Lễ tôn vinh là hoạt động thường niên được Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức từ năm 2007, kể từ khi Việt Nam có người đầu tiên tại Kim Sơn (Ninh Bình) tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người mù tìm lại ánh sáng. Sau COVID-19, đây là lần đầu tiên lễ tôn vinh được tổ chức. Những năm qua, hoạt động hiến tặng giác mạc của Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương là một trong những lĩnh vực tiên phong, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào hiến ghép mô tạng ở Việt Nam.
Các đại biểu dự Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc
Vào tháng 4 năm 2007, cụ bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp, cụ Nguyễn Thị Hoa đã trở thành tấm gương sáng tiên phong, thúc đẩy phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước phát triển, lan rộng. Từ năm 2007 đến nay, địa bàn huyện Kim Sơn đã có 417 người hiến tặng giác mạc. Trong 16 năm từ 2007 – 2023, cả nước có trên 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời, đến từ 20 tỉnh, thành trong cả nước. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân mù bị mù do các bệnh lý giác mạc, giúp họ tìm lại được ánh sáng.
Tại Lễ tôn vinh, GS.TS. Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận Kim Sơn là địa phương đi đầu cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc. Đây là một đóng góp rất lớn của người dân Kim Sơn nói riêng, của tỉnh Ninh Bình nói chung trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, không gì sánh được của những người bị bệnh giác mạc. Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng biểu dương và cảm ơn các gia đình đã có người hiến giác mạc, những người đã giành lại một phần cơ thể mình để đem lại ánh sáng cho những người đang sống.
Bà Bùi Thị Hoà – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (áo hồng, đứng giữa) trao quà, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào và “Giấy ghi nhận nghĩa cử cao đẹp” cho các gia đình có người hiến tặng giác mạc.
Công cuộc vận động hiến tặng giác mạc của ngành Y tế không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức trong xã hội, và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân. Phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình đã và đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp chính quyền. Nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương, Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo, các vị Linh mục, chánh trương, các tình nguyện viên đã luôn quan tâm và ủng hộ hoạt động hết sức nhân văn này. Nếu như trong cả nước, có nhiều Kim Sơn hơn nữa, chắc chắn, nhiều người đã được nhìn thấy ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc sẽ đến với nhiều gia đình.
Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn, trong thời gian tới, phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình sẽ được nhân rộng hơn để có nhiều người mù được thấy lại ánh sáng; đồng thời đề nghị các cấp chính quyền, ngành Y tế tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động hết sức nhân đạo này trở thành hoạt động thường xuyên.
Phát biểu tại lễ tôn vinh, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có người Việt Nam đầu tiên hiến tặng giác mạc sau khi qua đời vào năm 2007 đã làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của nhân dân đối với công cuộc vận động hiến tặng giác mạc, để có nguồn giác mạc ghép cho người bệnh. Đến nay, Kim Sơn có 21/25 xã, thị trấn đã có người hiến tặng giác mạc, Ninh Bình có 5/7 huyện, thành phố có người hiến giác mạc. Tại tỉnh Ninh Bình, 437 người hiến giác mạc, chiếm khoảng 50% số người hiến giác mạc trong cả nước. Đây là một con số rất đáng tự hào.
Nhiều cá nhân đăng ký hiến giác mạc ngay tại chương trình. (Ảnh: TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, thành quả đó có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các tổ chức tôn giáo vào phong trào vận động hiến tặng giác mạc. Phong trào sẽ không đạt được thành quả ngày hôm nay nếu không có sự tham gia, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Sự thấu hiểu về ý nghĩa to lớn, nhân văn của hiến tặng giác mạc, sự đồng lòng của nhân dân Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người khác. Trưởng ban Công tác đại biểu đã biểu dương và cảm ơn các cấp chính quyền, ngành Y tế, các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, nhân dân trong tỉnh đã tích cực ủng hộ, tham gia vào phong trào hiến tặng giác mạc; đồng thời mong muốn, việc hiến giác mạc tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình sẽ tạo ra truyền thống giàu lòng nhân ái cao cả sẽ được giữ gìn, phát huy và lan tỏa ra cả nước.
Dịp này, 4 tập thể và 5 gia đình có người hiến giác mạc tiêu biểu được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; 39 gia đình được nhận giấy “Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp”; 20 cộng tác viên xuất sắc trong phong trào được biểu dương, khen thưởng.
Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt), cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó truyền lên não bộ. Giác mạc chỉ được lấy từ người hiến tặng sau khi qua đời trong vòng 6-8 tiếng. Việc hiến và thu nhận giác mạc được tiến hành trong vòng 30 phút, không ảnh hưởng gì đến hình dạng đôi mắt người hiến cũng như việc tổ chức tang lễ cho người quá cố. Giác mạc sau khi thu nhận được bảo quản tại Ngân hàng Mắt và các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ tiến hành phẫu thuật ghép cho người mù do bệnh lý giác mạc. Một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho hai người mù… |
Theo Nhandaoonline.vn