Đồng hành cùng người khuyết tật vượt qua khó khăn trong thời kì đại dịch Covid-19

Những tháng gần đây, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến vô cùng phức tạp với biến chủng Delta, khiến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao một cách đột biến. Các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin và phòng, chống dịch bệnh, đồng thời có nguy cơ nhiễm bệnh và gánh chịu hậu quả nặng nề hơn, rất cần sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước cùng các tổ chức, đoàn thể xã hội.

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2020, gần 3 triệu NKT đã được cấp giấy chứng nhận NKT. Có thể thấy rằng người khuyết tật là một trong những nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi Covid- 19 cùng với nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền. Phần lớn người khuyết tật có thể trạng không tốt, sức đề kháng yếu, một số không nhận thức được hành vi nên khả năng lây nhiễm, nguy cơ bị tác động lớn về sức khỏe cao hơn so với những người bình thường. Những người mất khả năng vận động không thể tự thực hiện các công việc cá nhân, bị phụ thuộc vào nhân viên chăm sóc y tế thường xuyên  nên việc hạn chế tiếp xúc là điều khó có thể thực hiện được.

Theo kết quả Đánh giá nhanh tác động của Covid-19 đối với người khuyết tật của UNDP, 70% NKT tham gia cho rằng có khó khăn trong tiếp cận chăm sóc y tế như khám bệnh, thuốc chữa bệnh, dụng cụ trợ giúp và dịch vụ phục hồi chức năng. 22% người trả lời phải chịu tác động từ bệnh lý nền sẵn có, vì vậy làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe vì đại dịch Covid-19. Khoảng 28% người trả lời nói có khó khăn trong việc tiếp cận với khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay, nước sạch, xà phòng và thực phẩm. 72% người trả lời có thu nhập hàng tháng dưới một triệu đồng, 30% người trả lời cho biết họ đang thất nghiệp vì đại dịch Covid-19. 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Trong số những người vẫn đang làm việc, 59% bị giảm thu nhập. 71% người trả lời đang làm việc là các công việc mùa vụ/ không chính thức hoặc họ đang kinh doanh trong khu vực không chính thức, vì vậy có nguy cơ không thuộc nhóm được nhận các hỗ trợ từ gói phúc lợi xã hội của chính phủ.

Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình đã chủ động xây dựng khu vui chơicho các em nhỏ, người khuyết tật và công viên mi-ni cho các đối tượng yếu thế tập luyện, thư giãn

Đứng trước những vấn đề kể trên, Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ra Công văn số 466/KCB-PHCN&GĐ ngày 10/5/2021 về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 đối với người khuyết tật. Theo đó Phó trưởng tiểu ban điều trị – Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các đơn vị chỉ đạo các cơ sở Khám, chữa bệnh-Phục hồi chức năng (PHCN); Cơ sở giám định; Cơ sở bắt buộc chữa bệnh bệnh tâm thần; Cơ sở Bảo trợ xã hội; Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; Các cơ sở chăm sóc PHCN đối với người cao tuổi, nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và các cơ sở trực thuộc có liên quan khác tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và của địa phương, các văn bản hướng dẫn chuyên môn về phòng chống dịch của Bộ Y tế và của Cục QLKCB; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin về phòng chống dịch COVID-19 trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và trang Web: kcb.vn để kịp thời triển khai thực hiện.

Theo đó, hàng loạt các Trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để đảm bảo công tác chăm sóc NKT trong thời gian dịch bệnh, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh trong nội bộ Trung tâm. Ưu tiên thắt chặt an ninh và giám sát chặt chẽ lượng người vào ra tại trung tâm, tất cả các hoạt động gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đồng thời có những phương án phù hợp để bảo đảm công tác chăm sóc, khám chữa bệnh và bảo vệ cho những đối tượng yếu thế này trong mùa dịch. Các trạm y tế cấp xã, phường có trách nhiệm triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn NKT phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng phù hợp với phạm vi chuyên môn cho NKT.

Đối tượng NKT nhận được hỗ trợ thiết yếu từ  Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP. HCM

Ngoài ra, bản thân các hội nhóm NKT cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể hội viên về dịch Covid – 19 nội dung như những điều cần biết về chủng mới virus Corona; các biện pháp phòng bệnh (giữ ấm cơ thể; rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước; đeo khẩu trang; nâng cao thể trạng sức khỏe…), và cách xử lý với người có dấu hiệu mắc, nghi mắc, tiếp xúc với người mắc nCoV và tránh tụ tập đông người để chủ động phòng tránh Covid – 19. Đối với những người gặp khó khăn trong tình hình dịch bệnh, có thể kể tới Hội Người mù và Hội NKT thành phố Hà Nội đã hỗ trợ hội viên 200 suất quà với tổng trị giá 250 triệu đồng, sẻ chia và hỗ trợ kịp thời tới những đối tượng người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Tại thành phố Hồ Chí Minh – điểm nóng của đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP. HCM đã tặng 150 suất tiền mặt cho những gia đình trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, người khuyết tật ở các quận huyện Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh, TP. Thủ Đức (mỗi phần là 1.000.000đ). Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Ủy Ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.Hồ Chí Minh, tổ chức TFCF, Công ty CP Acecook Việt Nam và các mạnh thường quân còn trao tặng 500 phần quà (mỗi phần trị giá 500.000đ) gồm 10kg gạo, 1 thùng mì gói, nhu yếu phẩm cho trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở quận 8, Hóc Môn, Quận 1, 4, 5, 3, Tân Bình, TP. Thủ Đức Gò Vấp, Bình Chánh… Có thể thấy, sự đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng với NKT ngày được lan tỏa rộng rãi giữa muôn vàn khó khăn mà dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi mỗi người dân nói chung và người khuyết tật cùng thành viên gia đình, người chăm sóc cho họ nói riêng cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết để chung tay phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Đồng thời, luôn động viên tinh thần cho người khuyết tật để họ không lo lắng, không cảm thấy bị phân biệt đối xử, không bị bỏ lại phía sau.

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

bìa

Đảng ủy khối Doanh nghiệp quận Hoàng Mai tổ chức thăm hỏi và tri ân nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ

Picture1

Phạm Quỳnh Anh nữ sinh quê Nam Định đạt điểm 10 môn Ngữ văn: “Thất bại lớn nhất là sợ thất bại”

58

Giám đốc Công an Nam Định thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ 

57

Hồ Chí Minh: Có 8.927 người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội

55

Nam Định ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

52

Gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm, Ngày giải phóng thành phố Nam Định

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang