Tiến sĩ Uwano Toshiyuki giới thiệu Dự án Nghiên cứu tiếp cận xã hội dành cho người sử dụng xe lăn

(DHVO).Chiều nay (6/9/2019) tại Văn phòng Liên hiệp Hiệp hội Người khuyết tật Tp. Hà Nội, Tiến sĩ Uwano Toshiyuki – người khuyết tật nặng, sử dụng xe lăn – đã có buổi chia sẻ với đại diện Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội về dự án Nghiên cứu tiếp cận xã hội dành cho người sử dụng xe lăn tại Việt Nam do quỹ Toyota Foundation tài trợ. Tới dự có ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người Khuyết tật Việt Nam; đại diện Cục Bảo trợ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Buổi chia sẻ đã diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở. Cuộc đời của Tiến sỹ Toshi đã trải qua nhiều biến cố, thất bại và cũng đã gặt hái rất nhiều thành công. Vì vậy, những câu chuyện mà ông mang đến buổi chia sẻ thực sự rất ý nghĩa. Tiến sỹ Toshi bị tai nạn khi đang học cấp ba. Ảnh hưởng từ vụ tai nạn đã khiến ông phải di chuyển bằng xe lăn, phải gác lại giấc mơ học đại học chỉ vì lý do sức khỏe và cuộc sống của ông chỉ có thể quanh quẩn trong nhà với công việc hàng ngày là đọc sách và xem phim. Đó là khoảng thời gian những năm 90 của thế kỷ XX, khái niệm “hòa nhập xã hội” tại Nhật Bản vẫn còn là một điều quá xa lạ và mới mẻ. Những người như ông Toshi rất khó khăn để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội. Sau đó, ông bị thương lần thứ hai và biết rằng việc quay lại trường học là điều không thể.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người Khuyết tật Việt Nam và Tiến sỹ Toshi tại buổi giới thiệu về dự án.

Sự kiện chính thức thay đổi cuộc đời của Toshi là vào năm 2004, thời điểm đó Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu có những thay đổi trong nhận thức về hòa nhập xã hội dành cho người khuyết tật. Toshi dần có được những cơ hội để hòa nhập với xã hội. Đây chính là tiền đề vô cùng quan trọng để ông quay lại trường đại học và lấy bằng Tiến sỹ vào năm 2014 tại Đại học Tokyo.

Cơ duyên của Toshi với Việt Nam bắt đầu từ năm 2003 khi ông lần đầu tiên đến Việt Nam. Lúc đó tại Việt Nam, ông đã gặp phải không ít khó khăn khi tham gia các hoạt động xã hội nhưng điều ông ấn tượng và cảm động nhất chính là sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam đối với ông. Ông nhận thấy người khuyết tật Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia hòa nhập xã hội. Xuất phát từ tình cảm với đất nước và con người Việt Nam, ông đã bắt tay thực hiện nghiên cứu về tiếp cận xã hội dành cho người khuyết tật. Dự án này đã may mắn lọt vào danh sách 11 dự án được quỹ Toyota Foundation tài trợ trong số 400 bộ hồ sơ được gửi đến.

Dự án được thực hiện tại Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan. Tại Việt Nam, dự án được triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu là học hỏi kinh nghiệm từ những vùng khác, tạo ra các ram – thiết bị hỗ trợ được lắp đặt trên xe lăn để hỗ trợ người khuyết tật di chuyển và vận động mọi người cùng sử dụng thiết bị này để tham gia vào các hoạt động xã hội. Mọi người sẽ sử dụng các ram này để gắn vào xe lăn của mình để thuận tiện hơn trong quá trình di chuyển các địa hình dốc và chia sẻ lên Facebook trong thời gian 01 năm để nhiều người cùng biết đến. Các ram này chính là trọng tâm của buổi chia sẻ. Theo chia sẻ của Tiến sỹ Toshi và đại diện đến từ quỹ Toyota Foundation, các ram này được sản xuất bởi những người khuyết tật tại thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Tiến sỹ Toshi và các cộng sự mong muốn rằng việc trao tặng 25 phần quà là những thiết bị ram này cho 25 cá nhân tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là bước khởi đầu để mở ra cơ hội cho người khuyết tật, nhất là người khuyết tật vận động trong việc hòa nhập xã hội tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi chia sẻ chụp ảnh lưu niệm

Đáp lại tình cảm nồng hậu từ Tiến sỹ Toshi, đại diện Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Hiệp hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội đã bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng những tình cảm và đóng góp của Tiến sỹ dành cho Việt Nam nói chung và cộng đồng người khuyết tật nói riêng.  ThS-Luật sư Nguyễn Gia Cương, Tổng Biên tập Tạp chí Đồng Hành Việt cho biết, hiện nay theo số liệu thống kê tại Việt Nam có gần 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó số người khuyết tật vận động chiếm gần 30%. Đây quả là một con số không hề nhỏ và cũng là một thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước về người khuyết tật. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách dành cho người khuyết tật nhằm tạo mọi điều kiện để người khuyết tật được phát triển và bảo vệ một cách tốt nhất, tuy nhiên trên thực tế việc thực thi những chính sách này còn gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến những khó khăn đến từ nhận thức xã hội.

Đại diện Cục Bảo trợ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng bày tỏ sự trân trọng  trước những đóng góp và nỗ lực của Tiến sỹ Toshi trong việc giúp người khuyết tật Việt Nam có cơ hội tiếp cận xã hội. Qua đó khẳng định việc thừa hưởng và học hỏi những kinh nghiệm quốc tế là cách thức vô cùng cần thiết để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới về vấn đề hòa nhập cho người khuyết tật.

Tiến sỹ Toshi cũng chia sẻ mỗi người khuyết tật nếu muốn được tham gia vào các hoạt động xã hội, nếu muốn được khẳng định mình thì cần phải cố gắng học hỏi, trường đại học là môi trường tuyệt vời để rèn luyện và phát triển bản thân. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã góp phần phá bỏ những rào cản trong việc tiếp cận tri thức đối với người khuyết tật. Ông cho rằng không thể chờ đợi đến khi cả xã hội nhận thức mà bản thân mỗi người khuyết tật phải làm một việc gì đó để thay đổi nhận thức xã hội và việc làm ấy có lẽ nên bắt đầu từ việc học tập. Học tập không chỉ giúp mở mang tri thức mà còn giúp người khuyết tật hòa nhập được thế giới xung quanh, giúp họ cảm nhận được giá trị của mình và có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Buổi chia sẻ khép lại với những hy vọng và tin tưởng vào một khởi đầu mới dành cho cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam. Dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi nhưng tất cả chúng ta, những người Việt Nam và cả những người bạn nước ngoài vẫn sẽ cùng nhau hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn dành cho người khuyết tật.

Phương Loan

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang