(ĐHVO). Ngày 01/12/2022, UBQG về người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng UNDP và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12/1992 – 3/12/2022). Đây là dịp để động viên khích lệ, biểu dương, tôn vinh những người khuyết tật vươn lên chính mình và chiến thắng số phận; là dịp để tri ân những tấm lòng nhân ái của các tổ chức cá nhân đã đồng hành cùng hoạt động trợ giúp người khuyết tật góp phần đảm bảo quyền của NKT; và cũng là dịp để phổ biến Công ước của liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và các chương trình trợ giúp, chính sách, pháp luật về người khuyết tật.
Tham dự Lễ Kỷ niệm có ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch UBQG về NKT Việt Nam; ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; bà Ramla Khalid đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam; cùng các đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành TW và các tổ chức của và vì người khuyết tật….
Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Phó Chủ tịch UBQG về người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Phó Chủ tịch UBQG về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Cùng với việc khởi động thập kỷ về người khuyết tật 1983-1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 03/12 hàng năm là Ngày Quốc tế người khuyết tật nhằm cổ vũ, thúc đẩy, kêu gọi thế giới hướng về những người thiệt thòi, khó khăn do tình trạng khuyết tật và cùng chung tay cho mục tiêu một xã hội không rào cản. Từ đó cho đến nay, mỗi năm với một chủ đề khác nhau, ngày 03/12 không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm mà còn mang lại sự chia sẻ, tình cảm ấm áp cho người khuyết tật trên toàn thế giới.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBQG về người khuyết tật Việt Nam cũng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo sâu sắc đến người khuyết tật, được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật cùng các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, khẳng định quan điểm, chủ trương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với NKT, tổ chức của NKT; định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền của NKT….
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm bảo đảm chính sách, pháp luật; quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật sẽ được thực thi. Ông Hồi cũng tin tưởng rằng, với nhận thức ngày càng sâu sắc tinh thần Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được kết quả thiết thực trong việc xây dựng một xã hội không rào, đó là cơ hội để người khuyết tật được bình đẳng, sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội.
Cũng nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBQG về người khuyết tật đã gửi lời cảm ơn đến các tổ chức trong nước và quốc tế đã phối hợp cùng UBQG tổ chức thành công chương trình và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức để đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong việc chăm sóc, trợ giúp NKT. Đồng thời, gửi lời chúc sức khỏe cũng như động viên người khuyết tật luôn cố gắng sống tích cực và có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Bà Ramla Khalid, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm
Đại diện cho Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tham dự và phát biểu tại buổi Lễ Kỷ niệm, bà Ramla Khalid đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam chia sẻ: Chủ đề của Ngày Quốc tế năm nay là “Đổi mới vì một thế giới tiếp cận và công bằng cho NKT”. UNDP hy vọng vai trò của đổi mới được tăng cường như một yếu tố thúc đẩy xã hội hòa nhập hơn cho NKT, phù hợp với nguyên tắc “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đại diện Thường trú UNDP cũng cho biết: UNDP tự hào được làm việc với các đối tác chính phủ, các tổ chức của NKT và các cơ quan khác của LHQ trong việc thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho NKT tham gia vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Bà Ramla Khalid cũng nhấn mạnh: Không nên coi tuyển dụng NKT là hoạt động từ thiện, cũng không phải là một ân huệ. Đó là quyền và điều này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Kiến thức, kỹ năng và ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp là NKT đã mang lại giá trị lớn cho việc thiết kế và thực hiện các chương trình của UNDP, trong các lĩnh vực liên quan đến chính phủ điện tử hoặc thiết kế lấy người dùng làm trung tâm trong việc cung cấp dịch vụ. Điều này đang chứng minh rằng sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc có thể phát huy sự đổi mới và đạt kết quả tốt hơn, tạo ra tác động tốt hơn. UNDP vui mừng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc tạo ra một môi trường làm việc hòa nhập với các đối tác chính phủ và doanh nghiệp để khai thác nguồn nhân tài trong cộng đồng NKT Việt Nam. UNDP cũng rất vui mừng được hỗ trợ các nỗ lực nâng cao năng lực cho các quan chức chính phủ và tổ chức của NKT nhằm tăng cường năng lực các bên liên quan từ đó hiện thực hóa quyền của NKT….
Cuối cùng đại diện UNDP gửi lời chúc mừng cộng đồng NKT tại Việt Nam vì sự tham gia tích cực, khả năng phục hồi và những đóng góp tích cực của các bạn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời kêu gọi hãy cùng nhau tôn vinh những đóng góp to lớn của NKT cho sự phát triển quốc gia và toàn cầu của chúng ta nhân dịp đặc biệt này; và cùng nhau tạo ra một tương lai nơi NKT tham gia với vai trò thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội phát biểu tại buổi Lễ Kỷ niệm
Đại diện cho Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch cho biết: Chúng ta chào đón ngày quốc tế NKT năm nay với các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hiện quyền và bình đẳng cho người khuyết tật với việc Việt Nam đã và đang thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT, thực thi Luật NKT gần 12 năm, và 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững với mục tiêu toàn cầu là “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng ta cũng nhận thấy rằng nhận thức của toàn xã hội và của NKT về vấn đề hoà nhập đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua. Cách tiếp cận vấn đề khuyết tật được chuyển dần từ tiếp cận theo mô hình từ thiện sang cách tiếp cận theo mô hình xã hội, dựa trên quyền của NKT, toàn xã hội chung tay dỡ bỏ rào cản đối với NKT; bản thân NKT cũng chủ động xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vượt qua định kiến, kỳ thị NKT vẫn còn đâu đó trong cộng đồng để vươn lên hòa nhập xã hội…
Bên cạnh đó, bà Vân cũng nhấn mạnh: Chúng ta cùng tự hào về sự lớn mạnh của tổ chức Hội với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, của các đơn vị đã đồng hành cổ vũ, động viên hỗ trợ các tổ chức của NKT, và đặc biệt với sự tự tin, nỗ lực vươn lên không ngừng, đóng góp tích cực của toàn thể hội viên và NKT cho sự phát triển bền vững của tổ chức Hội. Một số tổ chức hội của chúng ta đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của hội viên, gia đình hội viên, của các cấp chính quyền tỉnh, thành phố, các tổ chức đối tác và của các nhà tài trợ.
Tuy nhiên, Bên cạnh những thành tựu đạt được của toàn xã hội trong việc thay đổi nhận thức về quyền của NKT, sự bình đẳng và tiếp cận của NKT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, NKT vẫn còn gặp không ít khó khăn, rào cản trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch covid – l9, của biến đổi khí hậu và biến động giá cả… – Bà Vân cho biết thêm.
Cuối cùng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội hy vọng: Cùng với việc hưởng ứng Ngày Quốc tế NKT với các giải pháp chuyển đổi để phát triển bao trùm, chúng ta mong muốn và hành động để thúc đẩy xã hội có thể tiếp cận được và bình đẳng cho NKT. Chủ tịch DP. Hà Nội cũng gửi lời chúc tốt đẹp đến toàn thể đại biểu cũng như chúc NKT không ai bị bỏ lại phía sau.
Ngay sau Chương trình kỷ niệm là Diễn đàn Lắng nghe tiếng nói người khuyết tật, với mong muốn các tổ chức của NKT và NKT tham dự chương trình cùng nói lên tiếng nói của mình đến với những nhà xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến NKT; để NKT vơi đi những khó khăn, xã hội và bản thân NKT gỡ bỏ được nhiều rào cản, NKT hoà nhập vào xã hội, tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và được thụ hưởng những thành quả của tiến bộ xã hội….
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn Lắng nghe tiếng nói NKT
Đại diện cho Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam tham luận tại Diễn đàn, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã có bài chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn vướng mắc cùng những nguyên nhân và đề xuất kiến nghị trong công tác trợ giúp NKT. Nhiều nội dung trong tham luận của ông Đặng Văn Thanh là những vấn đề đang được các tổ chức hội của NKT cũng như NKT quan tâm và là nguyện vọng, tiếng nói muốn gửi đến các cơ quan chức năng, liên quan. Qua đó, mong muốn tiếp tục nhận được sư quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cũng như thực hiện đúng các quy định pháp luật, chính sách nhằm trợ giúp người khuyết hiệu quả.
Cùng tham luận của ông Đặng Văn Thanh, Diễn đàn cũng được nghe tham luận của các đại diện đến từ UBQG về người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật, các viện cùng một số doanh nghiệp chia sẻ các nội dung liên quan đến công tác trợ giúp NKT cũng như như tiếng nói từ chính bản thân người khuyết tật.
Mong muốn và tin tưởng rằng, với những chương trình kỷ niệm với các hoạt động thiết thực, đặc biệt là thường xuyên lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật thông qua các sự kiện, trong thời gian tới các chính sách, chương trình kế hoạch trợ giúp NKT, quy định pháp luật đối với NKT…. ngày càng được thực hiện hiệu quả với những kết quả tích cực góp phần hiện thực hóa quyền của người khuyết tật cùng mục tiêu không bỏ ai lại phía sau.
Tuệ Lâm