Vụ tranh chấp nhà đất của gia đình người khuyết tật ở Châu Phú – An Giang: Những dấu hiệu nghi vấn?

(DHVO). Bà Võ Thị Ngọc Điệp có con khuyết tật, hiện trú tại ấp Long Thiện, xã Ô Long Vĩ, Châu Phú, An Giang gửi đơn kêu cứu tới Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt về việc mẹ con bà bị bà Nguyễn Thúy Phỉ ở xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang) lừa đảo, cướp đất.

Theo nội dung đơn của bà Điệp, phóng viên Tạp chí Đồng Hành Việt đã tới Châu Phú để điều tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng. Bước đầu, chúng tôi đưa ra ý kiến của những người trong cuộc và đặt nghi vấn xung quanh vụ tranh chấp nhà đất này.

Diễn biến sự việc

Đơn kêu cứu của bà Võ Thị Ngọc Điệp.

Bà Võ Thị Ngọc Điệp có con gái là Lê Thị Sang bị khuyết tật từ năm lên 4 tuổi. Từ đó đến nay, đã 15 năm trôi qua, việc ăn uống, tắm rửa của Sang đều cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ.

Cả đời làm lụng vất vả, lại có thêm gánh nặng nuôi đứa con gái khuyết tật về trí tuệ; mãi đến tháng 2 năm 2016, được sự hỗ trợ của vợ chồng cô con gái lớn, gia đình bà Điệp mới mua được một nền đất thổ cư gắn liền với căn nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thúy Phỉ ở xã Thạnh Mỹ Tây, cùng huyện.

Theo nội dung nguyên đơn của bà Nguyễn Thúy Phỉ gửi đến Tòa án Nhân dân huyên Châu Phú (An Giang), bà Phỉ mua 01 nền đất của ông Nguyễn Văn Sống (Sn 1967) từ năm 2004, có diện tích khoảng 100m2 tại tổ 04, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang) với giá 20 triệu đồng, việc mua bán chỉ viết tay, bà Phỉ đã trả đủ tiền và nhận đất cất nhà. Đến ngày 19/02/2016 (âm lịch), bà Phỉ cho gia đình bà Điệp, ông Thanh (chồng bà Điệp) đến ở nhờ để thuận tiện việc làm ăn và tổ chức cưới chồng cho con gái lớn. Trong thời gian ở, bà Điệp đã sửa chữa nhà nhưng chi phí sữa chữa bao nhiêu không rõ. Đến tháng 2/2017(âm lịch), bà Điệp trả nhà cho bà thì tài sản và các đồ dùng trong nhà không còn nữa; sau đó bà Phỉ lại tiếp tục cho ông Nam thuê nhà.

Giấy viết tay mua bán nền đất giữa ông Sống và bà Phỉ.

Đến ngày 29/9/2018, bà Phỉ có làm hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng ông Bợ, bà Thiện với giá 300 triệu đồng. Sau khi đã giao đủ tiền và nhận nhà, vợ chồng ông Bợ sửa chữa và mua sắm các vật dụng sinh hoạt, thì đến tháng 4/2019 thì bị bà Điệp và ông Thanh đến ngăn cản và khóa cửa lại, không cho ai được phép vào ở nhà của mình.

Đến nay, bà Phỉ khởi kiện yêu cầu Tòa: Tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng viết tay gắn liền với nhà đất ngày 20/03/2016 và giấy viết tay chuyển nhượng nhà đất ngày 05/05/2017 (âm lịch). Bà Phỉ cho rằng, lợi dụng lúc bà bị tai biến nên bà Điệp đã đến nhà kêu bà Phỉ ký giấy mua bán làm nhà và làm giấy tờ ủy quyền (trá hình), chứ bà Phỉ khẳng định không bán nhà cho gia đình bà Điệp và ông Thanh.

Về phía bị đơn là bà Võ Thị Ngọc Điệp trình bày: Ngày 19 /02/2016 (âm lịch), bà có mua một nền đất thổ cư gắn liền với căn nhà cấp 4 trên của bà Nguyễn Thúy Phỉ với giá 500 triệu đồng bao gồm toàn bộ tài sản, xe cộ, nội thất… Việc mua bán trên  được thể hiện bằng văn bản viết tay ngày 05/05/2016 (âm lịch) có chữ ký hai bên, không có công chứng, chứng thực và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được lập ngày 20/03/2016 (âm lịch) do ông Qúi (trưởng ấp xã Long Thiện, xã Ô Long Vĩ ) lập giúp tại nhà ông Hòa bánh mỳ – nhà trọ của bà Phỉ (mà sau khi bán nhà cho bà Điệp, bà Phỉ chỉ mang theo quần áo đi ở trọ).

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Phỉ và bà Điệp có 2 người chứng kiến.

Đồng thời, về nhà mới, bà Điệp cũng tổ chức tiệc tân gia làm 7 mâm, mời anh em, lối xóm và cả bà Phỉ cũng có mặt trong tiệc tân gia này. Hiện bà Điệp đã thanh toán cho bà Phỉ làm 2 lần là 400 triệu, số tiền còn lại là 100 triệu sẽ được trả khi hoàn tất thủ tục sang tên. Sau khi nhận nhà, bà Điệp đã  sửa chữa, đầu tư mới hệ thống điện và làm đăng ký tạm trú tại đây để kinh doanh xưởng may gia công.

 

Khu nhà đất xảy ra tranh chấp.

Ngày 21/11/2017 (âm lịch), tức ngày 08/12/2017, do nhu cầu mở rộng xưởng, gia đình bà Điệp đã chuyển nhà xưởng về nhà mới và khóa cửa nhà lại. Khi di dời, bà Điệp còn để lại một số tài sản, vật dụng và toàn bộ hệ thống điện nước.

Sau hơn 1 năm làm ăn xa quê trở về, bà Điệp mới hay nhà của mình đã bị người khác chiếm dụng. Lúc này, bà mới té ngửa: Thì ra căn nhà mua bằng mồ hôi nước mắt của mình đã bị bà Phỉ lừa bán cho hai người. Khi đến xem hiện trạng, gia đình bà Điệp đã ngăn cản, khóa cửa lại không cho ai ở.

Cũng trong đơn gửi cho tòa án huyện Châu Phú (An Giang), bà Điệp yêu cầu Tòa án giải quyết: Công nhận hợp đồng mua bán nhà đất giữa bà và bà Nguyễn Thúy Phỉ; buộc vợ chồng ông Thiện và bà Bợ phải di dời và trả lại nhà đất cho gia đình bà.

Những nghi vấn trong vụ việc tranh chấp nhà đất…

Qua những thông tin và giấy tờ thu thập được, nhóm phóng viên đã đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nói trên.

Thứ nhất, theo người dân ở đây thì việc bà Phỉ cho bà Điệp mượn nhà, còn bản thân bà Phỉ đi thuê nhà trọ hàng năm trời là điều không bao giờ xảy ra. Thêm nữa, con gái lớn của bà Điệp tổ chức đám cưới vào ngày 19/01/2016 (âm lịch), trước khi chuyển về nhà mới, nên lý do của bà Phỉ là cho bà Điệp mượn nhà để tổ chức đám cưới cho con gái lớn là không chính xác.

Thứ hai, nếu bà Phỉ yêu cầu Tòa tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng viết tay gắn liền với nhà đất ngày 20/03/2016 và giấy viết tay chuyển nhượng nhà đất ngày 05/05/20017 (âm lịch) với lý do bị tai biến và không công nhận các giấy tờ trên. Nhưng qua tìm hiểu, thì bà Nguyễn Thúy Phỉ bị tai biến cuối năm 2017, hoàn toàn không liên quan đến giấy tờ mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của năm 2016 và tháng 5 năm 2017.

Thứ ba, về người làm chứng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 20/03/2016, sau khi đã giao số tiền lần 1 là 200 triệu đồng, do chính ông Qúi lập, có đầy đủ chữ ký hai bên. Và đến ngày 05/05/2016, sau khi bà Điệp đã chuyển khoản cho bà Phỉ hơn 200 triệu (gồm cả tiền mà bà Điệp mua lại thiếc của bà Phỉ để để cất nhà). Trong lần ký kết này, do chính ông Bảy (chồng bà Phỉ) viết tay giấy tờ chuyển nhượng nhà đất tại nhà trọ của bà Phỉ

Về việc chuyển tiền lần 2 qua ngân hàng, trước phóng viên, bà Phỉ thừa nhận có nhận số tiền trên, nhưng đó là số tiền bà Điệp trả nợ. Tuy nhiên, bà Phỉ lại không đưa được bất kỳ giấy tờ gì chứng mình việc “vay nợ” của bà Điệp.

Hơn nữa, trong tiệc ăn tân gia, bà Điệp cũng làm 7 mâm cơm có sự chứng kiến của nhiều người: người nấu cỗ, người xem phong thủy nhà, trưởng ấp, khách mời… và chính trong tiệc tân gia đó, bà Phỉ cũng có mặt.

Thứ tư, khi gửi đơn kiện bà Điệp ngày 26/04/2019, bà Phỉ đã yêu cầu Tòa: Hủy bỏ toàn bộ giấy tờ mua bán nhà, giấy chuyển nhượng, ủy quyền “trá hình”. Tiếp đó, đòi lại toàn bộ tài sản: xe máy Honda Future, tủ lạnh, máy giặt… Tuy nhiên, bà Điệp đã chứng minh được sự mua bán tài sản, cụ thể là chiếc xe máy đã được sang tên đổi chủ. Có lẽ, vì thấy bị “hớ”, nên bà Phỉ đã tự rút yêu cầu “đòi tài sản”, mà đổi lại yêu cầu Tòa tuyên vô hiệu hợp đồng đối với những giấy tờ chuyển nhượng nhà đất và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước đó.

Thứ năm, chủ của nền đất đầu tiên là ông Nguyễn Văn Sống đã lập vi bằng ngày 13/09/2019 đã công nhận chuyển nhượng nền đất trên cho bà Nguyễn Thúy Phỉ với giá 20 triệu đồng. Ông Sống cũng cho biết, năm 2016, bà Phỉ gọi cho ông nói đã bán nền đất trên cho bà Điệp và yêu cầu ông ký giấy ủy quyền cho bà Điệp. Vì vậy ông Sống đã ký văn bản ủy quyền số 110, quyển số 05 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 02/4/2018 của Văn phòng công chứng Nguyễn Thúc Tân, ủy quyền cho bà Võ Thị Ngọc Điệp, sinh năm 1964, ở ấp Long Thiện, xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú. Do đó, bà Điệp có thể toàn quyền quyết định và ký tên trên các giấy tờ liên quan đến nền đất ở trên.

Vi bằng của ông Sống thừa nhận việc ủy quyền giấy tờ, thủ tục nền đất cho bà Điệp theo yêu cầu của bà Phỉ.

Mới đây, theo yêu cầu giám định chữ ký của nguyên đơn Nguyễn Thúy Phỉ, mẫu chữ ký của bà Phỉ trong các giấy tờ trước đây đã được gửi đi giám định và đang chờ kết quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tai biến năm 2017, bà Phỉ hiện chỉ viết và ký được bằng tay trái nên có thể gặp khó khăn trong quá trình giám định. Đồng thời, bà Điệp cũng gửi đơn kiện bà Phỉ với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ việc trên đã được thẩm phán của Toàn án nhân dân huyện Châu Phú (An Giang) thụ lý hồ sơ và theo văn bản mới nhất của Tòa, ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 13/2019/QĐ-BPKCTT ngày 01/11/2019; tạm giao cho vợ chồng ông Bợ, bà Thiện (người đang sống trên mảnh đất trước khi xảy ra tranh chấp) tiếp tục quản lý để đảm bảo tài sản có người quản lý, phòng ngừa mất mát, hư hỏng tài sản mà không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án…

Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt sẽ tiếp tục đăng tải thông tin đến bạn đọc về ý kiến của cán bộ địa phương, các nhân chứng cũng như người trong cuộc.

Bài và ảnh: Trang Nhung.

 

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang