UBQG về người khuyết tật Việt Nam: Hội thảo “Khái niệm liên quan đến người khuyết tật và xác nhận khuyết tật”

(ĐHVO). Ngày 06/12/2022, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo “Khái niệm liên quan đến người khuyết tật và xác nhận khuyết tật”.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Văn phòng Quốc hội; bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Đào Thu Hương, cán bộ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc; cùng đại diện một số ban, bộ, ngành, các tổ chức của và vì người khuyết tật….

Bà Đinh Thị Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đinh Thị Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Hiện UBQG về người khuyết tật Việt Nam đang tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật. Trên cơ sở đó, rà soát để chuẩn bị hồ sơ trình đề nghị sửa đổi Luật trong thời gian tới. Cũng theo Phó Chánh Văn phòng UBQG, một trong những nội dung quan trọng nhất đó chính là xác định thế nào là người khuyết tật. Việc làm rõ khái niệm là cơ sở để đảm bảo việc thực hiện các nội dung liên quan hiệu quả. Qua việc soi chiếu giữa khái niệm hiện tại với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và các nội dung của Luật Người khuyết tật cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Từ đó, để hoàn thiện nghiên cứu cũng như có những đánh giá chính xác nhất, Hội thảo mong muốn lắng nghe ý kiến từ các bộ ngành, các tổ chức liên quan đến người khuyết tật để có khái niệm chính xác nhất cũng như để việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện tốt nhất.

Bà Đào Thu Hương, cán bộ Chương trình phát triển Liên hợp quốc phát biểu tại Hội thảo

Còn theo chia sẻ của bà Đào Thu Hương, cán bộ Chương trình phát triển Liên hợp quốc: Đây là buổi Hội thảo tham vấn cho nghiên cứu “Khoảng trống giữa các định nghĩa quan trọng trong Luật Người khuyết tật, thực tiễn và triển khai thực hiện tại Việt Nam so với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật”. Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Làm việc cùng nhau vì một tương lai hòa nhập: thực hiện công ước Quốc tế về quyền người khuyết tật thông qua hợp tác hiệu quả” do UNDP, UNICEF và UNFPA phối hợp thực hiện. Dự án chung Liên hợp quốc là sự hợp tác chặt chẽ về kinh nghiệm và chuyên môn của ba cơ quan trong việc hỗ trợ chính quyền cấp tỉnh và cấp quốc gia và các tổ chức của NKT nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động can thiệp đa ngành để hỗ trợ thực hiện Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) tại Việt Nam.

Đặc biệt, Dự án được thực hiện trong một môi trường pháp lý thuận lợi, ở đó Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ và đảm bảo rằng NKT có quyền bình đẳng tham gia vào các hoạt động của xã hội và được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của họ. Bên cạnh việc thông qua Luật Người khuyết tật năm 2010, Việt Nam cũng đã phê chuẩn CRPD vào năm 2014, đồng thời ban hành nhiều kế hoạch và chính sách tổng thể để hướng dẫn thực thi CRPD, các quy định pháp luật và trợ giúp NKT. UNDP đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc xây dựng một khung pháp lý toàn diện từng bước tương thích CRPD và các tiêu chuẩn quốc tế khác – Bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hương, trong những năm qua, UNDP đã có cơ hội được đồng hành với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật thực hiện các nghiên cứu, góp phần cung cấp các căn cứ khoa học cho quá trình rà soát Luật Người khuyết tật và các luật chuyên ngành liên quan; phân tích các khoảng trống pháp lý giữa Luật NKT và Công ước Quốc tế về Quyền của NKT (CRPD), phục vụ cho việc sửa đổi Luật NKT trong những năm tới đây.

Với các mục tiêu: So sánh các định nghĩa của Luật Người khuyết tật, thực tiễn triển khai thực hiện tại Việt Nam với quy định của CRPD; Rà soát, phân tích, đánh giá mức độ phù hợp, ưu điểm cũng như các vấn đề bất cập, hạn chế của các khái niệm quy định trong Luật Người khuyết tật phục vụ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Luật Người khuyết tật phù hợp với CRPD và bối cảnh kinh tế xã hội trong giai đoạn tiếp theo, bà Đào Thu Hương đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận sâu vào các nội dung: Khái niệm người khuyết tật trong đó đề nghị mở rộng phạm vi của khái niệm này để đảm bảo sự tham gia bình đẳng của NKT trong mọi lĩnh vực, đồng thời bao hàm sự tương tác giữa khiếm khuyết thể chất, trí tuệ, giác quan với các rào cản xã hội, đúng theo phương pháp tiếp cận xã hội và dựa trên quyền của CRPD; quy trình xác định khuyết tật cần quy định rõ hơn với thành phần hội đồng đa dạng đặc biệt là sự tham gia của đại diện Hội NKT cũng như nâng cao năng lực cho hội đồng xác định và cân nhắc thời gian thành lập hội đồng cùng quy trình xác định khuyết tật nhất là cần tinh giản cũng như minh bạch đồng thời ứng dụng công nghệ trong việc xác định khuyết tật; làm rõ hơn khái niệm giáo dục hòa nhập, bán hòa nhập và chuyên biệt…


Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam điều hành Hội thảo

Sau các tham luận về các khái niệm trong văn bản Việt Nam, giới thiệu báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia và một số nội dung liên quan đến việc đề nghị đưa tự kỷ trở thành dạng khuyết tật trong Luật, dưới sự điều hành của bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam và ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Hội thảo ghi nhận được nhiều đóng góp quý báu cũng như trao đổi sôi nổi xoay quanh các nội dung: Đóng góp ý kiến cho báo cáo nghiên cứu; thảo luận cũng như đưa ra các đề xuất, khuyến nghị về sửa đổi các khái niệm nhất là khái niệm về người khuyết tật không chỉ đảm bảo tính tương thích mà còn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện tại; các vấn đề liên quan đến các dạng tật, mức độ khuyết tật….

Hy vọng rằng với những nghiên cứu tập trung vào từng vấn đề, nội dung cụ thể cùng việc đánh giá quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật và ý kiến đóng góp từ các chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực người khuyết tật, Luật Người khuyết tật sẽ sớm được đánh giá một cách toàn diện sau hơn 10 năm thực thi. Trên cơ sở đó sẽ được đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế, qua đó thực hiện hiệu quả các chính sách đối với người khuyết tật, góp phần hiện thực hóa quyền của người khuyết tật cũng như góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 và các cam kết quốc tế của Việt Nam để “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tuệ Lâm

 

Bài viết liên quan

Picture1

Việt Nam ghi dấu ấn tại cuộc thi sáng tạo quốc tế với 5 Huy chương Vàng

z6115517695182_84417e626b5285588cd00165f7be6017

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật

z6118109523751_50ea873e738cc425b92e7f950be7ff28

Thái Nguyên: Khám và phát thuốc miễn phí về mắt cho Người khuyết tật

Picture1

Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội chia sẻ kết quả dự án

abc

CHUYỆN NHỮNG CÁI BARIE Ở THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Picture1

Nam Định: Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang