Thực trạng và giải pháp quản lý ô nhiễm tại các cụm công nghiệp góp phần cải thiện nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

(ĐHVO). Lý thuyết cụm công nghiệp do A.Marshall đưa ra lần đầu tiên vào năm 1890 sử dụng trong tác phẩm “Các nguyên tắc kinh tế học”, và được ứng dụng rộng rãi ở các nước công nghiệp phát triển, các nước công nghiệp mới nổi cũng như các nước đang phát triển. Thực tiễn phát triển trên thế giới đã cho thấy việc thành lập các cụm công nghiệp (CCN), các khu chế xuất là một trong những giải pháp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội tại các tỉnh, thành phố.

Phát triển CCN  không chỉ thu hút các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu vực tập trung để có điều kiện xử lý môi trường, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và nâng cao đời sống xã hội trong khu vực.

Từ những năm 1991, nước ta đã chủ trương thí điểm và triển khai việc xây dựng các khu công nghiệp, CCN và cho đến nay các cụm công nghiệp đã và đang đạt được những thành tựu nổi bật, là điểm thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, nơi ứng dụng và tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế của cả nước.

Phát triển các cụm công nghiệp đã đạt được mục tiêu tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp, nâng cao sử dụng hiệu quả tài nguyên, tập trung nguồn phát thải ô nhiễm vào các khu vực nhất định giúp nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thải và bảo vệ môi trường, cũng như tạo chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế – xã hội của người dân. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN cũng tạo ra các chất thải như nước thải, chất thải rắn, khí thải, chất thải nguy hại…, vì vậy nếu không có biện pháp bảo vệ, xử lý hợp lý, các chất thải sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường như đất, nước, không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hiện nay Nhà nước đang có những chính sách ưu tiên, tạo cơ hội việc làm cho ngươi khuyết tật, nên tại các khu công nghiệp có một số lượng nhất người khuyết nhất định tham gia lao động, sinh sống mưu sinh quanh khu vực này. Vì vậy, môi trường sống có những tác động không nhỏ đến sức khỏe của người khuyết tật vì họ là những đối tượng yếu thế trong xã hội với nền tảng sức khỏe kém.

Theo chủ đề Giải pháp nâng cao chất lượng môi trường Thành phố Hồ Chí Minh về chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2025, việc nghiên cứu đồng bộ các giải pháp để  xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ khâu như quản lý, phân loại, nghiên cứu ứng dụng thực tế để xử lý môi trường là hết sức cần thiết và cấp bách.

THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG Ở CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hiện trạng quy hoạch thành lập phát triển CCN và thực trạng môi trường tại các CCN trên cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM)  nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo số liệu thống kê của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tính đến hết năm 2020 cả nước đã thành lập khoảng 968 CCN với tổng diện tích trên 30.912 ha; trong đó, có 730 CCN với tổng diện tích khoảng 22.336 ha đi vào hoạt động, thu hút gần 12.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy bình quân 65%; tạo việc làm cho khoảng 600.000 lao động.


Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất, nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của miền Nam nước ta, đồng thời là trung tâm công nghiệp giữ vai trò đầu tàu trong kinh tế của cả nước. Trong những năm gần đây, quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố ngày càng mở rộng với giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 45% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Theo đó, số lượng người lao động sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số của Thành phố, đặc biệt là nơi tập trung nhiều nhóm đối tượng khác nhau, trong đó phải kể đến nhóm người lao động là người khuyết tật.

Tuy nhiên, quá trình phát triển các CCN cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết trong việc xử lý chất thải và đảm bảo chất lượng môi trường. Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN tại các địa phương, đặc biệt hạ tầng bảo vệ môi trường (BVMT) còn nhiều khó khăn; công tác thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tại nhiều CCN chưa đúng quy định pháp luật về môi trường.

Theo thống kê đến hết năm 2020, mới chỉ có khoảng 20% các CCN có hệ thống xử lý nước tập trung đi vào hoạt động, do đó với lượng nước thải phát sinh lớn trung bình 15-20 m3/ha/ngày đêm [5], cùng một lượng lớn các chất ô nhiễm, như các chất lơ lửng, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, các kim loại nặng,v.v… lượng nước thải công nghiệp từ các CCN đang gây sức ép rất lớn đến môi trường xung quanh.

Mặc dù thành phố đã đưa vào hoạt động các hệ thống nhà máy xử lý nước tập trung riêng, với những nhà máy có công suất rất lớn như nhà máy Bình Hưng – công suất 141.000 m3/ngày.đêm, tuy nhiên phần lớn các nhà máy còn thiếu sự đầu tư cho hệ thống thu gom và xử lý bùn thải từ mạng lưới thu gom nước thải, cũng như bùn cạn từ nhà máy. Đặc điểm chung của các bùn thải là có chứa hàm lượng chất hữu cơ cao nên dễ bị phân hủy gây mùi khó chịu, hàm lượng nitơ, phốt pho cao, có thể gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý một cách hợp lý.

Một yếu tố gây ô nhiễm môi trường khác từ các CCN đối với TP HCM đó chính là lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh hàng ngày. Theo báo cáo môi trường quốc gia [5] thì lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh riêng với TP HCM khoảng 1500 – 2000 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn này đang ngày càng gia tăng do sự gia tăng quy mô, tỷ lệ lấp đầy của các doanh nghiệp sản xuất trong các CCN, kéo theo đó là sự gia tăng của các chất thải rắn nguy hại. Bên cạnh đó việc xử lý rác thải hiện nay thường là chôn lấp, phần nhỏ xử lý bằng thiêu đốt. Nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ và đồng bộ thì cũng là nguồn gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân.

Ô nhiễm không khí ở các CCN mang tính chất cục bộ, tập trung nhiều ở các  CCN cũ, do các nhà máy trong CCN sử dụng công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý khí thải hiệu suất thấp. Tuy nhiên, theo các đánh giá của chuyên gia thì ảnh hưởng của khói thải tử hoạt động công nghiệp đến môi trường không khí của thành phố chỉ chiếm khoảng 20%. Vị trí các cơ sở công nghiệp, cụm công nghiệp TP HCM tập trung nhiều tại một số khu vực trung tâm, ven các quốc lộ 1A, 22, 51,… và các cửa ngõ liên kết thành phố với các tỉnh thành lân cận cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng và tập trung ô nhiễm. Hệ thống cơ sở hạ tầng không theo kịp với sự gia tăng dân số và lượng phương tiện giao thông khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trở nên trầm trọng, gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho cả vùng.

Với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiệm trọng tại các CCN thì sẽ có những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái cũng như sức khỏe của người lao động tại các CCN. Đang lưu ý là vấn đề phát sinh đối với lao động là người khuyết tật. Với nền tảng sức khỏe yến, trong một môi trường ô nhiễm thì người lao động là người khuyết tật sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe như: các bệnh về đường hô hấp, da liễu hoặc nặng hơn có thể mắc các bệnh mãn tính, các bệnh có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Một  vấn đề khác gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường của thành phố đó là việc thiếu các trang thiết bị quan trắc để kết nối, truyền dữ liệu tự động đến cơ quan quản lý môi trường .. Vì vậy, việc đề xuất xây dựng, thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN (trong đó có hạ tầng BVMT) giai đoạn 2021-2025 từ ngân sách Trung ương NSTW phân bổ cho Bộ Công Thương là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục, xử lý các tồn tại nêu trên.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ  VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN

Để tăng cường công tác quản lý về mặt văn bản pháp lý nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng đến môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách quản lý CCN của Trung ương được quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN; Nghị định 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP; Thông tư số 28/2020/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP. Thực hiện quản lý CCN, các địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN, thành lập, mở rộng CCN, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào các CCN theo quy định pháp luật; hầu hết các địa phương đã ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn; một số địa phương ban hành Chương trình riêng hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN do ngân sách địa phương đảm bảo, đa số các địa phương còn lại lồng ghép chính sách hỗ trợ CCN vào chính sách chung của địa phương.

Về quản lý bảo vệ môi trường tại các CCN được quy định chung tại Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 và các Nghị định, Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016  của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường CCN, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,…). Nhận thức rõ được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường đối với CCN, tại Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, đã có quy định về bảo vệ môi trường đối với CCN (Điều 52): quy định CCN phải có hạ tầng bảo vệ môi trường; yêu cầu cụ thể bảo vệ môi trường đối với CCN đang hoạt động; trách nhiệm của Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh đối với công tác bảo vệ môi trường CCN; khuyến khích xã hội hóa, ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng bảo vệ môi trường CCN được thực hiện theo quy định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên địa bàn…

Do đó có thể thấy rằng hệ thống văn bản pháp luật về BVMT hiện nay đã khá đầy đủ, mặc dù vậy công tác BVMT tại đa số các CCN trên toàn quốc và của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu do:

Tình trạng phát triển CCN còn thiếu quy hoạch đồng bộ, nhiều CCN không xác định rõ chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, không xây dựng cơ sở hạ tầng BVMT tối thiểu trước khi chấp thuận cho doanh nghiệp vào đầu tư dẫn tới tình trạng cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, không hấp dẫn các nhà đầu tư và gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu ô nhiễm tại đây là hoàn thiện các cơ sở hạ tầng của cụm công nghiệp đầu tư các hệ thống để quản lý và xử lý tập trung nhằm góp phần cải thiện tốt môi trường không khí cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Các địa phương, chủ đầu tư hạ tầng CCN mặc dù nhận thức rõ các vấn đề đối với môi trường, tuy nhiên do việc đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường CCN khá tốn kém, hiệu quả kinh tế mang lại cho chủ đầu tư không cao  nên các chủ đầu tư thường phải rất cân nhắc, thiếu quan tâm chú trọng.

Các cấp chính quyền chưa quan tâm đến môi trường sống, sức khỏe của người lao động, đặc biệt là đối với những lao động là người khuyết tật. Chủ doanh nghiệp thờ ơ, chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên vấn đề về sức khỏe.

Ý thức chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường đối với CCN của chủ đầu tư hạ tầng CCN và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại đa số các CCN chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các chủ đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có năng lực tài chính thấp, thiếu am hiểu, nắm rõ quy định về môi trường nên việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý rác thải, nước thải chưa theo quy định.

Bộ máy quản lý CCN từ cấp Trung ương đến địa phương quy định đầy đủ, tuy nhiên công tác quản lý môi trường đối với CCN đôi khi chưa rõ; việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý môi trường tại các CCN chưa thường xuyên, chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe tới các chủ đầu tư, doanh nghiệp.

NỘI DUNG CÁC KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT

Để tiếp tục đầu tư phát triển CCN hiệu quả, bền vững, một số giải pháp về quản lý môi trường đối với CCN trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được đề xuất như sau:

Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý, phát triển CCN, quản lý môi trường và công tác thanh tra, kiểm tra đối với các CCN cho phù hợp với tình hình thực tế, quy định pháp luật.

Chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường CCN. Tiếp nhận các dự án đầu tư vào CCN cần đảm bảo thống nhất quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt nhằm đảm bảo tính pháp lý và khoa học trong việc phân khu sản xuất để kiểm soát các vấn đề môi trường phát sinh trong hoạt động. Không tiếp nhận thêm các dự án đầu tư vào CCN trong trường hợp chưa hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật chung của CCN theo quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường tại các CCN, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với CCN, sát thực tế. Rà soát, ban hành Danh mục ngành nghề có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường để cấm, hạn chế đầu tư vào các CCN; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với CCN làm cơ sở pháp lý để quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường CCN. Đặc biệt, quan tâm đến vẫn đề bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là người khuyết tật.

Hỗ trợ, khuyến khích, động viên các chủ đầu tư đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các CCN bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từng giai đoạn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Tăng cường phổ biến, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý CCN, nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong CCN; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại các CCN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các CCN ở các địa phương; xử lý nghiêm các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường tại các CCN.

Một giải pháp hiệu quả khác giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đó là lập kế hoạch quản lý môi trường ngành. Từng lĩnh vực ngành công nghiệp khác nhau có những đặc trưng gây ô nhiễm khác nhau do đó cần phải chuẩn bị các kế hoạch môi trường có chu kì và cách tiếp cận quản lý ô nhiễm tổng hợp.

Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch chung đô thị của thành phố, đặc biệt là quy hoạch giao thông đô thị. Tập trung kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải gây ô nhiễm đối với các cụm công nghiệp nói riêng và các nhà máy, xí nghiệp sản xuất nói chung.

Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí, quan trắc môi trường nước tự động cố định.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong CCN cho người lao động cũng là bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Có quy hoạch cụ thể để cho những doanh nghiệp có người lao động là người khuyết tật được làm việc ở một khu vực riêng, ở đó có những điều kiện về bảo vệ môi trường được quản lý chặt chẽ hoặc có những quy định riêng yêu cầu công ty có sử dụng người lao động là người khuyết tật xây dựng phương án xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chặt chẽ kỹ càng để góp phần giữ gìn môi trường trong CCN cũng như sức khỏe của những người khuyết tật.

Song song theo đó, TPHCM cần đổi mới và đẩy mạnh cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động tham gia và vận dụng các sáng kiến, thành quả công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao kỹ thuật, năng suất lao động và hê thống quản lý môi trường, góp phần giảm thiểu chất thải trong sản xuất. Áp dụng một số quy định môi trường quốc tế phù hợp góp phần đổi mới quản lý ô nhiễm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.

KẾT LUẬN

Để công tác bảo vệ môi trường tại các CCN tốt nhằm giảm thiểu ảnh hưởng ra môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí  Minh, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý, phát triển CCN, quản lý môi trường và công tác thanh tra, kiểm tra đối với các CCN cho phù hợp với tình hình thực tế, quy định pháp luật. Rà soát số lượng người lao động, phân loại từng đối tượng để có những chính sách cụ thể phù hợp. Đặc biệt chú trọng với những đối tượng yếu thế: người nghèo, người khuyết tật ….  Không tiếp nhận thêm các dự án đầu tư vào CCN trong trường hợp chưa hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật chung của CCN theo quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Các cơ quan quản lý cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với CCN làm cơ sở pháp lý để quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường CCN. Tổ chức thực hiện các Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từng giai đoạn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường để các tỉnh thành có cơ sở vận dụng.

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các CCN ở các địa phương; xử lý nghiêm các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường tại các CCN giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường thành phố từ các cụm công nghiệp gây ra.

Trên đây là một số nội dung về môi trường tại các CCN, thực trạng và giải pháp để giải quyết những vấn đề cấp bách góp phần xử lý môi trường tại thành phố Hồ Chí Minh./.

Nông Việt Hùng; Nguyễn Thị Thu Hương; Nông Việt Trung – Viện Công nghiệp Môi Trường, Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam

Nguyễn Hồng Thái – Viện Kinh tế Công nghệ Việt Nam

Nguyễn Thị Hoa – Cục Công thương Địa phương – Bộ Công Thương

Nguyễn Phương Đông – Khoa môi trường – Trường Đại học Mỏ Địa chất

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN;

2. Nghị định 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP;

3. Thông tư số 28/2020/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP

4. Theo số liệu của Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương tổng hợp từ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong cả nước; năm 2020;

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo môi trường quốc gia 2017. Chuyên đề: Quản lý chất thải.

Cùng một số tài liệu tham khảo khác./.

Bài viết liên quan

Picture1

SỐ HÓA, CHUYỂN ĐỔI SỐ – CƠ HỘI ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI

Picture4

MobiEdu nâng tầm công nghệ mở rộng quy mô, hỗ trợ giảng dạy thông minh

securitybanking2-15787126602111762582207-crop-1578712665780534276090-1712514910683607060654

Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Anh 1 VTT-Globus

TV360 BẮT TAY GLOBUS ACCESS PHÁT TRIỂN TV360 TẠI THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Anh 2 ky Radware 2 (1)

VIETTEL THAM GIA HỆ THỐNG GIÁM SÁT TOÀN CẦU VỀ AN NINH MẠNG RADWARE

Anh 1 (1)

VIETTEL LÀ NHÀ KHAI THÁC VIỆT NAM DUY NHẤT THAM GIA SÁNG KIẾN CỔNG MỞ CỦA HIỆP HỘI DI ĐỘNG TOÀN CẦU

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang