Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Hướng đến 2023 nhiều hứa hẹn

(ĐHVO). Năm 2022 là một năm đầy khó khăn và thách thức do tình hình hậu dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động nhất định đối với kinh tế – xã hội. Mặc dù vậy, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức hội thành viên vẫn luôn cố gắng để hoàn thành tốt kế hoạch, thích ứng với hoàn cảnh mới, phù hợp cho từng hoạt động, hoàn thành mục tiêu đặt ra và hướng đến năm 2023 đầy hứa hẹn. Và để có cái nhìn cụ thể hơn, Tạp chí Đồng Hành Việt đã có buổi phỏng vấn ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.


PV: Thưa ông, ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức hội thành viên trong năm 2022?

Ông Đặng Văn Thanh: Có thể nói, năm 2022 là một năm đầy khó khăn và thách thức khi mọi thứ trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện hoàn cảnh bình thường mới sau đại dịch Covid-19. Mặc dù cũng chịu những ảnh hưởng nhất định nhưng Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (Liên hiệp hội) và các tổ chức hội thành viên vẫn cố gắng hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần công tác trợ giúp người khuyết tật (NKT) bên cạnh các chính sách, chương trình hỗ trợ người khuyết tật của Nhà nước.

Trong đó, có thể kể đến một số hoạt động, nội dung nổi bật trong năm qua:

Công tác chính trị tư tưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội, thông qua nhiều kênh, Liên hiệp hội đã tuyên truyền, phổ biến tư tưởng, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến các tổ chức hội thành viên cũng như người khuyết tật trong cả nước và cộng đồng xã hội đặc biệt là những nội dung liên quan đến người khuyết tật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về lĩnh vực người khuyết tật, thúc đẩy hiện thực hóa quyền của người khuyết tật, tăng cường tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập một cách bình đẳng và đầy đủ; góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển…

Cùng với đó, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện chào mừng kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và Ngày Quốc tế người khuyết tật 03/12 với nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, hội thảo, tọa đàm với các chuyên đề bám sát thực tế tình hình đất nước và hưởng ứng lời kêu gọi của quốc tế trong công tác người khuyết tật.

Về Công tác xây dựng tổ chức phát triển hội, năm 2022, Liên hiệp hội đã kết nạp thêm 01 thành viên mới, nâng con số tổ chức hội thành viên lên 50 đơn vị.

Đối với việc tham gia đánh giá, thúc đẩy , giám sát thực thi chính sách:

Năm 2022, Liên hiệp hội tiếp tục được mời tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát thực thi Luật NKT và Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT cùng các chính sách liên quan đến người khuyết tật của Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đoàn kiểm tra giám sát liên quan đến công tác giảm nghèo của Cục Bảo trợ xã hội…

Cùng với đó là sự tham gia vào việc đánh giá, thúc đẩy công tác thực thi Luật; góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật, Luật Khám chữa bệnh; tổ chức các hoạt động liên quan kế hoạch Tổng thể ASEAN 2030 có lồng ghép quyền của người khuyết tật….

Đặc biệt, Liên hiệp hội và các đơn vị trực thuộc cùng các tổ chức hội thành viên đã hoàn thành dự thảo Báo cáo độc lập có lồng ghép vấn đề covid-19 về việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT gửi lên Ủy ban Công ước về Quyền của NKT vào tháng 9/2022.


Ông Đặng Văn Thanh và các đại diện Bộ LĐTB&XH tham qua các gian hàng của NKT

Ngoài ra, Liên hiệp hội cũng như các tổ chức thành viên đều tích cực tham gia và đóng góp nhiều ý kiến tại các Hội nghị, Hội thảo về chính sách, thúc đẩy thực thi Luật, Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT nhằm trao đổi kinh nghiệm và tăng cường vai trò, tiếng nói của NKT với các cơ quan, tổ chức….

Trong quan hệ, hợp tác quốc tế: Liên hiệp hội và tổ chức thành viên đã chủ động tiếp xúc với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức thành công một số hoạt động:

1) Cung cấp dịch vụ cho Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức thành công các hoạt động như: Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật vào các cơ quan dân cử; 02 Hội thảo tham vấn xây dựng bộ chỉ số đầu ra cho điều tra quốc gia người khuyết tật và vai trò và đóng góp của NKT vào các mục tiêu phát triển bền vững cùng sự kiện kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế người khuyết tật…

2) Phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng thực hiện thành công Chương trình Trại hè hạnh phúc cho hơn 70 trẻ khuyết tật và không khuyết tật tại Phú Yên nhân tháng thiếu nhi; tổ chức thành công Chương trình tôn vinh hơn 40 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu toàn quốc và tổ chức thành công buổi gặp mặt Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10.

3) Chủ trì, điều hành và phối hợp cùng các đơn vị trực thuộc như Tạp chí Đồng Hành Việt, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng, các tổ chức hội thành viên tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ các dự án hợp tác, hợp đồng dịch vụ ký kết với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong Chiến lược phát triển của Liên hiệp hội là công tác Thông tin, truyền thông năm 2022 cũng đã được thực hiện tốt, đạt được nhiều hiệu quả. Các cơ quan ngôn luận của Liên hiệp hội, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao, mục tiêu đặt ra mà còn đạt được những thành tích nhất định như: nhiều nội dung bài viết được các bộ, ngành tuyên dương.

Hiện Liên hiệp hội cũng đang phối hợp cùng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu người khuyết tật; giao Viện Khoa học Bổ trợ pháp lý hoàn thiện trang website của Liên hiệp hội. Phấn đấu đi vào hoạt động trong Quý I năm 2023.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Liên hiệp hội hoàn thành các mục tiêu, đóng góp vào báo cáo kết quả hoạt động trong năm đó chính là kết quả hoạt động của các tổ chức hội thành viên. Năm 2022, cũng là một năm đầy thử thách của các tổ chức hội thành viên.

Năm 2022, nhiều hoạt động trợ giúp của các tổ chức hội thành viên được triển khai, hỗ trợ kịp thời người khuyết tật cả về vật chất lẫn tinh thần tại các địa phương như Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cần Thơ…

Năm 2022 cũng là năm nhiều tổ chức hội thành viên tổ chức thành công Đại hội, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy như: Hội Người mù Việt Nam; Hội Người khuyết tật các tỉnh/thành phố Hà Nội, Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Quảng Nam…

Bên cạnh đó Các tổ chức hội thành viên cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện để người khuyết tật có thể phát huy được năng lực, sở trường tiếp cận việc làm và tham gia vào các công tác xã hội; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, góp phần xóa dần những định kiến, rào cản xã hội hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập hiệu quả.

Trên cơ sở các kết quả các đơn vị trực thuộc, các tổ chức hội thành viên đã đạt được cũng như trong các hoạt động, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích cũng như đề nghị các cấp khen thưởng cao hơn để góp phần tăng thêm động lực, cố gắng, phấn đấu cũng như tôn vinh, biểu dương các kết quả, những đóng góp trong công tác người khuyết tật.

PV: Thưa ông, để đạt được những kết quả như vậy là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn, ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình thực hiện các hoạt động?

Ông Đặng Văn Thanh: Trước hết, phải khẳng định lĩnh vực hoạt động của người khuyết tật Việt Nam ngày càng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng như cộng đồng xã hội quan tâm hơn; Năm 2022 là năm thứ năm thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ II, Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động mang tầm quốc gia góp phần khẳng định vai trò vị thế của một tổ chức đại diện cho NKT Việt Nam. Các hội cơ sở ngày càng phát triển, mạng lưới hội NKT mở rộng và đón nhận được sự tin tưởng của các cấp chính quyền. Năng lực quản lý và lãnh đạo của hội cơ sở ngày càng được nâng cao rõ rệt. Có thể nói, đây là một số những thuận lợi chính góp phần làm nên những kết quả trong hoạt động đối với công tác người khuyết tật.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng còn một tồn tại, khó khăn, hạn chế, vướng mắc dẫn đến nhiều hoạt động khó thực hiện, triển khai hay tổ chức thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Có thể kể đến như:

1. Công tác giám sát và phản biện việc thực thi chế độ, chính sách cho NKT, Liên hiệp hội chưa chủ động được, còn hạn chế. Chủ yếu phụ thuộc vào các chương trình do Bộ quản lý và các bên liên quan vì tình hình kinh phí hoạt động hạn chế do Liên hiệp hội chưa được cấp ngân sách thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.

2. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, bộ phận văn phòng và thường trực Liên hiệp hội vẫn phải làm việc trên tinh thần tự nguyện và không có kinh phí duy trì hoạt động nên gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do Liên hiệp hội không phải Hội đặc thù như nhiều tổ chức hội thành viên.

1. Trụ sở hiện nay của Liên hiệp hội hiện đang mượn Hội Người mù và các đơn vị khác nên cũng là một vấn đề cần sớm được quan tâm và có hướng giải quyết trong thời gian tới.

2. Thiếu nguồn kinh phí đối ứng để đảm bảo các hoạt động của Liên hiệp hội; các đơn vị trực thuộc chưa thể hiện được vai trò và hỗ trợ công tác văn phòng.

3. Theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP đã ra đời thay thế cho nghị định số 93 trước đây quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại vẫn còn một số bất cập nên việc phê duyệt các dự án còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa rõ ràng với các đơn vị trong đó Liên hiệp hội cũng không ngoại lệ.

PV: Được biết, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác, hoạt động. Vậy, Liên hiệp hội sẽ có những giải pháp hay ý kiến đề xuất, khuyến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?

Ông Đặng Văn Thanh: Để thuận lợi hơn trong các hoạt động cũng như đảm bảo tổ chức các hoạt động hiệu quả, góp phần đóng góp những giá trị, lợi ích lớn nhất cũng như đồng hành cùng các cơ quan nhà nước trong công tác hỗ trợ người khuyết tật, Liên hiệp hội sẽ từng bước khắc phục những khó khăn đang phải đối mặt nhất là vấn đề trụ sở, hoạt động văn phòng trên cơ sở tận dụng các nguồn dự án; hỗ trợ; đặc biệt có cơ chế rõ ràng trong hoạt động nhất là quy định chặt chẽ đối với các tổ chức/ đơn vị trực thuộc để đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật…. Bên cạnh đó, Liên hiệp hội cũng đã có những khuyến nghị, đề nghị, đề xuất với các bộ ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức hội thành viên, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật. Cụ thể:

1. Đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao trong Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39; Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT và Luật Người khuyết tật. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tạo điều kiện trụ sở cho Liên hiệp hội để đặt văn phòng yên tâm hoạt động trong thời gian sớm nhất.

2. Đề nghị các địa phương hỗ trợ các tổ chức của và vì NKT hoạt động theo tinh thần Chỉ thị 39, Luật và các chính sách đối với NKT, hỗ trợ tạo điều kiện thành lập các tổ chức, CLB của NKT tại địa phương.

3. Đề nghị các bộ, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp cùng các tổ chức của và vì NKT triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp NKT.

4. Đề nghị các tổ chức hội thành viên thực hiện đúng Điều lệ Liên hiệp hội, phối hợp chặt chẽ cùng Liên hiệp hội trong các hoạt động trợ giúp NKT: Nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân NKT, các Chương trình, hội nghị, hội thảo cũng như gửi báo cáo định kỳ cho Liên hiệp hội.


Ông Đặng Văn Thanh chụp ảnh cùng một số đại biểu NKT tham gia hội thảo

5. Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông phối hợp cùng Liên hiệp hội trong việc tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời nêu gương tổ chức cá nhân có thành tích trong hoạt động vì hạnh phúc của NKT.

6. Đề nghị các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên để thực hiện các hoạt động trợ giúp NKT.

PV: Vậy ông có thể chia sẻ một số hoạt động chính của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam trong năm 2023:

Ông Đặng Văn Thanh:

Năm 2023 là một năm rất quan trọng đối với Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam. Sau năm 2022, rất nhiều tổ chức hội của người khuyết tật ở Trung ương và địa phương đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ, kiện toàn bộ máy. Đây là cơ sở vững chắc để Liên hiệp hội kiện toàn và tổ chức thành công Đại hội trong năm 2023. Trên cơ sở đó, Liên hiệp hội tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ đã đặt ra. Đặc biệt Đại hội sẽ hoạch định một chặng đường cùng những mục tiêu, hoạt động cụ thể trong thời gian tới trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ cũ; đề giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc… Trong đó, có thể kể đến một số hoạt động chính của năm 2023 như sau:

1) Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ III: thành lập các ban, hoàn thiện các báo cáo, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Điều lệ (nếu cần)…

2) Chuẩn bị gửi báo cáo bổ sung về thực thi Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT lần thứ II (Trong trường hợp Liên hiệp hội thông qua và có kỳ họp với Chính phủ Việt Nam tháng 9 năm 2023).

3) Hỗ trợ thành lập Mạng lưới người điếc Việt Nam.

4) Tổ chức kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12.

5) Tiếp tục phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng thực hiện các công việc năm 2023 theo thỏa thuận hợp tác đã ký kết.

6) Tham dự thầu một số hoạt động của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ.

7) Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021- 2030. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến chính sách, luật pháp; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39/CT và Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 – 2030 cho các hội thành viên ở Trung ương và địa phương.

8) Phát triển mạng lưới, thúc đẩy việc thành lập cá tổ chức, Câu lạc bộ của NKT ở địa phương

9) Tăng cường và điều phối Văn phòng, Ban Đối ngoại, các đơn vị trực thuộc để tìm kiếm và viết đề xuất dự án hoạt động từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ…

10) Tham gia với các bộ, ban, ngành trong công tác giám sát thực hiện Luật NKT và Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại các địa phương khi được mời tham gia.

11) Tăng cường công tác phản biện, thúc đẩy thực thi và góp ý sửa đổi, bổ sung luật, chính sách đối với người khuyết tật.

12) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, mở rộng mạng lưới và tăng cường sự phối hợp của các tổ chức hội thành viên

13) Tổ chức các hoạt động thúc đẩy giám sát độc lập thi Luật, Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT

14) Thực hiện các hoạt động, dự án và các công việc khác

PV: Cám ơn ông đã chia sẻ, chúc Liên hiệp hội sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đặt ra với kết quả tốt nhất, hỗ trợ nhiều hơn cho người khuyết tật, góp phần cùng Nhà nước hoàn thành các mục tiêu, chương trình, chính sách trợ giúp NKT. Chúc Liên hiệp hội một năm thu được nhiều kết quả và thành công!

Ông Đặng Văn Thanh: Cám ơn Tạp chí Đồng Hành Việt. Nhân dịp đầu xuân Quý Mão, chúc Tạp chí Đồng Hành Việt sẽ luôn đạt được nhiều thành tích, kết quả hoạt động cao, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra trong năm 2023 trên cơ sở đúng tôn chỉ mục đích, quy định pháp luật, góp vào thành tích chung của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam. Xin chúc mọi người, mọi nhà nhất là người khuyết tật sức khỏe, sung túc, thành công và hạnh phúc!

Huy Thành

Bài viết được đăng trên Tạp chí Đồng Hành Việt số 01, tháng 01, năm 2023

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top