Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống theo quy định, việc cung cấp hồ sơ của tổng thầu chưa đầy đủ, đặc biệt là liên quan đến hồ sơ liên quan đến chứng chỉ minh chứng, thí nghiệm trong quá trình sản xuất các trang thiết bị của đoàn tàu để có cơ sở đánh giá an toàn đoàn tàu để đưa vào khai thác.
Theo quy định, phải đánh giá xong mới chạy thử, tích hợp hệ thống bán vé tự động, thông tin tín hiệu, điều độ đoàn tàu và đoàn tàu chạy liên tục theo thiết kế là 3-4 phút/chuyến, trong vòng 20 ngày mới đưa vào khai thác chính thức.
“Nghiệm thu phải trên cơ sở hoàn thành, có các chứng chỉ đó. Với những tồn tại này, Bộ đã tích cực phối hợp với Tổng thầu và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hiện trường và đã có chỉ đạo những nội dung liên quan đến an toàn để đảm bảo yêu cầu, đưa vào khai thác trên cơ sở có đánh giá độc lập, nghiệm thu,” ông Đông cho hay.
Về việc nâng cấp sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cảng hàng không chia thành 2 khu vực gồm khu vực bay và khu vực dịch vụ nhà ga, sân đỗ. Nhà ga, sân đỗ được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). ACV vẫn đang được giao thực hiện đảm bảo an toàn bay. Còn khu bay, Nhà nước có trách nhiệm bố trí phần vốn để đầu tư nâng cấp cải tạo đường băng, đại tu.
Hạng mục thuộc phần vốn của Nhà nước đầu tư, để doanh nghiệp đầu tư thì mắc về cơ chế. Bộ có kiến nghị trước mắt trên cơ sở xem xét thực tế, giao cho ACV có thể ứng phần tiền, tính toán giá trị tài sản của các khu vực này, giao doanh nghiệp chủ động trong vấn đề đầu tư.
Với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Bộ đã có kiến nghị, ACV trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc quyết định đầu tư của doanh nghiệp vào hạ tầng đó do Ủy ban giải quyết.
Theo PV (t/h) – Báo Tầm nhìn