làm, kinh nghiệm làm công tác hội đảm bảo với công việc gia đình….

Ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Thanh niên Hội NKT TP. Hà Nội điều hành buổi đối thoại

Cũng tại Hội nghị, Hội cũng đã trao 16 suất quà trong đó 11 suất quà của bà  bà Nguyễn Thị Thùy Hương, vợ cố Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội Vũ Mạnh Hùng; 05 suất quà của Công ty CoLas Rail Việt Nam và 50 suất học bổng tiếng Anh của Trung tâm Actice Skills cho người khuyết tật. Điều đó đã khẳng định sự quan tâm hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần của các tổ chức, tập thể, cá nhân góp phần thúc đẩy, đảm bảo hòa nhập bình đẳng của người khuyết tật vào cộng đồng và xã hội.

Đại diện Công ty Colas Rail Việt Nam tặng quà cho một số thanh niên khuyết tật

Tin tưởng rằng cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội, những hoạt động của Hội NKT TP. Hà Nội sẽ ngày càng lan toả sâu rộng trong xã hội, tạo cơ hội cho tất cả mọi người, người khuyết tật thể hiện và khẳng định bản thân mình, như thông điệp: “Hãy nhìn vào khả năng của người khuyết tật, đừng nhìn vào sự khác biệt bên ngoài” mà Hội luôn lan tỏa!

 Ảnh lưu niệm tại Hội nghị

P.V

Bài viết liên quan

z6115517695182_84417e626b5285588cd00165f7be6017

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật

z6118109523751_50ea873e738cc425b92e7f950be7ff28

Thái Nguyên: Khám và phát thuốc miễn phí về mắt cho Người khuyết tật

Picture1

Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội chia sẻ kết quả dự án

abc

CHUYỆN NHỮNG CÁI BARIE Ở THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Picture1

Nam Định: Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Picture1

Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang