Để Luật Người khuyết tật thực thi hơn cần bổ sung Nghị định 28/2012

(ĐHVO). Luật Người khuyết tật ra đời từ năm 2010 cách đây 23 năm, Nghị định 28/2012 hướng dẫn một số điều đã mang lại nhiều quyền lợi cho NKT: hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ giúp giáo dục, dạy nghề, dạy kỹ năng cần thiết để bỏ rào cản với xã hội, khi học nghề được nuôi ăn. NKT tự tin hơn nhiều so với 10-20 năm trước, có nhiều nhóm trên mạng xã hội giao lưu kết bạn, NKT tham gia thi đấu thể thao trong và ngoài nước, NKT làm diễn giả truyền cảm hứng, tự tin hoà nhập xã hội, đây là thành tựu vô cùng lớn của Luật NKT mang lại.


Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Bên cạnh những thành công thì việc thực thi Luật vẫn còn nhiều khó khăn bất cập vì thiếu hướng dẫn trong Nghị định, ví dụ:

Số lượng cơ sở SXKD sử dụng 30% lao động là người khuyết tật ngày càng giảm do chính sách không đủ thu hút: Điều 34 Luật Người khuyết tật hiện chưa có cơ sở nào vay được vốn lãi suất ưu đãi vì thiếu hướng dẫn trong khi ngân hàng thương mại cũng đã cho doanh nghiệp vay tín chấp lên tối đa 1 tỷ nếu báo cáo tài chính có lãi để bổ sung vốn lưu động.

Hiếm có cơ sở được được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất. Trên thực tế nhiều tỉnh, thành phố không tổ chức đấu thầu các mặt bằng, mặt nước mà vẫn cơ chế xin cho nhưng các cơ sở SXKD của người khuyết tật gửi đơn xin lên UBND cấp quận huyện, tỉnh nhiều lần không được hồi âm hoặc có hồi âm thì theo kiểu chuyền bóng để doanh nghiệp chán tự bỏ nguyện vọng mà không biết kêu ai, trong khi nhiều doanh nghiệp khác được sử dụng những mặt bằng đẹp không qua đấu giá.

Trên thực tiễn thì các cơ sở nhỏ là hộ KD, Doanh nghiệp tư nhân sử dụng NKT phổ biến hơn công ty TNHH, công ty cổ phần. Tuy vậy họ chưa thuộc đối tượng ưu đãi theo Luật, và họ hoạt động cũng không có nhiều thuế nên cần ưu đãi thiết thực hơn ví dụ : Cơ sở mát xa người khiếm thị khó khăn xin giấy phép của Sở y tế, có thể xem xét miễn giấy phép mát xa? Đây là rào cản lớn khiến các cơ sở mát xa phải giải thể do người khuyết tật tự tạo việc làm cho họ và các bạn khiếm thị khác nhưng khả năng quan hệ không thể xin được giấy phép, thường phải mua lại cơ sở có sẵn giấy phép.

Hoạt động trợ giúp người khuyết tật triển khai chưa toàn diện trên địa bàn các tỉnh, trừ TP. Hồ Chí Minh là làm bài bản trên trang https://vieclamnkt.vn/ . Trong nhóm việc làm cho người khuyết tật ngày nào cũng có vài em cần tư vấn việc làm đến từ nhiều tỉnh thành phố nhưng hiện nay chỉ có rất ít các Trung tâm Tư vấn Việc làm, học nghề cho NKT. Các khoá dạy nghề cho người khuyết tật có rất nhiều nhưng hiện nay khó tuyển học viên do học nghề xong không xin được việc, chương trình học còn mang nặng lý thuyết.

Hiện nay, người khuyết tật mang thai cần được xét nghiệm sàng lọc trước sinh để không sinh ra trẻ có dị tật bẩm sinh nhưng chi phí tư vấn và thực hiện khá cao, nhưng đây là việc rất thiết thực quyền lợi của NKT.

Căn cứ tình hình thực tiễn về thực thi luật các ban ngành nên xem xét sửa đổi và bổ sung Luật Người khuyết tật hoặc bổ sung Nghị định 28/2012 một số chi tiết như sau:

Chương III : Chăm sóc sức khoẻ

Điều 22 Khám bệnh chữa bệnh

Bổ sung Mục 6. Người khuyết tật bẩm sinh khi mang thai được cung cấp dịch vụ tư vấn, sàng lọc trước sinh miễn phí tại các bệnh viện cấp tỉnh. Người khuyết tật do tai nạn thì được giảm 50% – 75% chi phí dịch vụ trên.

Chương V Dạy nghề Việc làm

Điều 33: Mục 5 sửa thành các Sở LĐTB&XH 63 tỉnh, thành phố phải có số điện thoại Tổng đài, Fanpage Facebook và phân công nhân sự để tư vấn học nghề & việc làm cho NKT địa phương mình. Thường xuyên đăng thông tin cập nhật tuyển dụng NKT trên địa bàn tỉnh/thành lên FB và website.

Điều 34: Cơ sở SXKD sử dụng lao động NKT cần Bổ sung vào Điều 9 Nghị định 28/2012

Mục 1c: Vay vốn theo dự án SXKD từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Ngân hàng phải hướng dẫn bằng văn bản, công khai trên web các thủ tục cần và đủ để được vay vốn lãi suất ưu đãi. Hàng năm Ngân hàng báo cáo danh sách Cơ sở SXKD được giải quyết vay vốn về Bộ LĐTB&XH.

Mục 1d: Ưu tiên mặt bằng mặt nước theo quy định pháp luật. Hàng năm UBND cấp tỉnh phải thống kê xem tỷ lệ % giải quyết nguyện vọng của các cơ sở SXKD của người khuyết tật báo cáo về Bộ LĐTB&XH tình hình thực thi Luật Người khuyết tật.

Bổ sung Mục 1e: Các cơ sở mát xa của Người khiếm thị được Cơ quan Y tế ưu tiên cấp giấy phép hoạt động hoặc không cần xin giấy phép.

Điều 35: Chính sách nhận người khuyết tật vào làm việc

Bổ sung Mục 3: Sở LĐTB&XH các tỉnh thành phố thường xuyên cập nhật tình hình KTXH tại địa phương, xây dựng mô hình sinh kế cho các cơ sở SXKD của người khuyết tật bằng Dự án xin 30% trong số mặt bằng được xã hội hóa tại địa phương mình rồi giao cho các doanh nghiệp địa phương thực hiện: Biển quảng cáo, máy bán nước tự động, nhà vệ sinh công cộng, xã hội hóa trông giữ ô tô, xe máy dưới lòng đường hoặc trên hè phố, sử dụng thuê tạm mặt bằng dự án treo…

Trên đây là một số ý kiến xây dựng từ một người có hơn 10 năm làm tư vấn việc làm cho NKT, rất mong được các cơ quan ban ngành sớm xem xét họp bàn sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Người khuyết tật và Nghị định 28/2012 để giảm số NKT thất nghiệp như hiện nay, tạo sự ổn định trong công việc cho NKT, giảm số trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra, có thêm cơ hội cho NKT nặng được chăm sóc nuôi dưỡng.

Huy Hà

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top