Chuyện đôi vợ chồng khuyết tật mưu sinh ở Phố Ràng

(DHVO). Hai năm trở lại đây, ở khu chợ tạm phố Ràng (huyện Bảo Yên, Lào Cai) xuất hiện một đôi vợ chồng chở nhau trên chiếc xe 3 bánh tự chế. Người chồng thì liệt đôi chân, người vợ thì thân hình quặt quẹo,  chân tay co quắp, giọng nói thì câu được, câu chăng. Họ chở theo cả xe rau, củ quả chất vượt đầu, gánh theo cả những giọt mồ hôi, những lo toan, cực nhọc…của một kiếp người.

Đào Khương Duy bán hàng ở chợ tạm, phố Ràng.

Người chồng là Đào Khương Duy sinh năm 1988, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Gia cảnh khó khăn, từ nhỏ Duy đi học đã phải làm thêm phụ bố mẹ. Năm 2004, trong lúc đi làm chẳng may gặp sự cố, chân bị bong gân, trầy mắt cá chân, hôm sau bị sốt cao phải nhập viện. Bác sỹ bấy giờ chuẩn đoán là bị nhiễm trùng uốn ván và điều trị kháng sinh nặng. Nhưng không may, cơ thể Duy phản ứng kháng sinh, dẫn đến toàn thân bị liệt, mất hết nhận thức. Gia đình chuyển từ viện tỉnh lên Việt Đức, nhưng các bác sỹ đều lắc đầu vì phản ứng kháng sinh quá nặng, không thể cứu chữa được, sự sống cũng quá mong manh, gia đình cứ chuẩn bị tinh thần.

Gia đình đành chấp nhận đưa Duy về cầu cứu các thầy thuốc nam, may sao giữ được sinh mạng.  Nhưng suốt 8 năm, sống thực vật và thân thể liệt đến còm cõi ấy chỉ ăn ngủ trên một chiếc giường, tưởng rằng bầu trời chỉ được ngắm qua khe cửa trong vô thức. Gia đình nghèo khó, chạy vạy  chữa bệnh cho con suốt 8 năm cũng kiệt quệ cả về kinh tế lẫn tinh thần…

Đến năm 2012, Duy mới bắt đầu nhận thức được và bật khóc vì mình mà bố mẹ lăn lộn, vất vả chạy vạy suốt 8 năm. Bằng sự quyết tâm và nghị lực phải sống, phải ngồi dậy, Duy đã tự phục hồi chức năng ở nhà và rèn luyện đôi tay, đôi chân đến khi có thể cử động được…Năm 2015, sau 3 năm kiên trì tập luyện đến khi đôi tay có thể cử động cầm, nắm được; Còn đôi chân vĩnh viễn không thể phục hồi lại được. Nhưng sau đó, Duy có thể ngồi được trên xe lăn, đó thật sự là kỳ tích đối với gia đình cũng như các bác sỹ điều trị lúc đó.

Với khát khao được sống, được ra ngoài, được nói chuyện, được có bạn bè…Duy đã tự vận động đôi tay di chuyển bánh xe lăn nặng nhọc ra khỏi nhà. Đó cũng là năm Duy tìm được người bạn tâm đầu ý hợp cùng cảnh ngộ trên mạng facebook, là Đinh Thu Giang, sinh năm 1994 ở Soi Bầu, thị trấn phố Ràng, Bảo Yên.

Giang bị khuyết tật bẩm sinh, cơ thể lúc mới sinh ra đã quặt quẹo, chân tay co quắp, lên 7 tuổi mới tự bước đi và nói được, nhưng cho đến nay, giọng nói vẫn câu được, câu chăng… Hai con người không lành lặn ấy, họ tìm đến nhau, đồng cảm và sẻ chia những bất hạnh trong cuộc đời. Nhưng hai cả Duy và Giang đều bị gia đình hai bên phản đối. Bên nhà Duy thì nói : “ Đã ngồi trên xe lăn, còn rước đứa khuyết tật về thì sống sao nổi..”. Còn bố mẹ Giang thì một mực phản đối, cho rằng: con gái mình đã chân tay đã yếu, lấy về lại phải chăm sóc người tàn tật thì khổ cả một đời…

Đinh Thu Giang.

Thế rồi, cả Duy và Giang đều quyết tâm đến với nhau. Họ lên kế hoạch bỏ trốn, tay đùm, tay nắm họ dắt díu nhau xuống Hà Nội để lập nghiệp. Được ít thời gian, thì Giang có bầu, hai người lại lập cập trở về kể rõ chuyện và xin phép hai bên cho cưới. Thương con, thương cả hai mảnh đời bất hạnh cố đến với nhau, hai bên gia đình cũng đồng ý tổ chức cưới và tạo điều kiện cho con cái mình làm ăn…

Đám cưới của Đào Khương Duy và Đinh Thu Giang ở Bảo Yên, Lào Cai.

Tháng 9, năm 2016, hai vợ chồng đón đứa con trai đầu lòng bụ bẫm, khỏe mạnh, ai cũng mừng cho hai vợ chồng. Nhưng cuộc sống của hai vợ chồng tàn tật có thêm con, càng trở lên khó khăn hơn. Cả hai không muốn dựa dẫm mãi vào bố mẹ, nên xin ra ở riêng. Với số vốn ít ỏi sau khi cưới, hai vợ chồng vừa chăm con vừa chăn nuôi. Vì chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, nên đổ vốn vào đàn vịt, gà, ngan, ngỗng, dê, thỏ…đều thất bại. Có hôm nửa đêm con khóc, sữa không có, tiền thì hết, hai vợ chồng lau nước mắt, ôm nhau tự nhủ phải cố gắng làm lại.

Sau này, hai vợ chồng cũng tìm được góc chợ tạm ở phố Ràng để bán rau củ quả, kiếm kế sinh nhai. Ban đầu chợ búa chưa quen, có người hỏi mua, thì vợ lắp bắp, mãi không nói lên lời, họ tức, mắng thẳng mặt “ Đã nói không ra lời, thì bán hàng làm gì..”. Chồng thì ngồi xe lăn, không lấy hàng được, có hôm cố với quả bí cho khách thì bị ngã lộn nhào… Mới đầu, không mấy ai có thiện cảm với đôi vợ chồng “kỳ quái” này, nhưng lâu dần, mọi người lại thương cảm và ủng hộ nhiều hơn. Người dân ở đây, đã quá quen thuộc với hình ảnh người chồng ngồi trên xe lăn đon đả mời khách, còn người vợ đôi tay co quắp bày biện hàng ra bán.

Anh Duy trên chiếc xe tự chế.

Ngày mới của họ bắt đầu từ 4h30 sáng trên chiếc xe 3 bánh tự chế, đi lấy hàng, rồi hai vợ chồng với đống rau quả chất cao vút đầu ra chợ tạm, phố Ràng ngồi bán. Khi họ về, cũng là lúc phố đã lên đèn, mới bắt đầu đón con, tắm giặt và cơm nước. Có hôm mưa gió, không bán hàng được, họ lại ngồi xót xa, ngẫm về cuộc đời, ngẫm về tương lai của con trai mà tự nhủ phải cố gắng vì con cái.

Niềm vui của chị Giang được chăm sóc chồng

Bé Đào Trọng Tuấn 3 tuổi- con của Duy – Giang.

“ Những chỗ bị loét trên tay chân ngày trước vẫn bị đau nhức, chảy nước suốt mười mấy năm qua, lại cộng thêm cả sỏi thận nhưng không có tiền chạy chữa. Còn vợ thì di chứng lúc nhỏ đi không vững, bị ngã đập đầu xuống sàn, nên giờ cứ trở trời lại đau ốm. Nhưng bù lại, con trai giờ được 3 tuổi ngoan ngoãn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn… Có lẽ vì nó sinh ra trong khó khăn, cũng đã biết thương bố mẹ, nên chẳng bao giờ đòi hỏi bố mẹ sữa hay đồ chơi giống như con người ta. Cuộc sống tuy đầy rẫy những khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng mình sẽ cố gắng vì con cái. Đó là niềm vui và là động lực lớn nhất của vợ chồng mình…”- Duy tâm sự.

Cuộc sống mưu sinh chợ búa hàng ngày đối với người bình thường đã là vất vả, nhưng đối với vợ chồng khuyết tật còn cơ cực, khó nhọc hơn. Nhưng hai con người không lành lặn ấy, hai cơ thể khiếm khuyết ấy lại quyết tâm xây dựng một hạnh phúc tròn. Sau một ngày vất vả chợ búa, họ lại trở về nhà cùng chăm sóc nhau, cùng san sẻ những công việc sinh hoạt giản dị đời thường. Và họ chỉ có một mong muốn bình dị: có sức khỏe, buôn rau củ đắt hàng và lo cho con ăn học đầy đủ. Có lẽ trong giấc mơ của họ, không phải nhà lầu xe hơi, mà là cả nhà được đi chơi phố trên chiếc xe 3 bánh tự chế, cải thiện được một bữa ăn ngon và sắm cho con được bộ quần áo mới./.

Trang Nhung.

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang