Nhà trung chuyển dành cho người khuyết tật ở tỉnh Thừa Thiên Huế là mô hình nhà trung chuyển đầu tiên tại miền Trung, đạt tiêu chuẩn thiết kế theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được Bộ Xây dựng ban hành và các yêu cầu y tế đảm bảo cho người khuyết tật.
Ngày 4.12, tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế), Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp với Ban quản lý dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” và Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức khánh thành nhà trung chuyển dành cho người khuyết tật đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhà trung chuyển được xây dựng tại khoa Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế huyện Phú Vang). Đây là mô hình nhà trung chuyển đầu tiên ở miền Trung đạt tiêu chuẩn thiết kế theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Xây dựng ban hành và các yêu cầu y tế đảm bảo phục vụ cho người khuyết tật.
Công trình bao gồm các khu vực: Bếp và ăn uống, phòng vệ sinh, phòng ngủ và phòng sinh hoạt chung; trang bị các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt phù hợp với chiều cao, đảm bảo an toàn cho người khuyết tật. Từ đó, họ có thể dễ dàng tự di chuyển, sinh hoạt như người thường. Lối vào nhà trung chuyển có dốc riêng dành cho xe di chuyển lên xuống, chuông báo động trong trường hợp khẩn; giường, tủ, bàn ghế,… được thiết kế có chiều cao phù hợp để dễ dàng sử dụng; cửa ra vào đủ rộng cho xe lăn và người đẩy xe di chuyển, các vật dụng sắc nhọn có bảo hộ,… Sau khi điều trị và hoạt động trị liệu, người khuyết tật sẽ được tiếp cận nhà trung chuyển để tiếp tục thực hành các chức năng sinh hoạt hằng ngày trước khi trở về gia đình, cộng đồng tái hòa nhập một cách độc lập. Mô hình nhà trung chuyển có thể được vận dụng linh hoạt, điều chỉnh phù hợp cho nhu cầu cá nhân và gia đình.
Lễ cắt băng khánh thành nhà trung chuyển ở tỉnh Thừa Thiên – Huế
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm ACDC, nhà trung chuyển tại Trung tâm Y tế Phú Vang là công trình nhà trung chuyển khánh thành đầu tiên thuộc dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”. Hiện tại, mô hình cũng đang được triển khai và mở rộng ở một số cơ sở y tế có chuyên ngành phục hồi chức năng khác trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam thông qua dự án này. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đào tạo hơn 300 bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên môn phục hồi chức năng. Từ đó, tạo nên đội ngũ sẵn sàng hỗ trợ người khuyết tật được tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Trương Như Sơn – Bác sĩ chuyên khoa II, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người khuyết tật có nhu cầu ở các huyện và địa phương lân cận nhà trung chuyển để phần nào đó giúp họ giảm bớt đi sự thiếu bỡ ngỡ, khó khăn cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Trung tâm cũng sẽ duy trì, phát triển và mở rộng hơn nữa mô hình để đáp ứng nhu cầu tiếp cận cho hàng nghìn người khuyết tật trên địa bàn.
Quỳnh Chi (T.H)