Sáng ngày 28/11/2024, tại Khách sạn Công Đoàn (14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12 và họp thảo luận đề cương Chiến lược phát triển Liên hiệp hội giai đoạn 2.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội; Thạc sĩ Đinh Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành VFD; bà Chử Thị Thanh Hương – Chủ tịch Hội Cha Mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC), cùng nhiều lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành và tổ chức CRS.
Phát biểu khai mạc, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Ngày Quốc tế Người khuyết tật trong việc thúc đẩy nhận thức và hỗ trợ cộng đồng này. Bà chia sẻ: “Liên Hợp Quốc đã chọn năm 1981 là Năm Quốc tế về Người khuyết tật và từ năm 1992, ngày 3-12 chính thức được công nhận là Ngày Quốc tế Người khuyết tật, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề của người khuyết tật, cũng như huy động sự hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền lợi và phúc lợi của họ.” Bà cũng khẳng định Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng, từ việc chọn năm 1981 là năm Quốc tế đầu tiên về người khuyết tật, đến ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010 và các chương trình hành động quốc gia như Quyết định 622/QĐ-TTg năm 2017 hay Chỉ thị 39-CT/TW năm 2019. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước mà còn tạo nền tảng vững chắc để người khuyết tật hòa nhập và phát triển bền vững trong xã hội.
Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ.
Bà cũng nhấn mạnh sứ mệnh của Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) trong việc tập hợp các tổ chức vì người khuyết tật trên cả nước: “VFD không ngừng phấn đấu để trở thành cầu nối giữa người khuyết tật và các tổ chức quốc tế, góp phần xây dựng một môi trường sống bình đẳng, hòa nhập và hạnh phúc cho người khuyết tật. Thông điệp của Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay – Nâng cao vai trò lãnh đạo của người khuyết tật vì một tương lai toàn diện và bền vững – chính là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục nỗ lực phát triển vì hạnh phúc và quyền lợi của người khuyết tật.”
Ông Phạm Quang Khoát – Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, cũng đã có bài phát biểu chào mừng đầy cảm xúc
Ông Phạm Quang Khoát – Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra buổi thảo luận đề cương Chiến lược phát triển VFD giai đoạn 2 (2025–2030), với tầm nhìn đến năm 2035. Cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia, trong đó TS. Phạm Tiến Dũng – Chuyên gia về Chiến lược Phát triển Tổ chức, trình bày bản dự thảo chiến lược với các nội dung chính, gồm: sứ mệnh, giá trị cốt lõi, các mục tiêu chiến lược, giải pháp thực hiện và kế hoạch cụ thể cho năm 2025.
Dũng nhấn mạnh: “Chiến lược giai đoạn 2 sẽ tập trung vào việc nâng cao vai trò lãnh đạo của người khuyết tật, phát triển mạng lưới liên kết và thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhằm đảm bảo sự hòa nhập và hạnh phúc bền vững cho cộng đồng người khuyết tật.”
Các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện Chiến lược phát triển của VFD.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hòa – Ủy viên BCH Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam Mông Cổ, Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt cũng đóng góp ý kiến và gửi đến chương trình những phần quà ý nghĩa từ doanh nghiệp của mình. Đồng thời, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Dược phẩm HiLaPhar cũng gửi tặng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu.
Cuộc họp là dịp để lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các thành viên và đại biểu tham dự, góp phần hoàn thiện chiến lược phát triển của Liên hiệp hội, hướng tới một tương lai toàn diện và bền vững cho cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam./.
Tác giả: Phương Linh