Ưu đãi về phí, lệ phí cho người khuyết tật

(ĐHVO). Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách nhằm giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật. Bên cạnh những ưu đãi trong các lĩnh vực giao thông công cộng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, lao động… người khuyết tật còn nhận được một số ưu đãi về phí, lệ phí. Sau đây, xin mời bạn đọc cùng Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt tìm hiểu một số khoản phí, lệ phí mà người khuyết tật được miễn.

Câu hỏi: Tôi đang thắc mắc về những khoản phí, lệ phí mà người khuyết tật được miễn, tôi rất mong nhận được sự giải đáp của Trung tâm tư vấn pháp lý Đồng hành Việt. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

I. Căn cứ pháp lý

– Luật phí và lệ phí năm 2015;

– Luật Hộ tịch năm 2014;

– Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;

– Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (“Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14”);

Nghị định 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Trợ giúp pháp lý (“Nghị định 144/2017/NĐ-CP”);

– Thông tư 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành (“Thông tư 85/2019/TT-BTC”).

II. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 3 Luật phí và lệ phí năm 2015:

“1. Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.

2. Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.”

Người khuyết tật sẽ được miễn các khoản phí, lệ phí sau:

Thứ nhất, miễn các khoản tạm ứng án phí, án phí

Khoản 1 Điều 10 Luật phí và lệ phí năm 2015 và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: người khuyết tật thuộc đối tượng được miễn các khoản tạm ứng án phí, án phí. Đồng thời, người khuyết tật cũng được miễn các khoản tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trường hợp các đương sự ( trong đó có một bên đương sự là người khuyết tật) thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người khuyết tật phải chịu theo quy định. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người khuyết tật nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp.

Thứ hai, miễn lệ phí đăng ký hộ tịch

Hộ tịch là những sự kiện được quy định tại Điều 3 của Luật này, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch năm 2014, người khuyết tật là một trong những đối tượng được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch.

Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định nội dung đăng ký hộ tịch bao gồm:

1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:

– Khai sinh;

– Kết hôn;

– Giám hộ;

– Nhận cha, mẹ, con;

– Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;

– Khai tử.

2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

– Thay đổi quốc tịch;

– Xác định cha, mẹ, con;

– Xác định lại giới tính;

– Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;

– Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;

– Công nhận giám hộ;

– Tuyên bố hoặc huỷ tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

3. Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

4. Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc được miễn lệ phí khi yêu cầu đăng ký dự kiện hộ tịch nêu trên, trong trường hợp làm thất lạc bản chính hộ tịch, người khuyết tật có thể yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch mà không phải nộp lệ phí.

Thứ ba, người khuyết tật được trợ giúp pháp lý

Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người khuyết tật có khó khăn về tài chính sẽ được trợ giúp pháp lý xã hội. Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật (căn cứ Điều 2 Nghị định 144/2017/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC, người khuyết tật còn được miễn, giảm phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, miễn giảm phí thư viện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trên đây là những giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về vấn đề ưu đãi phí, lệ phí dành cho người khuyết tật. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn đọc tháo gỡ được những vướng mắc đang gặp phải. Trân trọng!

Nguyễn Hoa

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang