Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(ĐHVO). Đến năm 2030, tỉnh Nam Định sẽ có 26 đô thị; sáp nhập huyện Mỹ Lộc, xây dựng phát triển thành phố Nam Định là đô thị loại I thuộc tỉnh; sẽ có 1 bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 1000 giường; xây dựng 02 cơ sở giáo dục hoà nhập.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tỉnh Nam Định có diện tích tự nhiên 1.668,8 km2 với 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 01 thành phố (thành phố Nam Định) cùng 09 huyện (Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu) và phần không gian biển. Nam Định có vị chí địa giới hành chính thuận lợi, phía Bắc giáp tỉnh Thái Bình; Phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình; Phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Hà Nam; Phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ.

Để phát huy hiểu quả tiềm năng lợi thế vốn có của tỉnh, ngày 28/12/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các phương án, giải pháp cụ thể như sau:

Đối với phương án quy hoạch hệ thống đô thị: Tỉnh Nam Định cần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng (khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu du lịch; khu nghiên cứu đào tạo; khu thể dục thể thao,…). Quy hoạch nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đảm bảo đủ tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường theo quy định của pháp luật.

Phấn đấu đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Nam Định có 26 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45-50% cụ thể:

Quy hoạch sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định, sau sáp nhập, thành phố Nam Định sẽ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Quy hoạch phát triển 09 đô thị loại IV gồm các thị trấn: Thịnh Long, Yên Định – huyện Hải Hậu; Rạng Đông – huyện Nghĩa Hưng, Quất Lâm, Giao Thủy – huyện Giao Thủy; Xuân Trường – huyện Xuân Trường; Cổ Lễ – huyện Trực Ninh; Lâm – huyện Ý Yên; Gôi – huyện Vụ Bản.

Quy hoạch phát triển 16 đô thị loại V, gồm 06 đô thị hiện hữu là: Nam Giang – huyện Nam Trực; Quỹ Nhất – huyện Nghĩa Hưng; Cồn – huyện Hải Hậu; Cát Thành, Ninh Cường – huyện Trực Ninh; Liễu Đề – huyện Nghĩa Hưng.

Quy hoạch thành lập mới 10 đô thị: Khu vực 4 xã huyện Ý Yên; Hồng Ngọc – huyện Xuân Trường; Bo – huyện Ý Yên; Nghĩa Minh – huyện Nghĩa Hưng; Đại Đồng – huyện Giao Thủy; Trung Thành – huyện Vụ Bản; Đồng Sơn – huyện Nam Trực; Trực Nội – huyện Trực Ninh; Hải Phú, Hải Đông – huyện Hải Hậu.

Quy hoạch phát triển, xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thành phố Nam Định là đô thị loại I thuộc tỉnh, Trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của tỉnh Nam Định và định hướng phát triển thành Trung tâm của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở y tế của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 30 cơ sở khám chữa bệnh các cấp trong đó: Tuyến tỉnh có 01 bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 1000 giường bệnh; 01 bệnh viện đa khoa khu vực có quy mô 150 giường bệnh; 10 bệnh viện chuyên khoa. Tuyến huyện sẽ có 9 trung tâm y tế huyện, 01 bệnh viện đa khoa huyện; mỗi xã có ít nhất 01 trạm y tế. Có 01 bệnh viện ngành công an; 06 bệnh viện ngoài công lập. Hạ tầng cở sở, hạ tầng y tế được đầu tư dịch vụ chất lượng cao; khuyến khích phát triển các cơ sở y tế tư nhân đảm bảo theo quy định. Hình thành các trung tâm dưỡng lão, nhà dưỡng lão tại thành phố Nam Định và các huyện

Đối với phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp: phát triển mạng lưới hệ thống hạ tầng giáo dục được bố trí đáp ứng nhu cầu của xã hội theo hướng ổn định số lượng các trường công lập; khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập trường ngoài công lập, trên cơ sở ưu tiên các khu vực tập trung đông dân cư (Đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế …). Đến năm 2030 có ít nhất 257 trường mầm non, 240 trường tiểu học, 230 trường trung học cơ sở, 60 trường trung học phổ thông. Khuyến khích phát triển các trường quốc tế, liên cấp tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục duy trì, củng cố các trung tâm giáo dục thường xuyên, gồm 01 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh; 09 trung tâm giáo nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (mỗi huyện, thành phố có tối thiểu 01 trung tâm); 01 trung tâm kỹ thuật thực hành doanh nghiệp. Đến năm 2030 nghiên cứu xây dựng 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tại thành phố Nam Định và 01 cơ sở giáo dục hoà nhập tại khu vực huyện Giao Thủy.

Tiếp tục củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với ít nhất 30 cơ sở (tăng 03 cơ sở ngoài công lập theo cơ chế xã hội hóa), trong đó có 08 trường cao đẳng; 05 trường trung cấp; 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động 04 trường đại học trên địa bàn tỉnh (trường đại học điều dưỡng Nam Định; trường đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định; trường đại học kinh tế – kỹ thuật công nghiệp; trường đại học Lương Thế Vinh). Thu hút các trường đại học lớn về đầu tư cơ sở tại khu nghiên cứu, đào tạo của tỉnh.

Phương án phát triển hạ tầng bảo trợ xã hội (cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; cơ sở trợ giúp xã hội)

Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới các sơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Đến năm 2030, duy trì 01 cơ sở cai nghiện tại thị trấn Xuân Trường; 01 cơ sở điều dưỡng người có công; 01 Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tại thành phố Nam Định và 03 văn phòng đại diện tại huyện Xuân Trường, huyện Ý Yên và huyện Nghĩa Hưng.

Trần Hồng

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top