Vượt qua nỗi đau, mang nụ cười đến với trẻ vùng cao

Chịu cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng cô Nông Thị Huê vẫn lạc quan, tiếp tục công việc giảng dạy.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng cô Huê luôn kết nối, mang những món quà ý nghĩa tặng cho trẻ vùng cao. Ảnh: Nguyễn Dung
Dù còn nhiều khó khăn nhưng cô Huê luôn kết nối, mang những món quà ý nghĩa tặng cho trẻ vùng cao. Ảnh: Nguyễn Dung

Trên hành trình ấy, cô Huê đã kêu gọi nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, quần áo… để mang đến nụ cười cho trẻ vùng cao.

Nỗi đau dai dẳng

Cơ thể không còn lành lặn sau cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm với chồng cũ, cô Nông Thị Huê, Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông (Tu Mơ Rông, Kon Tum) từng tính sẽ buông xuôi tất cả. Thế nhưng nghĩ đến hai người con nhỏ vắng tình thương gia đình, cô gắng gượng vượt lên số phận để lo cho các con.

Cô Huê vẫn ám ảnh phút giây hãi hùng đêm 3/10 của 6 năm về trước. Lúc bấy giờ cô đang ở khu tập thể giáo viên của Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông thì chồng cũ ôm quả mìn tự chế bất ngờ lao vào. Trong tích tắc, người từng “đầu ấp tay gối” đã ôm chặt cô Huê rồi kích nổ. Sau tiếng nổ lớn, cô Huê lơ mơ tỉnh dậy bởi những cơn đau, xung quanh mọi thứ hỗn loạn.

“Thời khắc đó tôi nghĩ bản thân chẳng còn cơ hội sống sót vì toàn bộ cơ thể thương tích nặng. Thế nhưng bằng một phép màu nào đó tôi tỉnh dậy với bàn tay phải đã cắt cụt, một bên mắt cũng không còn nhìn thấy. Toàn thân đau đớn với chi chít những vết thương do mảnh mìn găm vào. Trải qua một thời gian dài đau đớn, chồng cũ vướng vòng lao lý nên tôi đành gửi hai con cho người cậu ở Đăk Nông chăm sóc, lo cho ăn học”, cô Huê rưng rưng kể lại.

Thời gian đầu cô Huê tự ti, mặc cảm… chỉ nhốt mình trong nhà chẳng giao tiếp với ai. Niềm vui nhỏ nhoi mỗi ngày của cô là tham gia hội nhóm dành cho người khuyết tật. Sau một thời gian cô Huê dần mở lòng, chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh như mình. Qua tâm sự, sẻ chia cô cảm nhận được có những mảnh đời còn khó khăn, cùng cực hơn mình nhưng họ vẫn vươn lên và sống tốt.

Hơn 1 năm thu mình lại với sự mặc cảm, tự ti… cô dần lấy lại tự tin, lạc quan với cuộc đời. Trải qua hàng chục lần phẫu thuật với sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm những vết sẹo trên thân thể cô Huê cũng mờ dần. Được người thân, đồng nghiệp… động viên, chia sẻ cô Huê lấy lại tinh thần để chăm lo cho 2 người con và tiếp tục công việc dạy học ở Kon Tum.

Cô Huê và trẻ mầm non. Ảnh: Trúc Hân

Cô Huê và trẻ mầm non. Ảnh: Trúc Hân

Trả ơn cuộc đời

Mấy năm qua, cô Huê giảng dạy ở một nơi, 2 con sống một nơi nên nhiều đêm cô giáo vùng cao trằn trọc chẳng ngủ được. Với khoảng cách hơn 300 cây số, cả năm cô Huê mới về thăm con được vỏn vẹn 2 lần vào dịp hè và Tết Nguyên đán.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, vì nhớ thương con cô Huê một mình chạy xe máy về thăm hai đứa nhỏ. Di chứng từ vụ nổ mìn khiến cô giáo không thể đi xa, cứ chạy một đoạn lại phải dừng nghỉ vì đau tay và mỏi mắt. Trải qua hơn 10 tiếng đồng hồ chạy xe, mấy mẹ ôm chầm lấy nhau nức nở khóc. Không muốn 3 mẹ con xa nhau, đầu năm học 2023 – 2024 cô Huê chuyển các con qua Kon Tum. Chỗ ở của ba mẹ con là căn phòng tập thể của giáo viên mà Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông cho mượn.

Trải qua một chặng đường dài với những sự quan tâm, sẻ chia của các nhà hảo tâm cô Huê cảm thấy biết ơn cuộc đời. Khi cơ thể dần khỏe lại cô Huê đã san sẻ sự hỗ trợ ấy cho những đứa trẻ Xơ Đăng nơi mình công tác. Nhà học trò nghèo, quần áo, nhu yếu phẩm… với chúng là những điều xa xỉ. Cha mẹ quần quật với công việc nương rẫy nên cái ăn, cái mặc của lũ trẻ chẳng được đủ đầy. Thương học sinh, cô Huê kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo, sách vở… cho trò. Những dịp Trung thu hay lễ, Tết… cô Huê cố gắng tổ chức cho trò buổi tiệc nhỏ để các em cảm nhận được không khí đầm ấm, yêu thương.

Cô Nguyễn Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông cho biết, mặc dù gặp phải biến cố lớn trong cuộc sống nhưng cô Nông Thị Huê đã mạnh mẽ vượt qua. Trong những năm qua, cô luôn là giáo viên năng nổ, nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

“Cô Huê là một người giàu nghị lực và lạc quan, do đó, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để cô hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những năm qua, nhà trường và phụ huynh rất yên tâm, tin tưởng khi cô đứng lớp dạy học trò. Không những vậy, cô còn kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh khó khăn. Cô Nông Thị Huê là tấm gương sáng về nghị lực sống, vươn lên trước mọi bất hạnh”, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông chia sẻ.

“Khi tôi rơi vào hoàn cảnh cùng cực, bế tắc nhất thì mọi người đã chung tay giúp đỡ. Giờ đây cuộc sống ổn hơn, tôi muốn san sẻ lại cho học trò và những mảnh đời bất hạnh. Chỉ với chiếc áo ấm, hay bộ quần áo cũ được giặt sạch… lũ trẻ đều hạnh phúc đón nhận. Nhìn thấy nụ cười của học sinh tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm rất nhiều”, cô Huê tâm sự.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Bài viết liên quan

Picture1

Xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh để hỗ trợ Người khuyết tật

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang