Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới 15/11 – 15/12 hàng năm nhằm tạo một chiến dịch truyền thông cao điểm về phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Những “khoảng trống” bất bình đẳng
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Trước hết, cần hiểu rõ Bình đẳng giới không phải là hoán đổi vai trò, vị trí của phụ nữ sang nam giới và ngược lại hay là tỷ lệ 50:50 trong mọi lĩnh vực.
Bà Hà Thị Quỳnh Anh chia sẻ các vấn đề về bình đẳng giới.
Tạo cơ hội như nhau cho nam giới và nữ giới ngay từ lúc còn là trẻ em. Tạo điều kiện cho phụ nữ bù đắp những khoảng trống bất lợi do đặc điểm giới tính, và quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ trong thực tế.
Phụ nữ nhận lương thấp hơn 12,6% so với nam giới cùng trình độ, dân tộc, độ tuổi. Thu nhập theo giới còn chênh lệch hơn do 66% việc làm là không được trả lương. Năm 2015, gần 52% lao động nông nghiệp là nữ; 48% là nam; 55 phụ nữ tự làm phi nông nghiệp là nữ, so với 45% là nam.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH và Action AID năm 2017, thời gian làm việc chăm sóc không lương của nam giới là 169 phút/ngày, của phụ nữ là 274 phút/ngày (162%).
Tại Việt Nam, 71,44% nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em gái. Phần lớn đối tượng có hành vi bạo lực chính là người chồng trong gia đình đó. Cứ 3 phụ nữ, thì có 1 nạn nhân bị chồng bạo lực về thể xác hoặc tình dục.
Đặc biệt là bạo lực do chồng cao gấp 3 lần so với do một người khác gây ra. Tuy nhiên đa số các nạn nhân vẫn chọn giải pháp im lặng. 50% chưa từng nói với ai về tình trạng của mình. 87% chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Xóa bỏ quan niệm truyền thống cứng nhắc
Chia sẻ kết quả nghiên cứu của UNFA về bạo lực đối với phụ nữ, bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia về với và nhân quyền của UNFPA, cho biết, bạo lực trên cơ sở giới xảy ra rất đa dạng, thậm chí trong suốt vòng đời của người phụ nữ.
Hiện nay, vị thế, vai trò người phụ nữ ở nước ta ngày càng được nâng cao và có thêm rất nhiều phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ, năng lực, đạo đức con người mới.
Việc hoàn thiện pháp luật, chính sách của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực của chính bản thân phụ nữ đã mang lại những kết quả tích cực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, những thành tựu đó vẫn chưa thực sự bền vững. Những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của nam giới – phụ nữ tồn tại dai dẳng như một thách thức, trở ngại lớn trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới 15/11 – 15/12 hàng năm, nhằm tạo một chiến dịch truyền thông cao điểm, với nhiều hoạt động đa dạng, đồng bộ, huy động sự tham gia, phối hợp của các ngành, các cấp, cùng hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới.
Đây cũng là những hoạt động tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa và tìm kiếm sự trợ giúp. Nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, giảm tình trạng phân biệt đối xử về giới, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Theo Anh Quang/ giaoducthoidai.vn