(ĐHVO). Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin (CNTT) trên tất cả các lĩnh vực, đào tạo trực tuyến là mô hình áp dụng CNTT rất hiệu quả, thiết thực đối với các tổ chức, cơ sở đào tạo và đặc biệt cấp thiết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Hiểu rõ tầm quan trọng của mô hình đào tạo trực tuyến, sáng ngày 20/02/2020 Hệ thống đào tạo CNTT Quốc tế Bachkhoa-Aptech phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Sáng tạo đã tổ chức buổi tọa đàm: “Nâng cao chất lượng đào tạo khi áp dụng mô hình đào tạo trực tuyến” để tìm ra giải pháp tối ưu nâng nhằm cao chất lượng dạy, học và đánh giá khi ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo.
Tới dự tọa đàm có bà Phạm Thái Hà – Chủ tịch HĐQT Hệ thống đào tạo CNTT quốc tế Bachkhoa-Aptech; ThS. Lê Ngọc An – Giảng viên Khoa CNTT Trường Đại học Đại Nam, Sáng lập viên Dự án Đại học Không Giấy; Ông Nguyễn Công Tùng – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Sáng tạo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội những người lao động Sáng tạo Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm.
Các đại biểu nghiên cứu về vấn đề “ứng dụng công nghệ trong đào tạo trực tuyến” tại buổi tọa đàm.
Việc áp dụng mô hình đào tạo trực tuyến đã được Bachkhoa-Aptech thử nghiệm thành công và áp dụng vào quá trình đào giảng dạy, đào tạo chính khóa. Tuy nhiên để việc dạy và học được tối ưu cần có nhiều hơn những biện pháp cụ thể, lâu dài, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo trực tuyến.
Ông Nguyễn Công Tùng – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Sáng tạo Việt Nam cho biết, khi ứng dụng công nghệ trong việc đào tạo cần có sự kết hợp hài hòa giữa các mô hình học, cũng như đánh giá đúng chất lượng của các công cụ học trực tuyến để nâng cao ưu điểm, hạn chế khuyết điểm của các công cụ đó. Có như vậy mới áp dụng hiệu quả công nghệ trong việc dạy và học, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, học sinh, sinh viên tại thời điểm này.
Thực tế ở Việt Nam, việc học truyền thống thường bị đánh giá là đào tạo một chiều hay truyền đạt thiếu sinh động hiệu quả, đào tạo theo xu hướng tập trung tại chỗ. Trên thế giới, phương pháp giảng dạy trực tuyến đã trở nên phổ biến, phát triển về nội dung giảng dạy cũng như cách thức trao đổi thông tin hiệu quả và nhanh chóng. Do đó phần mềm Zoho được đưa vào sử dụng với những ưu điểm vượt trội như Chat, hangout chia sẻ tài liệu, hỏi đáp trực tiếp ngay tức thì, đánh giá bài học. Học sinh khi tham gia bài học có thể đặt lịch học, xem lại bài giảng sau khi kết thúc, ghi âm bài giảng. Bên cạnh đó Zoho Showtime có thể tổ chức một lớp học trực tuyến, cho phép xây dựng, quản lý và giám sát toàn bộ học sinh của lớp trên một giao diện chính, luôn cập nhật được lịch trình của tổ chức lớp học, tương tác và phản hồi giữa học sinh và giáo viên trở nên thuận tiện hơn.
Tham gia trao đổi ý kiến, đề xuất các giải pháp, ThS. Lê Ngọc An – Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Đại Nam bày tỏ, để việc học trực tuyến hiệu quả hơn nữa thì ngoài việc áp dụng các tính năng trên công nghệ Zoho thì còn có thể kết hợp với hệ thống Test Online trên mô hình dự án Đại học Không giấy. Theo đó sau khi kết thúc bài giảng, giáo viên có thể đăng lên những bài kiểm tra trên hệ thống này và học sinh, sinh viên sẽ truy cập để làm bài, tra cứu được kết quả cũng như xem điểm số của mình. Với việc kết hợp giữa dạy và làm các bài kiểm tra sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến của người sử dụng.
Buổi tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều giải pháp được các đại biểu chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT Hệ thống đào tạo CNTT quốc tế Bachkhoa-Aptech, bà Phạm Thái Hà chia sẻ Bachkhoa-Aptech luôn quan tâm đến chất lượng công nghệ ứng dụng và sẽ tiếp tục tập trung thử nghiệm mô hình đào tạo trực tuyến, xem xét kết quả trên thực tế, lắng nghe phản hồi từ phía người dùng để lựa chọn các giải pháp tốt nhất cho mô hình đào tạo này.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Viện trưởng Nguyễn Công Tùng khẳng định lần nữa ứng dụng công nghệ trong đào tạo trực tuyến là cần thiết trong thời điểm ứng phó trước dịch bệnh Covid-19, đồng thời cũng là cách để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục tại Việt Nam. Tuy nhiên cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo truyền thống và đào tạo trực tuyến, chắt lọc những ưu điểm từ các cách đào tạo để tìm ra giải pháp dạy và học hiệu quả, lâu dài, phát triển hơn nữa trong tương lai.
Lan Phương.