Thái Nguyên: Công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023

(ĐHVO). Ngày 29-6, Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên tổ chức họp báo công bố số liệu về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023. Tham dự có đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan.


Quang cảnh Buổi họp báo

6 tháng đầu năm, mặc dù chưa có sự bứt phá nhưng tỉnh cũng đạt được những kết quả khá tích cực, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.


Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Công bố kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh tại buổi họp báo

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 5,17% so với cùng kỳ (mục tiêu cả năm là 8%); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt xấp xỉ 405 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% kế hoạch năm; tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 20,92 tỷ USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ (riêng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 13,3 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ và bằng 37,9% kế hoạch năm); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 8.273 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch năm và tương đương 87% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại – dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.102 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ và bằng 51,3% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 33.468,5 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ, bằng 52,3% kế hoạch năm.

Tình hình xã hội, đời sống của người dân cơ bản ổn định; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; hoạt động giáo dục được triển khai theo đúng kế hoạch. Kết quả đạt được của một số ngành, các lĩnh vực ước tính 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,17% so với cùng kỳ, mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2022 nhưng đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh sản xuất công nghiệp của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn do xuất khẩu giảm sút.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đã được ngành chức năng và các địa phương chỉ đạo sản xuất theo đúng kế hoạch; điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, sản lượng gỗ khai thác, sản lượng thuỷ sản tăng so với cùng kỳ nên nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì được đà đà tăng trưởng ổn định.

3. Sản xuất công nghiệp của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong 6 tháng đầu năm 2023 gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào, năng lượng vẫn ở mức cao, tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp; trong khi đó giá trị xuất khẩu hàng hóa nhiều tháng liên tiếp giảm sâu so với cùng kỳ do cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới giảm, đặc biệt các nước là thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn của tỉnh ta như Mỹ, EU…

4. Tiếp nối đà phục hồi và phát triển của năm 2022, các hoạt động thương mại và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2023 có sự phát triển mạnh mẽ, đạt quy mô và tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, kể cả so với các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023, nhất là trong bối cảnh sản xuất công nghiệp đang gặp khó khăn như hiện nay.

5. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng lúc phải chịu ảnh hưởng từ việc đơn hàng bị cắt giảm, thiếu vốn, việc tiếp cận vốn gặp khó khăn, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao… nên giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh liên tục giảm sâu so với cùng kỳ tính từ tháng 3/2023 đến nay nên tính chung 6 tháng đầu năm 2023 tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh giảm sâu so với cùng kỳ.

6. Tính đến 20/6/2023 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn 18,1% so với số doanh nghiệp gia nhập thị trường; bên cạnh đó, số vốn bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm 38,3% so với cùng kỳ cho thấy các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, kết quả kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp chưa mấy lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2023.

7. Công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đáp ứng kịp thời kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh.

8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 nói riêng và 6 tháng đầu năm 2023 chịu tác động của các yếu tố như: Nhà nước điều chỉnh giá xăng, dầu theo biến động của giá thế giới; giá điện sinh hoạt tăng; giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và đồ dùng gia đình biến động theo mùa vụ; tuy nhiên do thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường cùng với việc thực hiện giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 nên lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, bảo đảm đời sống của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

9. Với nỗ lực đầu tư mở mới, nâng cấp hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội trên địa bàn tỉnh, từng bước hoàn thiện và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Thái Nguyên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.

2. Mặc dù tăng trưởng kinh tế không bằng cùng kỳ năm trước và vẫn còn tình trạng cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp nhưng số lượng lao động bị cắt giảm hợp đồng giảm mạnh và thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát; cùng với đó, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư thực hiện.

3. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trong 6 tháng đầu năm 2023 được tổ chức sôi nổi, gắn với các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện của địa phương… góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, tạo các điểm nhấn về du lịch, thể thao.

4. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe người dân tiếp tục được quan tâm theo hướng nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ y tế và các hoạt động chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh; các dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát tốt.

5. Ngành giáo dục đã triển khai thực hiện khung kế hoạch năm học của từng cấp học; chuẩn bị các điều kiện cho công tác tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (THPT) năm 2023 theo đúng kế hoạch.

6. Tai nạn giao thông tháng 6/2023 tăng cả trên 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ; tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

7. Thiên tai; cháy, nổ và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương trong tỉnh.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh đã giải đáp một số vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm, như: Những tác động ảnh hưởng đến số thu ngân sách cũng như giá trị xuất khẩu của tỉnh; kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm được ngành Thống kê tham mưu với tỉnh và dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2023 cũng như nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay sau khi Cục Thống kê các tỉnh, thành phố tổ chức họp báo, sáng cùng ngày, Tổng cục Thống kê cũng đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình KT-XH của cả nước 6 tháng đầu năm 2023.

Đỗ Thị Thìn

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top