Hội Người khuyết tật Hà Nội: Tọa đàm đối thoại chính sách về vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn cho người khuyết tật

Ngày 13/04/2020, Hội Người khuyết tật Hà Nội đã tổ chức buổi Tọa đàm đối thoại chính sách về vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn cho người khuyết tật nhằm trao đổi, rà soát tình hình thực hiện các chính sách liên quan đến hướng nghiệp, việc làm cho người khuyết tật, vấn đề tự tạo việc làm như chính sách vay vốn đối với người khuyết tật.

Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Thay mặt Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết: Trong suốt 15 năm hoạt động, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội luôn đặt vấn đề việc làm cho NKT ở trọng tâm các chương trình, kế hoạch của mình vì nhận thức được rằng, việc làm ổn định sẽ giúp NKT tạo dựng cuộc sống tự lập, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội, mở ra những cơ hội mới để NKT hoà nhập đầy đủ và bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước. Trong quá trình tham gia giải quyết vấn đề này, Hội luôn bám sát các văn bản pháp luật của Nhà nước hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT; thực hiện các chương trình, dự án về dạy nghề và tạo việc làm có sự tham gia phối hợp của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT. Trong những năm gần đây, bên cạnh việc thúc đẩy tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để NKT tự tạo việc làm, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm xây dựng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tạo việc làm ổn định cho NKT và đã nhận được sự ủng hộ, phối hợp nhiệt tình của một số doanh nghiệp.

Bà Diệp cũng chia sẻ: Trong quá trình tham gia giải quyết việc làm cho NKT, Hội cũng nhận thấy cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp và các tổ chức của NKT. Những NKT tự tạo việc làm cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, để nâng cao năng lực quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường…

Bà Phạm Thị Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Tổng cục Dạy nghề có bài trình bày tại buổi Tọa Đàm

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được nghe bài trình bày của bà Phạm Thị Hoàn, Phó Vụ trưởng vụ Đào tạo thường xuyên Tổng cục Dạy nghề về việc thực thi chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT; bài trình bày về thực trạng công tác hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm cho người khuyết tật tại Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội và mô hình “Hợp tác công tư trong đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật tại Hà nội, Việt Nam” và một số kết quả đánh giá đầu kỳ của dự án RI của ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội, Giám đốc dự án RI; Bài trình bày về thực trạng công tác hỗ trợ vay vốn cho người khuyết tật tại Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội của ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội, Trưởng Ban việc làm Hội NKT Tp. Hà Nội. Các diễn giả cũng đã giải đáp những vấn đề liên quan để đại biểu có thể nắm bắt cụ thể cũng như hiểu rõ hơn các nội dung của bài trình bày…

Buổi Tọa đàm cũng đã tổ chức một chương trinh Talkshow – hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm cho NKT với sự điều hành của Đoàn Chủ tọa gồm bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam; ông Phạm Tiến Hưng – Phòng việc làm – Sở LĐTBXH Hà Nội; Tiến sỹ Nguyễn Văn Hưng – Trưởng phòng dịch vụ trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia; bà Trịnh Thị Thuy Thủy, cố vấn kỹ thuật dự án của Quỹ Abilis tại Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội, Giám đốc dự án RI. Đây đều là những “chuyên gia” có nhiều năm kinh nghiệm trong vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề và việc làm đối với người khuyết tật.

Đoàn Chủ tọa buổi Tọa đàm

Các “chuyên gia” của Đoàn Chủ tọa điều hành buổi Tọa đàm đã giúp giải đáp nhiều câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu như vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo nghề cho thanh niên bị thiểu năng và tự kỷ; nội dung liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCS xã hội; một số vấn đề liên quan đến NKT khởi nghiệp, sống độc lập; vấn đề tạo môi trường tiếp cận để NKT có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; khảo sát nhu cầu, thực trạng của NKT để dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cùng các nội dung liên quan đến việc thực hiện kế hoạch trợ giúp NKT… Đoàn Chủ tọa cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu để đưa vào các kế hoạch, báo cáo để có thể hỗ trợ người khuyết tật trong thời gian tới.

Thay mặt Đoàn Chủ tọa bế mạc buổi Tọa đàm, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đề nghị các đại biểu nếu còn vấn đề gì cần giải đáp có thể chuyển câu hỏi về Văn phòng của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội hay lãnh đạo của Hội mình (hội người khuyết tật quận/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội); đề nghị Ban Việc làm của Hội ghi nhận lại những nhu cầu, khó khăn, kiến nghị của các đại biểu để thời gian tới có thể làm việc với các cơ quan chức năng và tháo gỡ những vướng mắc dần dần. Bà Vân cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến đại diện các sở, ban, ngành và các đại biểu đã dành thời gian đến buổi Tọa đàm và mong rằng sau khi lắng nghe những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị của Hội sẽ giúp cho chính sách đối với người khuyết tật sẽ ngày một tốt hơn, không chỉ đối với NKT thành phố Hà Nội mà đối với người khuyết tật cả nước và tiếp tục đồng hành cùng Hội để hỗ trợ Hội và NKT hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội bế mạc buổi Tọa đàm

Hy vọng rằng, qua buổi Tọa đàm này, người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên khuyết tật sẽ hiểu rõ hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với NKT trong lĩnh vực đào tạo nghề và việc làm, nỗ lực bản thân nhiều hơn nữa để đón nhận những cơ hội việc làm… Đồng thời, các cơ quan, các đơn vị liên quan đến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT sẽ cân nhắc, xem xét việc rà soát tình hình thực hiện các chính sách liên quan đến hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật. Và với tư cách là tổ chức đại diện của NKT, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội sẵn sàng phối hợp với các bên trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm bền vững cho NKT – Như lời khẳng định và mong muốn của Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Phan Thị Bích Diệp đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm.

Hải Phong

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top