(ĐHVO). Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021 đang đến gần các thành viên trong lớp cao cấp Lý luận Chính trị K71-A21 tổ chức buổi giao lưu thực tế tại huyện Định Hoá, tỉnhThái Nguyên. Đồng thời, nhân buổi thực tế đoàn tổ chức trao quà thiện nguyện cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Lớp cao cấp Chính trị K71-A21 chụp ảnh kỷ niệm chuyến đi thực tế
Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh – cái nôi đào tạo ra những cán bộ quản lý, lãnh đạo cao cấp, cán bộ lãnh đạo khoa học chính trị của hệ thống chính trị. Tháng 9/1949 Học viện Chính trị Quốc Gia được thành lập theo Nghị quyết 52/NQ-TW của trung ương chính thức mang tên Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Ngôi trường được đặt tại một vùng miền núi trên địa bàn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Mục đích chuyến đi cũng là để giúp các thành viên trong lớp K71-A21 được tham quan, tìm hiểu biết thêm được những kiến thức bổ ích về nơi cội nguồn đầu tiên của ngôi trường mình đang theo học. Đó cũng là lý do để Đoàn chúng tôi có được buổi giao lưu ngày hôm nay.
Trường Nguyễn Ái Quốc tên gọi đầu tiên của Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh ngày nay
Lễ dâng hương tưởng niệm của Lớp cao cấp Chính trị K71-A21
Lễ dâng hương tưởng niệm của Lớp cao cấp Chính trị K71-A21
Trường Nguyễn Ái Quốc (tiền thân của Học viện chính trị Quốc gia) nay thuộc xã Bình Thành nằm ở phía Nam của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây được xem là cửa ngõ của huyện có đường xe ngựa chạy qua để mở thông từ Thái Nguyên qua Hùng Sơn, Phú Minh (Đại Từ) lên Chợ Chu để thực dân Pháp thông hàng hóa, vơ vét tài nguyên của nhân dân ta trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Từ khi được phát triển lên thành trường đào tạo huấn luyện cán bộ chính trị trường Nguyễn Ái Quốc đã trở thành nơi đào tạo nòng cốt nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đảng, Nhà nước.
Công trình kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, mặc dù gặp không ít những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện nhưng thầy trò trường Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục được hết những khó khăn ấy để phát triển, xây dựng nên Học Viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh được như ngày hôm nay. Có thể nói nơi đây là một dấu ấn không thể nào quên đối với những ai đã từng gắn bó, học tập và rèn luyện khi nó đã chứng kiến vô vàn những mất mát, hy sinh và cả những trận chiến lẫy lừng làm rạng danh đất nước. Để sau khi chiến tranh đi qua chính nơi này lại đào tạo ra lớp lớp những thế hệ hiền tài cho đất nước, cho dân tộc. Cái vẻ đẹp hoang sơ của Khu di tích sau bao nhiêu năm mà vẫn giữ lại những nét cổ kính, linh thiêng đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong buổi tham quan chúng tôi còn được thưởng thức những nét tinh hoa văn hóa độc đáo của núi rừng nơi đây. Đó là khám phá ẩm thực miền sơn cước với những món ăn đậm đà hương vị nơi đây: gà đồi, măng rừng, cơm lam,…Thêm vào đó là hòa nhập và không gian văn hóa của những lễ hội vùng cao giữa cảnh sắc thiên nhiên đất trời giao thoa vô cùng thơ mộng.
Trong khuôn khổ chuyến thực tế của Đoàn, chúng tôi tổ chức lễ trao quà cho các hộ gia đình cận nghèo, người khuyết tật trong xã Bình Yên, huyện Định Hóa.
Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ lâu đã là một trong những truyền thống vô cùng tốt đẹp của ông cha ta. Với ý nghĩa tiếp tục giữ gìn, kết nối và lan tỏa thêm những yêu thương đến với mọi miền của Tổ quốc hôm nay ngày 22/01/2021 các thành viên lớp cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức chương trình thiện nguyện với chủ đề “Về nguồn thủ đô kháng chiến gửi trao yêu thương” tại thôn Đá Bay, xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Về với xã Bình Yên hôm nay Đoàn thiện nguyện nhận được sự đón tiếp hết sức nhiệt tình của ban đại diện Đoàn xã và Ủy ban nhân dân xã. Bình Yên được biết là một xã thuần nông với trên 80% là làm nông nghiệp lúa nước là chính, ngoài ra có buôn bán nhỏ lẻ hàng hóa tiểu thủ công nghiệp phục vụ cuộc sống hàng ngày. Hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn trên 8% hộ nghèo, trên 10% hộ cận nghèo khó khăn. Được sự nhất trí của Đảng ủy xã Bình Yên, chương trình về nguồn của lớp cao cấp chính trị đã đến và trao tặng 10 suất quà cho các hộ gia đình cận nghèo, chất độc da cam, người khuyết tật trong xã. Những phần quà nhỏ như một lời động viên an ủi bà con vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, đón cái Tết Tân Sửu vui vẻ và ấm áp hơn.
Đại diện Lớp cao cấp Chính trị K71-A21 tặng quà cho bà con xã Bình Yên, Định Hóa, Thái Nguyên
Thay mặt cho giáo viên chủ nhiệm lớp, Ông Ngô Trường Sơn cũng đã phát biểu tại buổi lễ nhằm trao đổi chia sẻ, khích lệ tinh thần người dân đồng thời cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến đại diện ban lãnh đạo xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên về sự đón tiếp nhiệt tình và nồng hậu ngày hôm nay. Bên cạnh đó, Đoàn cũng gửi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm- tấm lòng những mạnh thường quân đã dành những suất quà cho người khuyết tật, hộ cận nghèo vượt khó tại xã Bình Yên.
Thầy giáo chủ nhiệm – Ông Ngô Trường Sơn đại diện phát biểu tại buổi lễ trao quà
Sau buổi lễ trao quà, về phía ban lãnh đạo xã Ông Đào Thế Cảnh- Phó Chủ tịch đại diện giới thiệu cho chúng tôi thăm quan một số di tích lịch sử nổi tiếng của Định Hóa. Được biết mới đây Bình Yên đã được công nhận là một xã Anh hùng năm 2016. Do tích văn hóa Định Yên được xem là thủ đô kháng chiến nơi nhuốm màu thăng trầm của thời gian, nơi chứng kiến biết bao con người đã ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Đây cũng từng là địa điểm được Bác Hồ lựa chọn làm căn cứ đóng quân, cho ra đời nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc. Sau này đó là nơi thành lập nên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đầu tiên của nước ta.
Ông Đào Thế Cảnh- Phó Chủ tịch xã Bình Yên, Định Hóa, Thái Nguyên
Chuyến thiện nguyện kết thúc tốt đẹp và đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm đặc biệt về bà con vùng cao tại thôn Đá Bay, xã Bình Yên mộc mạc giản dị và ấm áp tình người trong lòng mỗi thành viên. Trước khi chia tay chính quyền và toàn thể nhân dân chúng tôi gửi trao cho họ những cái ôm, cái bắt tay đầy thân thương cùng những lời nhắn nhủ và động viên khích lệ: “Cuộc sống phía trước sẽ còn nhiều những khó khăn, vất vả chỉ mong bà con luôn giữ được nụ cười trên môi và tinh thần lạc quan vượt qua khó khăn để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Hẹn gặp Bình Yên vào một ngày không xa và hy vọng đời sống của bà con nơi đây sẽ Bình yên hơn giống như cái tên thân thương được dành cho họ. Thông qua chuyến đi này, chúng tôi cũng nhận ra rằng phài biết trân trọng những gì mình đang có và không ngừng cố gắng phấn đấu để có cơ hội giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh, số phận éo le hơn trong cuộc sống.
Tập thể Lớp cao cấp Chính trị K71-A21 – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Hồng Liên