VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG ACDC TIẾP TỤC BÀN GIAO 2 NGÔI NHÀ BÌNH MINH

(ĐHVO). Ngày 30/01/2024, Viện ACDC đã bàn giao 2 Ngôi nhà Bình Minh cho 2 tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là địa chỉ tạm lánh an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới. Ngôi nhà được hoàn thành dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 với Chủ Dự án là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET). Như vậy, kể từ tháng 12 năm 2023 đến nay, Viện ACDC đã tiến hành bàn giao và đưa vào sử dụng 03 Ngôi nhà Bình Minh trong cả nước.

Tham dự Lễ Bàn giao có ông Đoàn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Hòa nhập cấp Trung ương; ông Nguyễn Quốc Hùng, Ban Quản lý dự án Hòa nhập cấp Trung ương; Trần Hùng Minh – Giám đốc dự án Hoà nhập 1; ông Anthony Kolb – Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn và phát triển hòa nhập, USAID tại Việt Nam; bà Lê Thị Thuý Hương – Cán bộ Quản lý Chương trình, Quản lý Dự án Hòa nhập 1; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC và các đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngôi nhà Bình Minh là mô hình cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực giới, với phòng tư vấn và phòng tạm lánh. Đây là mô hình được thí điểm hỗ trợ cải thiện tiếp cận cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật là nạn nhân của bạo lực giới. Mô hình nhà tạm lánh được điều chỉnh hoàn toàn tiếp cận với người khuyết tật, từ lối đi lại, các vật dụng sử dụng trong nhà cho tới nhà vệ sinh. Cụ thể: Phòng tạm lánh được trang bị đầy đủ các thiết bị như tivi, tủ quần áo, tủ sách, bàn ghế, quạt tường, máy điều hòa, giường, có hệ thống vệ sinh khép kín, khu vực bếp thiết kế thân thiện, tiếp cận. Các khu vực bằng phẳng, có ram dốc, tay vịn, thuận tiện để người khuyết tật di chuyển, sử dụng; Phòng tư vấn được trang bị đầy đủ đáp ứng nhu cầu tư vấn an toàn và riêng tư.

Ông Anthony Kolb – Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn và phát triển hòa nhập, USAID tại Việt Nam chia sẻ trong sự kiện: “Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề chung mà các quốc gia trên toàn thế giới đều đang phải đối mặt. Hậu quả của bạo lực giới không chỉ nỗi đau về mặt thể xác mà còn cả nỗi đau về mặt tinh thần. Nạn nhân phải chịu tổn thương, phá vỡ đi những mối quan hệ hằng ngày và nỗi đau đó rất khó vượt qua.” Ông cũng nhấn mạnh sự ra đời của Ngôi nhà Bình Minh là quả ngọt cho quá trình hợp tác giữa USAID với các tỉnh, các đối tác tại Việt Nam. Ông cũng hy vọng Ngôi nhà Bình Minh đúng như tên gọi, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho nạn nhân bị bạo lực giới.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC phát biểu tại buổi lễ 

Nhấn mạnh vai trò của nhà tạm lánh trong công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC cho hay: “Phụ nữ khuyết tật hay trẻ em gái khuyết tật luôn là những người yếu thế nhất trong những người yếu thế. Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tất cả các hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra đối với phụ nữ khuyết tật đều cao hơn so với phụ nữ không khuyết tật. Một phần ba phụ nữ khuyết tật (33%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác so với một phần tư (25,3%) phụ nữ không khuyết tật. Vì vậy ngôi nhà Bình Minh sẽ là một nơi tạm lánh an toàn, thân thiện với họ. Bình Minh là mặt trời mọc, là bắt đầu một ngày mới. Chúng tôi tin rằng Bình Minh cũng đem lại hy vọng mới cho các nạn nhân trong đó có nạn nhân là phụ nữ khuyết tật. Tôi tin rằng ngôi nhà Bình Minh ra đời này cũng sẽ giúp cho sự hợp tác, vào cuộc của các bên liên quan được chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn, giúp ích được nhiều hơn cho phụ nữ  và trẻ em gái khuyết tật”.

Việc đưa vào sử dụng Ngôi nhà Bình Minh như một minh chứng cho việc thực thi điều 6 của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật của Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, cũng như hiện thực hóa Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 03/03/2021 ban hành chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2021-2030.

Sự ra đời của một cơ sở tạm lánh có đầy đủ yếu tố tiếp cận sẽ giúp cho những nạn nhân bị bạo lực giới là người khuyết tật an tâm hơn, thuận tiện hơn trong quá trình tạm lánh và tái hòa nhập cộng đồng. Việc ra mắt và đưa vào sử dụng 3 Ngôi nhà Bình Minh là nỗ lực rất lớn của Viện ACDC và các đối tác trong hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật hiện nay.

Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (tên rút gọn là Dự án Hòa nhập) được thực hiện tại 8 tỉnh, trong đó có Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam trong giai đoạn 2021 – 2026. Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) thuộc Bộ Quốc phòng làm Chủ dự án. Viện ACDC là một trong các đối tác triển khai hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).

Hùng

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top