(ĐHVO) Tính đến thời điểm hiện tại, ở 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có hơn 97% xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trục ấp được trải nhựa, bê tông.
Đường giao thông nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ ngày nay khang trang, sạch, đẹp.
Mới đây, Bộ NN&PTNT có báo cáo cho thấy, tính đến hết tháng 7 năm 2019, cả ĐBSCL có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 43,78%, tăng 30,88% so với cuối năm 2015). Vùng ĐBSCL 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trực thôn được rải nhựa, bê tông.
Tại huyện vùng ven Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ là một điển hình, chia sẽ về điều này, ông Nguyễn Công Trứ – Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Hệ thống cơ sở hạ tầng ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh bây giờ đã được đổi mới, khang trang. Điển hình ở xã Vĩnh Trinh, đường giao thông rộng mở từ 4m trở lên, xe 4 bánh lưu thông đến tận ấp. Bà con dọc theo các tuyến đường trồng thêm cây cảnh, hoa, kiểng góp phần làm cho các tuyến đường thêm sáng, sạch, đẹp… Đây là một trong những thành quả nhờ sự đóng góp của người dân cùng chính quyền địa phương hợp lực thực hiện”.
Trong đó, phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu bức xúc của người dân nên được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình tham gia cùng thực hiện.
Điển hình, tại tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư cải tạo nâng cấp và thực hiện mới 613km đường giao thông liên xã, liên ấp, liên xóm và đường trục chính nội đồng theo quy hoạch, xây dựng mới và sửa chữa 134 cầu. Hiện nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 48/89 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm 54%.
Đặc biệt, các địa phương vùng ĐBSCL đều đã vận động người dân- nhất là những người con xa quê, các Mạnh thường quân tài trợ xây dựng, nâng cấp các cây cầu dân sinh bằng bê tông, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi và phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân.
Mới đây, vào ngày 14/9/2019, tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu và đã ghi nhận những kết quả xây dựng NTM của vùng ĐBSCL trong việc tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Điều đáng mừng là cho đến 2017, tất cả các tỉnh, thành của 2 vùng đều không còn nợ đọng về xây dựng NTM. Việc huy động sức dân ở 2 vùng này, tôi cho là vừa phải, không quá cao so với các vùng khác. Việc huy động sức dân quá nhiều chưa chắc đã tốt, trách nhiệm này là của cả nước chứ không phải chỉ riêng người nông dân”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.
Thanh Phong – Văn Nhạn