Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam họp cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải về tiếp cận giao thông và hạ tầng cơ sở đối với người khuyết tật

(ĐHVO) Chiều ngày 7/7/2022 vừa qua, tại Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã có buổi trao đổi với Viện Chiến lược về “Tiếp cận giao thông và hạ tầng cơ sở đối với người khuyết tật”.

Tham dự buổi trao đổi có ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; ông Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải; bà Nguyễn Tố Hà – Phó Trưởng phòng Giao thông đô thị và nông thôn; bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội; bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, là chuyên gia của hoạt động dự án….

Chia sẻ tại buổi trao đổi, đại diện Viện Chiến lược cho biết: Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều chính sách đảm bảo quyền tiếp cận giao thông của người khuyết tật như quy chuẩn quốc gia QCVN 82:2019/BGTVT về Ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng kể từ 9/2019, Quyết định số 365/QĐ-BGTVT ngày 11/3/2021 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030,…

Toàn cảnh của buổi họp

Bên cạnh đó, Viện Chiến lược cũng là đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giao thông vận tải nhằm tăng cường năng lực của hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát – ATS” thuộc Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành giao thông vận tải của Chính phủ Australia. Đây là chương trình tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về giao thông tiếp cận phổ quát cho các cán bộ quản lý giao thông vận tải, cộng đồng, tổ chức, hiệp hội người khuyết tật.

Ông Phạm Hoài Chung ( Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải) phát biểu tại buổi họp

Chia sẻ thêm về những nội dung liên quan đến tiếp cận giao thông và cơ sở hạ tầng trong thời gian qua, đại diện Viện Chiến lược cho biết những khó khăn, thách thức trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng như thế nào trong hoạt động giao thông vận tải cũng như vấn đề tiếp cận giao thông của người khuyết tật, những nỗ lực cố gắng của ngành trong thời gian phòng chống dịch và sau đại dịch để phục hồi và đảm bảo các hoạt động giao thông vận tải trong đó có những vấn đề liên quan đến tiếp cận của người khuyết tật. Đồng thời, thông tin thêm về những kế hoạch trong thời gian tới, đại diện Viện Chiến lược cũng cho biết một số dự định như xây dựng bản đồ số để người khuyết tật tiếp cận hay Sổ tay tra cứu, ứng xử khi giao thông bị chia cắt vì nhiều nguyên nhân như thiên tai dịch họa…. Đặc biệt, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải nhấn mạnh cần phát triển hệ thống giao thông công cộng vì đây là xu thế của thế giới và người khuyết tật được thụ hưởng và tận hưởng từ sự phát triển đó. Qua đó, khuyến nghị mỗi người cần thay đổi và nâng cao ý thức tham gia giao thông và chia sẻ về các dự án giao thông công cộng mà ngành cùng các địa phương đang triển khai…

Thay mặt Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, ông Đặng Văn Thanh cám ơn sự quan tâm của  Viện đối với các hoạt động của người khuyết tật trong suốt thời gian qua. Đại diện Liên hiệp hội cũng đánh giá cao những nội dung mà ngành giao thông đã làm được trong việc góp phần hiện thực hóa quyền của người khuyết tật như ban hành các bộ quy chuẩn quốc gia, các dự án cải tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên ngành giao thông đảm bảo cho NKT tiếp cận; miễn giảm giá vé đối với NKT…. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn những hạn chế và tồn tại nhất định.

Ông Đặng Văn Thanh( ngoài cùng trái) và ông Phạm Hoài Chung( thứ hai bên trái) chụp ảnh kỉ niệm.

Trên cơ sở đó, thay mặt cho đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam mong muốn Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tiếp tục quan tâm đến các hoạt động giao thông đối với người khuyết tật; theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu Bộ trong việc ban hành các chính sách và triển khai các hoạt động đối với người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông; sớm hoàn thiện và ban hành bộ giao thông tiếp cận phổ quát; tham mưu đề nghị ngành giao thông thực hiện đúng các quy chuẩn quốc gia đã ban hành và nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy chuẩn với các loại hình giao thông chưa được xây dựng….

Có thể nói, tiếp cận giao thông là một trong những điều kiện tiên quyết trong việc thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập xã hội, thực hiện các quyền cơ bản của chính mình, tham gia vào các hoạt động của đời sống như: đi bộ, đi làm, khám chữa bênh,… Và tin tưởng rằng, với sự quan tâm, vào cuộc của ngành giao thông nhất là của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, những vấn đề liên quan đến tiếp cận và cơ sở hạ tầng giao thông đối với người khuyết tật từng bước được cải thiện, đảm bảo và mọi người nói chung, NKT nói riêng sẽ được thụ hưởng, tận hưởng từ đó.

 

PV

Bài viết liên quan

Picture1

TỔNG THUẬT: LỄ QUỐC TANG TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Picture1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

PictureY1

Hội Thảo Về Thực Trạng Và Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Đội Ngũ Tư Vấn Viên Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa

Picture1

Thanh Hoá: Thí sinh Tô Thị Diệu và niềm vui khi biết mình là thủ khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Picture1

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà các gia đình chính sách huyện Thuỷ Nguyên

Picture1

Huyện Vụ Bản (Nam Định): Tổ chức thăm khám, cấp thuốc, trao quà, nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang