Vay tiền trực tuyến – cái nhìn của luật sư

(DHVO) Thời gian gần đây, hoạt động của dịch vụ vay tiền trực tuyến đang nở rộ. Các ứng dụng vay tiền với những lợi mời chào hấp dẫn được các tổ chức đưa ra. Trên mạng xã hội hay dư luận thường xuất hiện những phản ánh tiêu cực của người tiêu dùng.

Những ứng dụng vay tiền đưa ra những quảng cáo với nội dung hấp dẫn như “vay tiền chỉ cần CMND và sổ hộ khẩu photo”, “vay tiền nhanh online 24h-không thế chấp- có tiền sau 30p”. Các ứng dụng vay tiền trực tuyến hiện tại đa phần báo với mức lãi suất thấp, nhiều ứng dụng quảng cáo mức lãi suất thấp hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần. Người vay được chấp nhận cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng của người vay mà không cần phải đến trực tiếp. Tuy nhiên, khi duyệt vay xong, tiền đến tài khoản của người vay, một số ứng dụng vay tiền trực tuyến lại tính mức lãi suất khác so với cam kết, thu của người vay cả phí bổ sung, phí bảo hiểm khiến người vay phải trả một số tiền lớn.

Một số trường hợp khách hàng phản ánh phải trả một số tiền rất lớn sau khi vay một số tiền nhỏ trong thời gian ngắn. Như trường hợp của chị Phạm Thị Tuyết Mai phản án tại báo tuoitre.vn thì sau khi đăng ký xong hết thì ứng dụng cho vay không tính lãi suất nhưng lại tính “chi phí làm hồ sơ” từ 30-50% khoản vay thực tế. “Ví dụ khi đăng ký vay 1,5 triệu, tôi chỉ thực nhận 1 triệu đồng, còn 500.000 đồng họ giữ lại với lý do “trừ phí hồ sơ”. Hơn nữa, tôi chọn thời gian trả là 30 ngày nhưng khi mọi việc xong xuôi thì hạn trả chỉ còn có 7 ngày” – Chị Mai phản ảnh tại Tuoitre.vn. Sau đó, khách hàng bị khủng bố qua điện thoại, đến hạn trả theo cách tính của app thường có hướng dẫn vay tiền trả bằng cách tải ứng dụng vay tiền của app mới. Theo chị Mai sau 2 tháng chị đã vay tiền từ 64 ứng dụng. Tuy nhiên, một số ứng dụng cũ vẫn không xóa nợ cho chị mà tiếp tục gọi điện khủng bố để ép đưa thêm tiền. Theo anh Lê Hải Đăng, chồng chị Mai, đến nay anh đã phải trả cho các ứng dụng với số tiền khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng vợ anh vẫn còn nợ các ứng dụng vay với số tiền gần 100 triệu đồng nữa. Từ con số vay ban đầu, chỉ 2 tháng, số tiền nợ phải trả từ các ứng dụng đã lên đến rất mấy trăm triệu đồng. Đồng thời, nhân viên tự xưng là nhân viên của ứng dụng thường xuyên gọi điện giục nợ, khủng bố tinh thần người vay.

Đặc biệt, những người vay tiền của các ứng dụng chủ yếu là sinh viên nghèo, những người có thu nhập thấp cần tiền để trang trải cuộc sống. Với những phản ảnh tiêu cực trong thời gian gần đây, Phóng viên Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt đã có trao đổi trực tiếp với Luật sư Đinh Thị Nguyên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp xoay quanh vấn đề cho vay trực tuyến để làm rõ các quy định xung quanh hình thức vay tiền này.

Vay tiền trực tuyến – cái nhìn của luật sư

Luật sư Đinh Thị Nguyên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp

1. Quy định pháp lý về vấn đề quyền cho vay

PV: Thưa luật sư, hiện vấn đề cho vay online qua ứng dụng rất phổ biến. Luật sư có thể chia sẻ các vấn đề liên quan đến hoạt động cho vay tiền của các tổ chức hiện nay?

LS Đinh Thị Nguyên: Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, cá nhân, tổ chức có thể cho người khác vay tiền thông qua hợp đồng vay tài sản. Cụ thể Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Các điều khoản về quyền, nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay theo thỏa thuận, tuy nhiên, nếu trường hợp quy định về lãi suất thì không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác (Khoản 1, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015). Trong trường hợp, hợp đồng vay tài sản thỏa thuận về lãi suất cho vay vượt quá 20% thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Bên cạnh đó,  trong giao dịch dân sự, người nào  mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất 20%, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Một doanh nghiệp có quyền cho một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp khác vay tiền thông qua hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định cụ thể, đối với các hoạt động sinh lợi, thường xuyên, độc lập tạo ra lợi nhuận thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Thương mại. Trừ một số trường hợp đặc thù như buôn bán rong, buôn bán vặt, buôn bán nhỏ lẻ theo quy định tại nghị định 38/2017/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Đối với một tổ chức kinh doanh cho vay tiền thường xuyên, tạo ra lợi nhuận thì phải đăng ký kinh doanh.

Theo quy định, hoạt động cho vay tiền thường xuyên, độc lập, ổn định cần đăng ký kinh doanh phải hoạt động theo Luật của các tổ chức tín dụng hiện hành. Theo đó “ Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân” (Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010). Các tổ chức tín dụng phải được cấp giấy phép hoạt động trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Giấy phép bao gồm Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước cấp (Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010).

Vây, một doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cung ứng thường xuyên hoạt động cho vay tiền thì cần phải có giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng.

2. Các tổ chức có được phép cho vay tiền online không?

PV. Theo luật sư, các ứng dụng vay tiền hiện tại có được cho khách hàng vay tiền hay không?

LS. Đinh Thị Nguyên: Hiện theo quy định hiện hành chưa cho phép các tổ chức cho vay trực tuyến được thành lập chính thức. Tuy nhiên,trên thực tế rất nhiều ứng dụng cho vay đang hoạt động kinh doanh, cho các tổ chức, cá nhân (chủ yếu là cá nhân) vay tiền lấy lãi và các chi phí quản lý khác.  Theo quan điểm của tôi, nếu các tổ chức cho vay chưa có giấy phép hoạt động tổ chức tín dụng thì không được phép cho người khác vay tiền mang tính chất kinh doanh.

Hiện nay, chưa có bất cứ khung pháp lý cụ thể nào liên quan đến hình thức cho vay này. Vậy nên, người có nhu cầu vay tiền cần cảnh trọng trong việc vay tiền quang các trang ứng dụng vay tiền.

3. Khi vay tiền cần lưu ý những gì?

PV. Thưa luật sư, khi vay tiền, khách hàng cần lưu ý những vấn đề gì?

LS. Đinh Thị Nguyên: Như đã trao đổi trên, hiện chưa có khung pháp lý cụ thể cho vấn đề vay và cho vay qua ứng dụng vay tiền. Vậy nên, trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào, người vay cần lưu ý các vấn đề sau:

– Đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng điện tử trước khi đồng ý vay, để ý các vấn đề quan trọng như số tiền vay, thời hạn vay, mức lãi suất, lãi suất vay quá hạn, phạt chậm trả, chi phí quản lý, chi phí bảo hiểm,….

– Ghi nhận và lưu trữ các chứng từ, thỏa thuận giao dịch để giải quyết trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.

– Lựa chọn các tổ chức tín dụng có uy tín, không vay của các trang quảng cáo không nêu rõ thông tin của doanh nghiệp, không có trụ sở rõ ràng.

– Trong trường hợp, khi tranh chấp xảy ra, số tiền phải trả nợ lớn hơn số tiền phải trả theo thỏa thuận, cần nhanh chóng trình báo lên cơ quan công an hoặc cơ quan bảo vệ người tiêu dùng gần nhất để giải quyết.

PV. Vâng, xin cảm ơn luật sư về những chia sẻ bổ ích trên. Kính chúc luật sư sức khỏe và thành đạt.

Thực hiện: Việt Anh

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang