(ĐHVO). Gần đây, tổ chức Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) châu Âu đã đưa ra thông báo, lỗ thủng tầng ozone tại Bắc Cực đã hoàn toàn đóng kín sau khi tồn tại trong nhiều tuần.
Các lỗ thủng tầng ozone là các khu vực trong tầng ozone của Trái đất nơi hàm lượng khí ozone bảo vệ hành tinh khỏi bức xạ là rất nhỏ. Thông thường, quá trình hình thành của chúng có liên quan đến sự kết hợp của nhiều yếu tố của cả con người và tự nhiên.
Ảnh minh họa lỗ thủng ozone Bắc Cực, nguồn ảnh Internet.
Vào khoảng từ tháng Ba đến tháng Tư năm nay, Bắc Cực bất ngờ có hiện tượng suy giảm ozone tạo thành một lỗ thủng Ozone. Lỗ thủng này chỉ vừa mới biến mất vào tuần trước. Tuy không nghiêm trọng như lỗ thủng ở Nam Cực đang làm tan chảy các dải băng khiến mực nước biển dâng lên hằng năm nhưng hiện tượng này đã khiến cho nhiều nhà khoa học phải chú ý.
Trước đó, kích thước của lỗ thủng này đã được ghi nhận đã đạt mức kỷ lục trong lịch sử thế giới, tương đương với diện tích đảo Greenland (Đan Mạch), theo VTV.vn
Nguyên nhân chủ yếu tạo ra lỗ thủng tầng ozone này được các nhà khoa học lý giải là do lốc xoáy vùng cực. Hiện tượng này xuất hiện khi luồng khí xoáy cực mạnh và liên tục hình thành vào mùa đông tại Bắc Cực và Nam Cực.
Ngoài ra, lốc xoáy vùng cực này cũng ngăn không cho các luồng khí giàu Ozone từ nơi khác đổ về Bắc Cực, giúp lỗ thủng tiếp tục tồn tại. Thế nhưng chỉ trong tuần trước, lốc xoáy vùng cực này bỗng nhiên biến mất, cho phép không khí giàu Ozone từ nơi khác đổ về vá lại lỗ thủng.
Mặc dù, việc xuất hiện lỗ thủng tầng ozone tại Bắc Cực vẫn thường xuyên xảy ra do khí hậu khắc nghiệt nơi đây nhưng điều kiện môi trường gây nên sự suy giảm ozone mạnh mẽ như lỗ thủng khổng lồ tháng 4 này lại được cho rằng là dị thường và hiếm gặp. Cộng đồng các nhà khoa học khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về hiện tượng này.
Lan Phương (T/h)