Không chỉ là tác giả của những vần thơ ấm áp trong các tập thơ như Hôn thầm trong mơ, Đi qua cơn mơ yêu, Có một điều em giấu hay Tình trong cõi vô thường, Viên Nguyệt Ái còn ghi dấu ấn với truyện thơ Mộng Kỳ Duyên và nhiều tranh luận nổi bật trên văn đàn. Từ năm 2012 đến nay, em đã xuất bản 10 tác phẩm, bao gồm 4 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 2 truyện thơ và 1 tiểu thuyết. Trong số đó, tập truyện ngắn Nửa đời qua bóng đêm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, thể hiện giá trị nhân văn và hướng thiện, được tôi yêu thích và đánh giá cao.
Tập truyện ngắn Nửa đời qua bóng đêm được đánh giá là một tác phẩm thành công, cả trên phương diện lý luận và thực tế. Nhìn từ góc độ lý luận, truyện ngắn là thể loại văn học có dung lượng vừa phải, với nhân vật có cá tính riêng biệt, cốt truyện chặt chẽ, tình huống độc đáo, phản ánh cuộc sống sinh động một cách súc tích và hàm nghĩa. Nửa đời qua bóng đêm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này qua 12 câu chuyện ngắn gọn, giàu ý nghĩa. Thế giới nhân vật trong tập truyện khá phong phú, từ những người lao động hiền lành, chất phác như ông Cang trong Mầm sống, bà Sâm trong Hương bùn không nỡ phai, đến công nhân như ông Cần trong Bán mặt trong lòng đất. Ngoài ra, còn có những nhân vật dữ dằn như tù nhân Bửu trong Phục thiện hay người đàn bà giả điên trong Một vòng duyên phận. Dẫu viết về loại nhân vật nào thì kết thúc cũng là hướng thiện, hướng đến những giá trị cao đẹp như chân, thiện, mỹ – những giá trị mà dân tộc Việt Nam luôn trân trọng.
Trong truyện ngắn Mầm sống, chi tiết dây chuyền vàng rơi ở chuồng gà là điểm nhấn thú vị, mở ra tình huống bất ngờ, kẻ trộm không phải là chủ nhân của dây chuyền vàng đó. Bên cạnh đó, truyện Bán mặt trong lòng đất cũng chứa đựng tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa hai cha con. Ban đầu, câu chuyện khiến người đọc nghĩ rằng người con trai bỏ đi vì xấu hổ, không muốn gặp lại cha mình. Thế nhưng, tình huống thực tế lại hoàn toàn khác, em rời đi để mua thuốc chữa bệnh cho cha.
Tập truyện còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả bởi những câu từ, đoạn viết giàu chất thơ, kết hợp cách so sánh tinh tế, lựa chọn từ ngữ và hình ảnh đầy chọn lọc. Trong truyện Bán mặt trong lòng đất, hình ảnh “Bà Cần cười, vỗ về bờ vai đã bị năm tháng bào mòn” của người chồng không chỉ gợi lên sự yêu thương mà còn phác họa vẻ đẹp dung dị của tình cảm gia đình. Hay câu văn trong Hương bùn không nỡ phai: “Gần ao, không khí có vẻ ướt át lành lạnh, muỗi vo ve bén nhọn gai người” đã tái hiện khung cảnh thôn quê một cách sống động và chân thực. Những nét chấm phá ấy không chỉ làm nổi bật tài năng của tác giả trong việc sử dụng ngôn ngữ mà còn giúp tập truyện mang lại cảm giác gần gũi, chạm đến cảm xúc người đọc.
Về mặt nghệ thuật, Nửa đời qua bóng đêm hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thể loại truyện ngắn. Mỗi câu chuyện trong tập truyện đều chứa đựng những thông điệp sâu sắc, ấm áp về tình người, được truyền tải qua ngôn ngữ cô đọng, giàu ý nghĩa. Các thông điệp trong tập truyện đều hướng thiện, giàu tính nhân văn và thường được đúc kết thành những câu văn như châm ngôn sau mỗi truyện ngắn. Chẳng hạn, trong Cõi lưu ly, tác giả khẳng định: “Dù là đàn ông hay phụ nữ thì đối với cái đẹp tinh diệu của nghệ thuật cũng đều rung động như nhau, không phân biệt giới tính.” Hay trong Lệ ròng chảy ngược, thông điệp “Bĩ cực không phải là điều đáng sợ nữa khi con người biết chìa tay ra cứu vớt nhau trong cơn nguy nan”.
Khi đọc tập truyện của Viên Nguyệt Ái, độc giả không khỏi ấn tượng với cách đặt nhan đề đầy ý nghĩa của tác giả. Những cái tên như Mầm sống, Phục thiện, Hương bùn không nỡ phai, Đóa hoa trong lòng mẹ, Một vòng duyên phận… không chỉ khơi gợi sự tò mò mà còn phản ánh nội dung sâu sắc, truyền tải thông điệp nhân văn qua từng câu chuyện.
Mầm sống xoay quanh câu chuyện ông Cang bị mất trộm gà, với nỗi xót xa của bà Dậu khi chứng kiến hoàn cảnh của ông – một người già, neo đơn, khuyết tật vận động. Bà Dậu trách móc kẻ trộm, cho rằng hành động này thật tệ bạc, nhưng đồng thời bày tỏ sự thương cảm chân thành dành cho ông Cang, không phải kiểu “thương vay” sáo rỗng. Câu chuyện ghi dấu trong lòng độc giả qua tình tiết ông Cang phát hiện sợi dây chuyền rơi ở chuồng gà – món trang sức vốn thuộc về bà Dậu, sau này bà đã cho con trai mình. Sự nghi ngờ dấy lên: phải chăng Thái – con trai bà Dậu – chính là thủ phạm? “Vật chứng” rõ ràng khiến cả ông Cang và bà Dậu đau lòng đến xé lòng. Đoạn đối thoại giữa bà Dậu và ông Cang khiến người đọc không thể không bận tâm:
– Khốn khổ thân ông! Hay là báo công an. Cả một mớ tài sản của người nghèo thế này…
– Không! Tôi… – Ông Cang vội vã từ chối. Đoạn, bờ vai ông bất lực rủ xuống.
– Sao hả ông?
Ông chật vật thả vào tay bà một thứ làm bà theo linh cảm mà hoảng hốt. Mắt ông Cang đỏ ngầu, ươn ướt. Bà Dậu từ khiếp đảm hóa mờ mịt…
– Mang nó về… Tôi…. Tôi không báo công an.
Diễn biến truyện Mầm sống dẫn dắt người đọc vào tình huống “vật chứng” khiến cả ông Cang và độc giả tin rằng Thái, con trai bà Dậu, là kẻ trộm. Tuy nhiên, cao trào bất ngờ xuất hiện khi kẻ trộm thực sự lại là Hưng, con trai cô Lài. Hành động sai trái của Hưng không chỉ khiến cô Lài cảm thấy xấu hổ, định rút khỏi Hội Phụ nữ khu, mà còn làm tăng thêm kịch tính cho câu chuyện. Tình huống này không chỉ làm truyện thêm hấp dẫn mà còn khơi gợi niềm tin trong lòng độc giả, cùng tâm trạng ông Cang và bà Dậu. Chi tiết bu gà kèm mảnh giấy nhỏ ghi dòng chữ “Hãy nuôi chúng” khiến ông Cang xúc động, khi ông cảm nhận được ý nghĩa của việc lại có “con” để chăm sóc. Hình ảnh cậu con trai nhà bà Dậu đứng từ xa quan sát, rồi chỉ khi thấy ông Cang mang bu gà vào nhà mới yên tâm quay đi, gợi lên sự ấm áp và tình cảm chân thành. Truyện kết thúc bằng hình ảnh vầng sáng ban mai và bóng dáng người thanh niên vững chãi bước đi lẻ loi, như mang theo một niềm tin vào tương lai tươi sáng, để lại dư vị ấm áp trong lòng người đọc.
Bán mặt trong lòng đất là câu chuyện thấm đẫm tình người, đặc biệt là tình cảm vợ chồng và cha con. Độc giả không thể quên hình ảnh bà Cần ân cần vỗ về bờ vai chồng, vốn đã bị năm tháng bào mòn. Truyện ca ngợi những người lao động chân tay giản dị với công việc tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại đầy ý nghĩa khi được tái hiện qua ngòi bút tài hoa của tác giả. Khi đọc truyện, người ta không khỏi nhớ đến hình ảnh chị lao công trong thơ Tố Hữu: “Những đêm hè / Khi ve ve / Đã ngủ / Tôi lắng nghe / Trên đường Trần Phú / Tiếng chổi tre / Xao xác / Hàng me…”, nơi mà những người lao động âm thầm làm việc trong mọi hoàn cảnh, mưa nắng hay khó khăn, để giữ gìn vẻ đẹp cho môi trường sống. Những nhân vật trong Bán mặt trong lòng đất hiện lên bình thường nhưng lại vĩ đại. Họ làm việc một cách nhẫn nại, âm thầm và hiệu quả, đóng góp vào việc duy trì môi trường trong lành và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Phục thiện kể về nhân vật Bửu, một tù nhân được tha vào cuối năm. Từ những dòng đầu, Viên Nguyệt Ái đã cho người đọc thấy cuộc sống đặc biệt của nhân vật chính. Để khắc họa chân thực nhân vật này, tác giả không chỉ tìm hiểu thông tin trên mạng mà còn nhiều lần gọi điện trao đổi với cán bộ trại giam để lựa chọn ngôn từ chính xác. Điều này cho thấy tác giả không chỉ có tài năng mà còn đặt cả tâm huyết vào quá trình sáng tác. Nhà văn Nguyễn Thành Long từng so sánh lao động nghệ thuật của người viết với công việc của “phu chữ” – cần tích lũy vốn từ và bố trí câu chữ cẩn thận để đạt được sự hoàn chỉnh. Viên Nguyệt Ái đã thể hiện rõ điều này qua sự nghiêm túc và công phu trong từng câu chữ của mình. Chính nhờ đó, cô đã thành công trong việc xây dựng Nửa đời qua bóng đêm, đáp ứng mục tiêu “tập sách sau phải giá trị hơn tập trước” như cô từng chia sẻ. Câu chuyện về hành trình sáng tạo của Viên Nguyệt Ái cũng được nhắc đến trong phóng sự “Viên Nguyệt Ái – hành trình vượt lên số phận” phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12/2024. Phóng sự không chỉ tôn vinh nghị lực của tác giả mà còn là lời tri ân những người thiệt thòi về số phận nhưng lại góp phần làm đẹp cuộc sống.
Viên Nguyệt Ái, cây viết trẻ từ quê hương Đất Tổ Vua Hùng, đã khẳng định tên tuổi với tập truyện ngắn Nửa đời qua bóng đêm. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học giá trị, đáng đọc, đáng nhớ, mà còn là minh chứng cho nghị lực vượt lên nghịch cảnh, định hình phong cách riêng của tác giả. Khâm phục Viên Nguyệt Ái không chỉ bởi tài năng mà còn bởi nghị lực phi thường. Là một người phải đối mặt với thiệt thòi lớn lao – cơ thể tật nguyền, cuộc sống gắn liền với chiếc xe lăn và những cơn đau thể xác, nhưng cô đã chứng minh rằng giới hạn là thứ có thể vượt qua bằng ý chí và lòng đam mê. Với nhiều thể loại thử nghiệm, Viên Nguyệt Ái đặc biệt thành công ở truyện ngắn – thể loại phù hợp với nhịp sống hối hả hiện đại. Nửa đời qua bóng đêm không chỉ kể chuyện, mà còn truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc. Viên Nguyệt Ái từng nhận nhiều giải thưởng từ Trung ương và địa phương, nhưng giải thưởng cao quý nhất chính là tình cảm, sự yêu thương và trân trọng từ bạn đọc. Những câu chuyện của cô, đầy sáng tạo và nhân văn, như một bài thơ đẹp hay một truyện cổ tích giữa đời thường, kể về hành trình bền bỉ vượt qua khó khăn.
Hy vọng rằng với sức sáng tạo không ngừng, Viên Nguyệt Ái sẽ tiếp tục mang đến những tác phẩm có giá trị, góp phần làm giàu thêm văn học nước nhà. Câu chuyện về cô không chỉ truyền cảm hứng cho người đọc mà còn là tấm gương sáng về ý chí và sự nỗ lực đáng ghi nhận trong đời sống và văn chương.
Đỗ Nguyên Thương