Từ ngày 01/01/2016 khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực thì công dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp căn cước công dân (CCCD) 12 số thay cho chứng minh nhân dân 9 số, 12 số này đươc coi là mã số định danh của mỗi người.
Căn cước công dân thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân, được sử dụng như chứng minh nhân dân, có giá trị thay thế chứng minh nhân dân và thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Thời hạn phải cấp đổi của chứng minh nhân dân là 15 năm kể từ ngày cấp, tức là cứ 15 năm người dân sẽ phải thay chứng minh nhân dân 1 lần. Tuy nhiên, khi Luật căn cước công dân ra đời, CCCD được sử dụng thay cho CMND thì thời hạn cũng thay đổi. Theo đó, Thẻ Căn cước công dân được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi và sau 60 tuổi không cần đổi CCCD mới.
Trên thẻ CCCD thể hiện các nội dung:
– Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;
– Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Trước đây, những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển được năng lực hành vi của bản thân bao gồm người bị bệnh, đang điều trị tập trung tại các bệnh viện tâm thần; người không điều trị tập trung nhưng có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận họ bị bệnh không điều khiển được năng lực hành vi ( Khuyết tật thần kinh, tâm thần) thì tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, khi thẻ CCCD ra đời, pháp luật lại cho phép những đối tượng trên được cấp thẻ CCCD nhưng phải có người đại diện theo pháp luật đến cùng làm thủ tục.
Thủ tục cấp thẻ CCCD được quy định tại Điều 22 Luật CCCD năm 2015 như sau:
“1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện như sau:
a) Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;
b) Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định…
c) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;
d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;
đ) Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
2. Trường hợp người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều này”
Việc cấp đổi CCCD được thực hiện tại: cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn (Theo khoản 1, Điều 2, Luật người khuyết tật năm 2012).
Các dạng khuyết tật bao gồm: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Người khuyết tật chiếm đa số là khuyết tật một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, khuyết tật nghe, nói, nhìn, các dạng khuyết tật trên không làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiên hành vi (mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự) mà chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Riêng đối với người khuyết tật thần kinh, tâm thần: “Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường”. Nếu người bị khuyết tật thần kinh, tâm thần ở mức độ nặng được cơ quan giám định ra quyết định hoặc bị Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được coi là mất năng lực hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này, khi đi làm thẻ CCCD bắt buộc phải có người đại diện hợp pháp đi cùng đễ hỗ trợ thực hiện thủ tục.
Ngoài ra, việc người khuyết tật bị mất ngón tay, bàn tay thậm chí mất cả cánh tay gây khó khăn trong việc không thể lấy dấu vân tay để làm căn cước công dân ( lấy vân tay hai ngón trỏ) – điều kiện bắt buộc khi làm CCCD. Tuy nhiên, pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền vẫn cho phép cấp CCCD đối với những đối tượng trên và xác định trong trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.
Công an đang tiến hành việc cấp căn cước công dân tại nhà cho người già, người khuyết tật (Ảnh: Internet)
Một số địa phương còn thực hiện công tác làm thủ tục cấp CCCD tại nhà cho người già, người bệnh và người khuyết tật không thể đi lại được. Đây là việc làm hết sức thiết thực, ý nghĩa được chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Vì vậy, chúng ta có thể thấy, pháp luật luôn bảo đảm quyền cho người khuyết tật. Dù họ có những khó khăn nhất định nhưng họ vẫn không bị hạn chế trong việc xin cấp CCCD, luôn được nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ.
Công Năng