(ĐHVO) Những căn bếp sử dụng bếp gas là hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đình, nhà hàng, quán ăn. Song song với những tiện ích mà việc sử dụng bếp gas mang lại là những nguy cơ xảy ra tai nạn quá đỗi thương tâm và câu hỏi về những trách nhiệm đặt ra.
19 tuổi – độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời mà tai họa bỗng dưng ập tới khiến cậu bé Trần Văn Trường phải có thể phải từ bỏ cả tương lai phía trước.
Sống trong tình yêu thương của bố mẹ là điều tự nhiên nhất mà mỗi đứa trẻ kể từ khi sinh ra đều có được. Tuy nhiên, hai anh em Trần Văn Chỉnh (Sinh năm: 1998) và Trần Văn Trường (Sinh năm: 2001) cùng cư trú tại Nam Định thì khác. Khi các em còn chưa nhận thức được thì mẹ đã mất, không lâu sau thì bố phát bệnh tâm thần, tình yêu thương của bố mẹ các em mãi mãi không bao giờ có thể cảm nhận được.
Gia đình không khá giả, để có thể trang trải cuộc sống cũng như có được đồng ra đồng vào lo cho người bố đang tâm thần, hai enh em đều đã phải bỏ học từ rất sớm, cùng dắt díu nhau ra Hà Nội làm lao động phổ thông. Bất kỳ một công việc gì có thể kiếm ra tiền mà hợp pháp, hợp đạo đức thì các em đều làm mà không nề hà gì. Khoảng tháng 09/2020, Trường xin được vào làm phụ bếp cho một quán phở ở Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng khi làm việc em khá nhanh nhẹn, tháo vát, hoàn thành các công việc được mọi người giao. Tuy nhiên, tiền lương phụ quán không quá nhiều, các em phải chi tiêu chắt bóp lắm mới đủ để trang trải chi phí thiết yếu, cơ bản nhất cho cuộc sống và mua thuốc cho bố. Đang trong độ tuổi lao động, với sức trẻ của thanh niên, các em không hề nản chí, vẫn luôn cố gắng, chăm chỉ kiếm tiền. Ngỡ tưởng tương lai sẽ tươi sáng khi các em có thể tự kiếm được tiền thì tai họa tự nhiên ập xuống. Ngày 08/11/2020, trong khi đang phụ bếp tại quán phở thì bình khí gas bỗng dưng phát nổ. Do đứng quá gần nên Trường bị thương nặng và phải đưa đi cấp cứu.
Trường nằm viện do bị bỏng
Như câu chuyện nêu trên, bình gas, bếp gas chính là hình ảnh của những thiết bị công nghệ hóa, hiện đại hóa. Việc sử dụng bình gas, bếp gas này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những tai nạn thương tâm cho người sử dụng cũng như người đứng gần. Thực tế có rất nhiều trường hợp tử vong do việc sử dụng bếp gas, bình gas trong gia đình, sinh hoạt, kinh doanh. Trong câu chuyện nêu trên, tai nạn đã xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, chỉ là thật may mắn khi tai nạn xảy ra chưa gây ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng cũng biến họ thành người khuyết tật, đôi bàn tay lao động giờ đã không còn dùng để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Tuy nhiên, không thể nói trước được sau này những vụ nổ bình khí gas có gây thiệt hại gì về tính mạng không? Tâm lý của những người làm công, làm thuê, người tiêu dùng đối với việc nổ bình khí gas vẫn còn chịu tác động nặng nề.
Theo như phóng viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bình khí gas phát nổ, cụ thể có thể điểm tới một số nguyên nhân sau:
Do công tác thay bình gas: Thay bình gas hiện nay khá đơn giản, không có sự kiểm tra điểm dẫn để xác định có khí gas rò rỉ hay không, có tiềm ẩn cháy nổ hay không. Việc thay quá đơn giản dẫn tới bất kỳ ai cũng có thể thay được một bình gas mới để sử dụng và không đáp ứng an toàn tối thiểu dẫn tới tai nạn nghiệm trọng có thể xảy ra.
Do chất lượng bình gas: Theo quy định tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP thì một bình gas để được lưu thông trên thị trường cần phả được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểm định an toàn chất lượng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết các bình gas lưu thông trên thị trường hiện nay chưa đáp ứng được điều kiện an toàn, phù hợp với điều kiện cho phép lưu thông trên thị trường. Nhiều bình gas lớp sơn đã có sự rỉ sét, bong tróc lớp sơn.
Chúng tôi vô cùng quan ngại trước thực trạng hiện đang xảy ra. Khi sự việc xảy ra, những thiệt hại về vật chất có thể kiểm đếm và định giá được. Tuy nhiên, ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường? Thiệt hại về uy tín đối với khách hàng, thời gian nhân viên thất nghiệp ai là người chịu trách nhiệm? Trách nhiệm hành chính, hình sự được xử lý, giải quyết như thế nào? Đây là những câu hỏi lớn cần nhanh chóng đưa ra câu trả lời giúp mọi người ổn định tâm lý, vững tin vào pháp luật.
Tai nạn xảy ra bất ngờ khiến anh trai Trường – Chỉnh phải nghỉ việc, vào bệnh viện chăm sóc em. Không đi làm, không có nguồn thu nhập. Tiền viện phát sinh ngày một nhiều khiến gia đình khốn đốn. Cũng để có tiền cho em trai nhập viện, chữa trị mà Chỉnh đã phải chạy vạy, vay, nhờ họ hàng hỗ trợ tiền viện phí. Tuy nhiên, họ hàng cũng không phải khá giả gì do đó, hiện nay Chỉnh, Trường không biết trông cậy vào đâu. Bản thân Chỉnh cũng đã phải đau lòng chia sẻ “Giờ gia đình em chẳng biết trông chờ vào đâu nữa. Do Trường nằm viện nên em phải nghỉ việc vì nhà còn có ai đâu, bố em thì bị bệnh tâm thần làm sao lo được”.
Bàn tay Trường hiện bị tháo khớp, không cầm, nắm được đồ vật
Căn nhà ông nội – nơi Trường nằm điều trị sau khi ra viện
Trường vừa mới xuất viện, những vết thương trên người em chưa lành, bàn tay em bị tháo nhiều khớp, ngay cả việc đơn giản nhất như cầm, nắm đồ vật, Trường cũng không thể sử dụng bàn tay để cầm, nắm được. Tuổi trẻ, đang mang trong mình nhiều hoài bão như vậy mà đùng một cái, Trường gặp phải tai nạn thương tâm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tương lai. Đã có lúc quẫn trí, Trường nảy ra ý định tự tử! Do đó, chúng tôi thiết nghĩ, pháp luật mau chóng có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm hành chính, hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường đối với tai nạn như trên.
Nhật Linh