Tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước
Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vượt khó vươn lên.
Tại Hội nghị đánh giá thực hiện các chính sách pháp luật về người khuyết tật, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm đến người khuyết tật, thể hiện bằng hàng loạt cơ chế, chính sách. Trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành triển khai hết sức đồng bộ các chính sách trợ giúp, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hơn 1,1 triệu người khuyết tật đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội; khoảng 3-4 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật. người khuyết tật đã có thêm nhiều cơ hội học tập, tỷ lệ trẻ em khuyết tật được đến trường ngày càng cao. Bên cạnh đó, cùng với những thành tựu về công tác giảm nghèo, giảm tỷ lệ người nghèo và cận nghèo xuống dưới 10%, các chính sách quy định đối với người khuyết tật cũng chú trọng triển khai.
Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận chính sách chính là thúc đẩy sự hình thành môi trường không phân biệt đối xử và cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật tiếp cận thông tin về luật pháp, các chính sách liên quan đến lợi ích của họ trong xã hội. Nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức trong tỉnh đã có những hoạt động ý nghĩa, thiết thực dành cho người khuyết tật.
Thực tế cho thấy, công tác chăm lo cho người khuyết tật tại Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với người khuyết tật không ngừng được nâng cao, tạo điều kiện để người khuyết tật ngày càng tự tin, thuận lợi hơn trong quá trình hòa nhập đời sống xã hội. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Sông Công, Thái Nguyên cho hay: UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn. Để triển khai hiệu quả các chính sách và hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện để họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: hỗ trợ y tế, giáo dục, tiếp cận các công trình xây dựng, tham gia giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như trợ giúp pháp lý. Lãnh đạo thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp, nhằm phối hợp đồng hành, giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn một cách hiệu quả và thiết thực nhất.
Việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo, nhân đạo và từ thiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tăng cường các hoạt động chăm sóc và giúp đỡ người khuyết tật một cách hiệu quả.
“Thương người như thể thương thân”
Nói về những tấm lòng nhân ái, sẻ chia, xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của cha ông ta để lại, hoạt động từ thiện, nhân đạo của của các cá nhân, cộng đồng đã góp phần lan toả tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chung tay giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ II của tỉnh, 11 người khuyết tật tiêu biểu đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, cùng với đó là 25 tập thể và cá nhân được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam trao danh hiệu “Tấm lòng vàng”. Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, đồng thời là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo trợ Người khuyết tật tỉnh, luôn dành tâm huyết để cùng các thành viên trong Hội quan tâm, thăm hỏi và động viên người khuyết tật cũng như các đối tượng yếu thế trên địa bàn. Bà Vinh chia sẻ, thời gian qua, hưởng ứng các phong trào và cuộc vận động của các cấp, ngành, Công ty Thái Hưng đã tích cực quyên góp, hỗ trợ xây dựng 50 căn nhà cho các đối tượng khó khăn, bao gồm học sinh, hộ nghèo, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Thái Hưng còn trao tặng nhiều suất học bổng ý nghĩa cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em vượt khó, tiếp tục con đường học tập.
“Xin hãy một lần, đặt mình vào hoàn cảnh ấy, để cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh; một lần cúi xuống, chạm vào nỗi đau, để hiểu người khuyết tật có quyền được yêu, được thương, được sống với các nhu cầu cơ bản nhất của con người.” Đó là suy nghĩ và tâm sự của chị Nguyễn Tú Anh, Phường Hương Sơn, Thái Nguyên – bị khuyết tật đôi chân nhưng đã nỗ lực vươn lên, giành nhiều huy chương bạc, đồng tại các hội thi thể thao Người khuyết tật toàn quốc; huy chương vàng tại “Hội thi tiếng hát khuyết tật lần 2 khu vực phía Bắc”; được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”. Hiện tại, chị Tú Anh đang là nhân viên của phòng kỹ thuật Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Chịu trách nhiệm thông số kỹ thuật toàn bộ hàng nhập khẩu của Công ty, chị tự dặn mình phải luôn nỗ lực, học hỏi, trau dồi kiến thức để trang bị cho mình chuyên môn vững chắc, xây dựng tinh thần sống lạc quan và sống có ích giúp chị trụ vững trong khó khăn. Chị chia sẻ: “Số phận không cho tôi được một cơ thể trọn vẹn, một cuộc sống bình thường mà buộc tôi phải chiến đấu với chính mình để tồn tại. Dù cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần có niềm tin, có nghị lực và điểm tựa, tôi thấy xã hội vẫn còn muôn vàn điều tốt đẹp”.
“Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Phát biểu tại Lễ ra mắt một Chi hội Người khuyết tật mới đây tại Thái Nguyên, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam, đã dẫn lại câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ Helen Keller như một lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa: “Sự thiếu thốn hay khó khăn của mỗi người không là gì nếu so với những bất hạnh của nhiều người khác xung quanh, đặc biệt là những người khuyết tật.” Lời chia sẻ của ông Hùng không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cảm thông, sẻ chia, mà còn là lời động viên gửi đến những người khuyết tật: hãy luôn tự tin, lạc quan, và không để những khó khăn hay khiếm khuyết bản thân làm mờ đi ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Gỡ nút những khó khăn
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam đã nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết người khuyết tật gặp phải rất nhiều rào cản từ khuyết tật họ mang phải, như định kiến xã hội, những khó khăn trong cuộc sống thường ngày… so với những người không khuyết tật. Do đó, để đảm bảo người khuyết tật có thể hòa nhập đầy đủ và bình đẳng vào xã hội rất cần có những quy định riêng phù hợp, đảm bảo thúc đẩy họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình bên cạnh quy định chung của pháp luật dành cho tất cả mọi người.”
Mặc dù đã có nhiều thay đổi về chế độ chính sách dành cho người khuyết tật những năm gần đây, nhưng đời sống của một bộ phận người khuyết tật trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người khuyết tật đặc biệt nặng. Mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật chậm được điều chỉnh, công tác tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện… Hơn nữa, đa số thu nhập của người khuyết tật vẫn còn rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Người khuyết tật khó tiếp cận các cơ sở hạ tầng như nhà vệ sinh trong bệnh viện hoặc trạm xe buýt, hoặc trường học. Hơn nữa, việc tiếp cận với các vấn đề trợ giúp như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng… còn nhiều rào cản. Vấn đề thay đổi nhận thức của chính bản thân người khuyết tật, của gia đình và của cộng đồng xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức. Việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách đối với người khuyết tật; việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác người khuyết tật chưa được chú trọng.
Để người khuyết tật thực sự hòa nhập bình đẳng và đầy đủ vào cộng đồng xã hội, việc đảm bảo quyền lợi cho họ cần được chú trọng và hiện thực hóa. Đây là một quá trình dài hơi, bởi xã hội không ngừng vận động và thay đổi. Vì vậy, không chỉ chính sách của Đảng và Nhà nước cần được triển khai đồng bộ và hiệu quả, mà bản thân người khuyết tật cùng các đối tượng yếu thế khác cũng cần chủ động thay đổi, nỗ lực thích nghi để bắt nhịp với sự phát triển chung. Chỉ khi đó, các chính sách hỗ trợ mới thực sự thấm nhuần vào đời sống, mang lại cơ hội công bằng và bền vững cho tất cả mọi người.
Việc sửa đổi và bổ sung chính sách nhằm phù hợp với thực tiễn là yêu cầu cấp thiết, giúp lấp đầy những khoảng trống pháp lý. Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến người khuyết tật thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống và thúc đẩy thay đổi nhận thức của cộng đồng, hướng đến sự bình đẳng thực chất trong xã hội. Hiện nay, người khuyết tật đã dần khẳng định vai trò và vị thế của mình, tham gia tích cực vào hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, ngang tầm với những người không khuyết tật. Nhận thức của cộng đồng cũng đã thay đổi rõ rệt, phần lớn không còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt mà thay vào đó là sự đồng cảm, sẻ chia. Nhiều người nhận thức rằng, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người khuyết tật vì một lý do bất ngờ nào đó. Thay vì thương hại, cộng đồng ngày càng tôn trọng và ghi nhận những đóng góp ý nghĩa của người khuyết tật đối với gia đình, xã hội, xem họ là một phần đa dạng và không thể thiếu trong bức tranh phát triển chung của đất nước.
Người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội, họ hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị tích cực và làm đẹp cho cuộc đời. Thay vì chỉ nói những lời động viên như “Tôi rất thương bạn,” hãy chứng minh sự yêu thương đó bằng hành động thiết thực và chân thành. Cộng đồng cần chung tay hỗ trợ, bằng nhiều cách khác nhau, để người khuyết tật có thêm cơ hội phát huy khả năng, tự tin vượt qua khó khăn, và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đó chính là cách để xây dựng một xã hội nhân văn và tràn đầy tình yêu thương.
Nhân rộng sự đồng lòng của toàn xã hội
Các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của cộng đồng xã hội mà còn mang đến sự chia sẻ, yêu thương và nguồn động viên ấm áp, giúp người khuyết tật có được hạnh phúc trong mọi lĩnh vực của đời sống. Các tổ chức và cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào các mô hình phi lợi nhuận, đặc biệt chú trọng chăm sóc người khuyết tật nặng, phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi khuyết tật. Những nỗ lực này góp phần bảo đảm quyền lợi và sự hòa nhập bình đẳng của người khuyết tật trong xã hội.
Các hoạt động nâng cao đời sống cho người khuyết tật tập trung vào nhiều lĩnh vực như: trợ giúp y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện tiếp cận công trình xây dựng và tham gia giao thông. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ tiếp cận công nghệ thông tin, truyền thông, trợ giúp pháp lý; thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cũng được triển khai nhằm nâng cao nhận thức và năng lực tự chăm sóc bản thân, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để Hội Người khuyết tật, cùng cán bộ phụ trách văn hóa, thông tin, được tham gia các lớp tập huấn về truyền thông, qua đó xây dựng thông điệp hiệu quả, phù hợp với người khuyết tật.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách dành cho người khuyết tật, cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Trước hết, chính bản thân người khuyết tật và gia đình họ cần thay đổi nhận thức, đồng thời góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng và xã hội về người khuyết tật. Người khuyết tật cần giữ tinh thần tích cực, bởi mỗi cá nhân đều mang giá trị riêng, góp phần làm cho cuộc sống và xã hội trở nên phong phú, đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi cá nhân cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật được tiếp cận sự chia sẻ, đồng cảm, hỗ trợ và đồng hành. Đây chính là nền tảng giúp người khuyết tật vươn lên, hòa nhập bình đẳng với cộng đồng, góp phần trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.
Cộng đồng cần chung tay đồng hành cùng người khuyết tật, hỗ trợ họ hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng một xã hội tràn đầy tình yêu thương và nhân ái. Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật mà còn tạo nên một môi trường sống không rào cản. Khi các yếu tố đó được giải quyết một cách đồng bộ, người khuyết tật sẽ đảm bảo được quyền lợi của mình, hòa nhập bình đẳng và trọn vẹn vào cộng đồng, đồng thời có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của xã hội.
Để chính sách và pháp luật thực sự đi vào đời sống, đặc biệt là đối với người khuyết tật, khâu thực thi đóng vai trò then chốt. Hiện nay, điều cần thiết là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai chính sách. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế thúc đẩy và giám sát chặt chẽ việc thực hiện, đi đôi với quy định chế tài nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm. Việc tổ chức hiệu quả các chương trình trợ giúp người khuyết tật là đặc biệt quan trọng, không chỉ khuyến khích họ vượt khó vươn lên mà còn hỗ trợ người khuyết tật học tập, lao động, sống độc lập và hòa nhập xã hội một cách bền vững.
Giải quyết được những vấn đề này sẽ giúp thay đổi nhận thức của toàn xã hội và của người khuyết tật theo hướng tích cực hơn về vấn đề hòa nhập. Cách tiếp cận về người khuyết tật sẽ chuyển từ mô hình từ thiện sang mô hình xã hội, dựa trên quyền của họ. Toàn xã hội cần chung tay loại bỏ những rào cản đối với người khuyết tật; đồng thời, bản thân người khuyết tật cần chủ động vượt qua mặc cảm, tự ti, phá vỡ định kiến và khẳng định giá trị của mình. Sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng sẽ là nguồn động viên to lớn cho những tấm gương giàu ý chí và nghị lực, những con người kiên cường trước nghịch cảnh. Việc huy động hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần không chỉ giúp nâng cao nhận thức, mà còn tiếp thêm tự tin, nghị lực để người khuyết tật vươn lên và hòa nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống xã hội./.
Xuân Phương – Đỗ Thị Thìn