Lớp học không bục giảng

Có một lớp học đặc biệt ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh. Ở đó, giáo viên không đứng trên bục giảng, chưa một lần mặc bộ áo dài tới lớp.
Tiết sinh hoạt ngoài trời của cô trò lớp Giáo dục hòa nhập và Phục hồi chức năng của Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Ảnh: Hồ Phương

Tiết sinh hoạt ngoài trời của cô trò lớp Giáo dục hòa nhập và Phục hồi chức năng của Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Ảnh: Hồ Phương

Lớp học đó không phân theo độ tuổi mà chỉ dựa vào khả năng nhận biết của người học. Thành công của mỗi giáo viên đôi khi chỉ là học sinh cất tiếng gọi “cô ơi”…

39 giáo án

Đang giờ học, em N.T.V (10 tuổi) bỏ ra ngoài để tìm cậu bạn T.A.T lớp bên cạnh. Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Ly không bất ngờ bởi chuyện này diễn ra hằng ngày. Cô Ly vừa nghiêm giọng vừa dỗ dành để V trở lại lớp hoàn thành bài đọc còn dang dở.

10 tuổi nhưng trí tuệ, cảm xúc của V dừng lại ở cậu bé lên 5. Em chưa biết đọc chữ, mới đếm được từ 1 đến 10 cách đây không lâu. Nhưng chừng ấy thôi là cả quá trình rèn luyện bền bỉ của cô và trò suốt 3 năm qua tính từ khi V vào Làng trẻ mồ côi học tập.

Cô Cẩm Ly là 1 trong 4 giáo viên dạy lớp Giáo dục hòa nhập và Phục hồi chức năng của Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Điều đặc biệt, cô Ly từng lớn lên từ sự chăm sóc của những người “mẹ” nơi đây.

Tình cảm đó thôi thúc cô gái trẻ quyết tâm thi vào Trường Đại học Hà Tĩnh khoa Sư phạm Giáo dục mầm non. Năm 2012, Ly ra trường và quay về dạy ở “ngôi nhà” tuổi thơ.

Dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành Giáo dục chuyên biệt, nhưng khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ, cô Ly gặp không ít bỡ ngỡ. Thay vì nói một câu một lần cho 39 học sinh cô phải nói một câu 40 lần.

“Có khi mất cả tuần, cả tháng mới dạy được một chữ cái cho các em. Ngoài lời nói, giáo viên phải sử dụng cả ngôn ngữ ký hiệu khi giao tiếp với trẻ khiếm thính. Nếu không kiên trì, giáo viên không thể theo đuổi công việc đã chọn”, cô Ly bộc bạch.

Tương tự, cô Đặng Thị Mỹ – có thâm niên hơn 8 năm công tác – chia sẻ, dạy trẻ tự kỷ điều cốt yếu là thực sự yêu thương, nhẫn nại. Có em khi vào trung tâm đã 5 – 6 tuổi nhưng hành vi như trẻ sơ sinh. Để các em tập ngồi yên phải mất cả năm trời, nhiều khi vô vọng.

“Lớp có 39 học sinh, mỗi em một chứng bệnh: Câm điếc, Down, tim bẩm sinh, bại liệt, chậm phát triển, rối loạn hành vi… Tùy tình trạng học sinh mà giáo viên đưa ra giáo án riêng để dạy và trị liệu. Từ đầu năm học, giáo viên đã kiểm tra, rà soát lại thể trạng, nắm bắt tình hình bệnh tật, tâm lý và lên kế hoạch, xây dựng bài dạy cho từng em. Với 39 học sinh, giáo viên phải soạn 39 giáo án riêng biệt”, cô Đặng Thị Mỹ cho biết.

Do đó, muốn dạy tốt, ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên phải thường xuyên tìm kiếm tài liệu, tham khảo phương pháp mới của nước ngoài trên Internet để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho từng học sinh.

Mỗi học sinh trong lớp có một giáo án riêng biệt. Ảnh: Hồ Phương

Mỗi học sinh trong lớp có một giáo án riêng biệt. Ảnh: Hồ Phương

Quả ngọt bình dị

Lớp Giáo dục hòa nhập và Phục hồi chức năng của Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh có 20 học sinh thuộc “biên chế” của làng trẻ, 19 học sinh ngoài cộng đồng. Làng trẻ chia lớp làm 3 nhóm chức năng chính gồm: Can thiệp cá nhân dành cho học sinh tự kỷ, rối loạn hành vi; phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật về vận động; hòa nhập dành cho tất cả học sinh.

Không đơn giản là dạy học, thầy cô làm công tác giáo dục học sinh khuyết tật còn kiêm nhiều công việc mà để hoàn thành không thể thiếu tấm lòng yêu thương vô bờ của người làm mẹ cha với những đứa con.

Tại nhóm phục hồi chức năng có 9 học sinh nhưng 2 cô giáo phụ trách lớp phải liên tục di chuyển, để mắt đến các em. Hằng ngày, giáo viên phân công nhau hướng dẫn trò các bài tập vật lý trị liệu như cầm nắm, tập đi, điều hòa cảm giác… Nhiều em đến lớp chỉ ngồi một góc, không làm chủ được hành vi, đi vệ sinh tại chỗ. Thỉnh thoảng lại la hét, vứt đồ vào các cô.

Cô Phan Thị Thu Hương không đếm nổi bao lần bị thương vì học sinh. “Khi mới làm quen với giáo viên, các em rất khó hợp tác. Việc giáo viên bị xây xát mặt mày, thâm tím tay chân… là điều không tránh khỏi. Quá trình hướng dẫn, giáo viên luôn cố gắng bình tĩnh, không nóng nảy; tôn trọng, lắng nghe nhu cầu và động viên khích lệ những nỗ lực của các em”, cô Hương chia sẻ.

Với sự kiên trì, tận tâm của cô giáo, học sinh tại đây có chuyển biến đáng kể, dần chấp nhận và quấn quýt với cô. Nhiều buổi bố mẹ đón về các em ôm cô chẳng muốn rời. Nhưng điều hạnh phúc nhất của giáo viên lớp học đặc biệt chính là sự thay đổi tích cực của trẻ.

Nhiều em ban đầu không nói rõ lời, gọn ý; không cầm được đồ dùng, nhớ mặt chữ… mà giờ biết đọc, viết những từ đơn giản, giao tiếp chào hỏi lễ phép, mặc quần áo gọn gàng và giữ vệ sinh sạch sẽ.

Em T.V.S vào lớp khi đã 7 – 8 tuổi nhưng chỉ nói được từ bà, mẹ… Bên cạnh giáo dục hòa nhập, giáo viên còn tăng cường biện pháp vật lý trị liệu. Chỉ sau thời gian ngắn, em nói được nhiều hơn. Trong lúc học, S. bỗng cất tiếng gọi “cô ơi” khiến giáo viên vỡ òa hạnh phúc.

Nhiều cô giáo không quên cảm xúc khi chứng kiến những bước đi đầu tiên của em T.T.T.A (sinh năm 2012). Lúc sinh ra, em không may mắn như nhiều bạn nhỏ khác vì bị mù bẩm sinh, khuyết khả năng nghe nói. T.A vào lớp chăm sóc đặc biệt lúc 5 tuổi nhưng chẳng thể ngồi, cầm nắm khó khăn.

Sự thay đổi tích cực của các em là “quả ngọt” cho nỗ lực bền bỉ của giáo viên. Ảnh: Hồ Phương

Sự thay đổi tích cực của các em là “quả ngọt” cho nỗ lực bền bỉ của giáo viên. Ảnh: Hồ Phương

“Gửi con vào lớp, tôi chỉ mong có nơi trông giữ an toàn để yên tâm đi làm. Nhiều năm qua, gia đình không hy vọng con có thể đi lại, chạy nhảy bình thường như các bạn”, chị Trương Thị Thúy (TP Hà Tĩnh) – mẹ T.A cho hay. Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, sau 3 tháng, T.A có thể ngồi, biết cầm nắm đồ chơi, ôm người xung quanh. Sau hơn 1 năm được cô rèn luyện, hướng dẫn, T.A chập chững những bước đầu tiên.

“Tôi nhớ như in giây phút đó, đang làm việc thì cô giáo gọi điện báo con đã biết đi. Tôi không tin vào tai mình, vội xin phép cơ quan đến lớp học. Nhìn con đứng và tự bước đi trên đôi chân, tôi chỉ biết khóc vì hạnh phúc. Những gì các cô đã làm được thật phi thường…”, chị Thúy xúc động kể lại.

Dù chỉ là thay đổi nhỏ của những học sinh đặc biệt đều khiến giáo viên Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh vui mừng. Nó trở thành động lực giúp các cô tiếp tục gắn bó với nghề, dìu dắt trẻ kém may mắn sớm có khả năng hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh cho biết, làng trẻ đang nuôi dưỡng 110 em từ sơ sinh đến đại học, trong đó có 20 trẻ khuyết tật. Năm 2017, làng trẻ được UBND tỉnh đồng ý xây dựng đề án bổ sung nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, tự kỷ với hình thức tự nguyện.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top