Đánh giá 10 năm thi hành Luật hoà giải cơ sở

(ĐHVO). Sáng ngày 21/11, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá 10 năm thi hành Luật hoà giải ở cơ sở” với sự chỉ đạo của đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật và đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật cùng sự tham gia của các chuyên gia, đại biểu là các hoà giải viên cơ sở.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chia sẻ hết sức gần gũi, sau 10 năm kể từ khi Luật hoà giải cơ sở được thi hành trên thực tế, hoà giải cơ sở là công tác đóng góp vai trò to lớn, đảm bảo sự bình yên trong ngôi nhà, khu phố, công tác hoà giải cơ sở tạo tiền đề giúp giảm thiểu tối đa những vụ kiện ngoài toà án. Nhìn chung, hoạt động hoà giải đã có được những thành quả nhất định, thu hút các tầng lớp nhân dân trong xã hội (trong đó có hội luật gia, luật sư, những người có uy tín trong xã hội) tích cực tham gia hoà giải, nâng số vụ hoà giải thành ở địa phương được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định, theo đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, khó khăn khi thực hiện Luật hoà giải cơ sở không nằm ở thể chế mà nằm ở khâu tổ chức cho đến khâu thực hiện. Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật đưa ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên để từ đó để công tác hoà giải cơ sở đạt được nhiều kết quả tích cực hơn.

Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu khai mạc hội nghị

Hội thảo là nơi để các đại biểu, đại diện các Sở tư pháp; các chuyên gia và những người trực tiếp làm công tác hoà giải tại cơ sở trao đổi, đánh giá về những thành tựu mà địa phương mình đã đạt được qua 10 năm thi hành Luật hoà giải cơ sở, đồng thời, nêu ra những khó khăn, vướng mắc đã gặp phải khi thi hành Luật hoà giải cơ sở, từ đó đưa ra hướng giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương cũng như phù hợp với thể chế, chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy định của pháp luật.

Đồng chí Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội – Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam

Tại hội thảo, Bà Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tham luận, trong 10 năm triển khai Luật hoà giải cơ sở, công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở có những chuyển biến tích cực, đã có sự phối hợp, lồng ghép công tác tập huấn cho các hoà giải viên cơ sở thông qua các Hội nghị tập huấn, toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm, các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở địa phương. Đồng thời, Đại diện Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội cũng nhấn mạnh, thông qua hoạt động hoà giải cơ sở, các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước kịp thời được tuyên truyền, phổ biến rộng đến cộng đồng dân cư, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt như tranh chấp đất đai được giải quyết ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu nại vượt cấp, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Cũng theo bà Hồng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, thực tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoà giải tại cơ sở.

TS. Trần Văn Quảng, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu, Xây dựng và Phổ biến pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam

TS. Trần Văn Quảng, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu, Xây dựng và Phổ biến pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ về vấn đề tham gia tổ chức và hoạt động tài cơ sở; bồi dưỡng kỹ năng hoà giải, tư vấn trợ giúp pháp lý; từ đó xây dựng củng cổ tổ chức và đa dạng hoá các hình thức hoà giải. Trong bài tham luận của mình, đồng chí đã đi sâu phân tích các vấn đề, khẳng định qua 10 năm thực hiện Luật hoà giải cơ sở, các tổ chức tư vấn pháp luật của hội luật gia đã không ngừng tăng cường về chất lượng cũng như hiệu quả trong công tác hoà giải, số lượng vụ việc hoà giải thành ngày càng được nâng lên. Với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với công việc, Hội luật gia Việt Nam đã tham gia hoạt động hoà giải cơ sở và tiến hành đan xen giữa công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân, phát huy tiềm năng to lớn đội ngũ luật gia. Đồng thời, đồng chí cũng đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ luật gia – những người làm công tác pháp luật trong hoạt động hoà giải; một số kiến nghị mà Đại diện Hội Luật gia Việt Nam đưa ra, có thể kể đến như việc cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động các cấp hội và hội viên Hội luật gia; mở rộng phạm vi hoạt động hoà giải của Hội Luật gia; xây dựng trung tâm pháp luật cộng đồng…với mục đích phi lợi nhuận, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Trong khuôn khổ của hội nghị, ngoài những ý kiến tham luận của các đại biểu thuộc các Sở, ban, ngành còn có những ý kiến đóng góp từ các đại biểu là các hoà giải viên cơ sở, các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề cần phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng các tổ hoà giải; đồng thời phải thường xuyên cập nhật các văn bản mới được ban hành; đặc biệt, cốt lõi nhất là cần phải có nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ cho các hoà giải viên cơ sở để họ có thể tiếp tục gắn bó với lâu dài công việc. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi bổ sung Luật hoà giải và các chính sách liên quan đến các chế độ hỗ trợ khi các hoà giải viên gặp rủi ro, tai nạn, đó chính là niềm động viên, khích lệ lớn đối với những hoà giải viên, để họ có thể yên tâm và tận tâm với công việc, khách quan khi giải quyết vấn đề.

Đại diện Sở tư pháp Tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Hoà giải viên tại cơ sở  phát biểu tại Hội thảo

Tổng kết hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu; đồng thời khẳng định Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn đạt được yêu cầu của thực tiễn; song cần thúc đẩy hơn nữa về mặt cơ chế, chính sách, nguồn lực, con người và nâng cao năng lực, chuyên môn cho đội ngũ hoà giải viên, tiếp tục có những giải pháp phù hợp cho công tác hoà giải đạt hiệu quả cao.

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top