Tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật hòa nhập

“Kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12), là dịp để chúng ta đồng hành cùng người khuyết tật, chung bước với người khuyết tật với tình cảm, trách nhiệm, tình yêu thương, chia sẻ…”, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam khẳng định, và cho biết số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng.

Tôn trọng các quyền của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật hòa nhập

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Lễ Kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12)

Đồng hành cùng người khuyết tật với trách nhiệm, tình yêu thương và chia sẻ 

Thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, chiều 3/12 Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với các cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm 27 năm Ngày quốc tế người khuyết tật (3.12.1992 – 3.12.2019), và quán triệt Chỉ chị số 39/CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác Người khuyết tật.

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen; cùng đại diện các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, và đông đảo đại diện là các tấm gương người khuyết tật tiêu biểu…

Ngày quốc tế người khuyết tật: Đồng hành, chung bước cùng người khuyết tật với trách nhiệm, tình yêu thương và chia sẻ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc

“Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Ngay từ khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, quyền của người khuyết tật đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013)”, mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cùng với đó, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về người khuyết tật cũng đã tương đối đầy đủ: Luật Người khuyết tật và các Luật chuyên ngành như: Luật Xây dựng, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp,… Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của Người khuyết tật.

Nhấn mạnh việc phê chuẩn Công ước 159 của ILO vào tháng 3/2019 vừa qua về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đã khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; phù hợp Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất.

“Gần đây nhất ngày 1/11/2019, Ban Bí Thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là người khuyết tật. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đến nay, theo Bộ trưởng, số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy…); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng.

Ngày quốc tế người khuyết tật: Đồng hành, chung bước cùng người khuyết tật với trách nhiệm, tình yêu thương và chia sẻ - Ảnh 2.

Đại diện các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, và đông đảo đại diện là các tấm gương người khuyết tật tiêu biểu… tham dự Lễ Kỷ niệm

Người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng

Cùng với đó, hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, được phát triển, số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng; Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố; Các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên.

Người khuyết tật được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân mình cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

“Việc Việt Nam phê chuẩn công ước ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật cũng là một bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật, tiếp tục thực hiện các cam kết tạo ra cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật để không để ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển của kinh tế và thị trường lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tất cả những điều này đã mang lại cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội.

“Tham dự Lễ kỷ niệm ngày hôm nay, có rất nhiều đại biểu là những tấm gương không cam chịu hoàn cảnh của người khuyết tật, vượt qua những rào cản khiếm khuyết thể chất và khó khăn trong cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp”, Bộ trưởng cho biết.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng bày tỏ sự xúc động và cảm phục các tấm gương như bạn Nguyễn Thảo Vân đã bị khuyết tật nặng không đi lại được; bạn Nguyễn Thị Lan Anh mắc bệnh xương thủy tinh; hay bạn Đào Thu Hương, bạn Đỗ Thị Huyền Trang bị khiếm thị từ nhỏ… và hàng triệu người khuyết tật trên cả nước bằng nghị lực phi thường đã miệt mài chinh phục hành trình tri thức theo cách riêng của mình để trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn…

“Tình yêu đối với cuộc đời, cuộc sống này của các bạn chính là niềm cổ vũ, động viên đầy ý nghĩa đối với hàng triệu người khuyết tật, là động lực để nhiều người còn đang mặc cảm tự ti vì hoàn cảnh khuyết tật sẽ can đảm hơn, mạnh dạn hơn bước ra khỏi sự bi quan, hòa nhập với cộng đồng”, Bộ trưởng nói thay thông điệp truyền tải cảm hứng đến đông đảo người khuyết tật tham dự Lễ kỷ niệm.

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với sự đồng lòng của các cấp, các ngành, của cộng đồng nhân dân, các tổ chức trong nước và quốc tế, chúng ta sẽ có tiếng nói chung để đưa ra được những sáng kiến, giải pháp kịp thời, phù hợp để hoạt động trợ giúp người khuyết tật ở Việt Nam được thực hiện một cách hữu hiệu nhất”.

Ngày quốc tế người khuyết tật: Đồng hành, chung bước cùng người khuyết tật với trách nhiệm, tình yêu thương và chia sẻ - Ảnh 3.

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen

Xóa bỏ trở ngại, rào cản người khuyết tật hòa nhập

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến người khuyết tật. Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật vào năm 2014 đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc xóa bỏ những trở ngại, rào cản đối với người khuyết tật.

Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật trợ giúp người khuyết tật ở nước ta từng bước được sửa đổi, bổ sung, tạo thành điểm tựa cho người khuyết tật vươn lên. “Thực tế đã ghi nhận nhiều người khuyết tật tỏa sáng trong đời sống xã hội bằng tâm hồn, trái tim, khối óc, nghị lực và sự cống hiến của bản thân họ”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nói.

Để người khuyết tật phát huy tốt năng lực, sở trường, tích cực, chủ động vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập xã hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu các cơ quan hữu quan tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách trợ giúp người khuyết tật.

Các hoạt động trợ giúp cần chuyển từ ý nghĩa nhân đạo sang nhân văn; tôn trọng các quyền của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật hòa nhập…

Cùng với đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, các ngành, địa phương cần lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật vào chiến lược phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn…

Ngày quốc tế người khuyết tật: Đồng hành, chung bước cùng người khuyết tật với trách nhiệm, tình yêu thương và chia sẻ - Ảnh 4.

Em Đỗ Thị Huyền Trang, chủ nhiệm năm thứ 12 Câu lạc bộ Hoa Đá, trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thay mặt những tấm gương người khuyết tật tiêu biểu tham dự phát biểu tại buổi lễ

Cũng tại lễ kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật, em Đỗ Thị Huyền Trang, chủ nhiệm năm thứ 12 Câu lạc bộ Hoa Đá, trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thay mặt những tấm gương người khuyết tật tiêu biểu tham dự, em cho rằng: “Đảng và Nhà nước đã luôn tạo điều kiện để giúp cho người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, cơ hội tiếp cận giáo dục và việc làm rộng mở hơn. Cụ thể, hàng tháng, những người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội, giúp họ vơi đi phần nào những khó khăn. Việc giáo dục cũng được Nhà nước quan tâm thúc đẩy hơn khi mà những học sinh khuyết tật được giảm hoặc miễn hoàn toàn học phí…”.

“Là một người ngay từ khi sinh ra đã có vấn đề về mắt, là chủ nhiệm của một câu lạo bộ hoạt động hướng tới sự chủ động của người khuyết tật, tôi vô cùng vinh dự khi được đứng ở đây và đề xuất những giải pháp cho những vấn đề mà thanh niên khuyết tật đang phải đối diện. Chủ đề ngày Ngày quốc tế người khuyết tật năm nay “tăng cường sự tham gia và vai trò lãnh đạo của người khuyết tật” cũng chính là mong mỏi của chúng em”, Đỗ Huyền Trang chia sẻ.

Để thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, theo Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam Caitlin Wiesen, người khuyết tật và trẻ em khuyết tật cần được xem như những tác nhân quan trọng tạo sự thay đổi.

Sự tham gia và vai trò lãnh đạo của họ sẽ giúp xóa bỏ định kiến và góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn. “Khi sự không phân biệt đối xử được đặt ở trung tâm, cộng đồng cũng như các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, giáo dục và các nhà cung cấp dịch vụ sẽ thay đổi cách nhìn về người khuyết tật và các vấn đề của người khuyết tật”, bà Caitlin Wiesen nói.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, nước ta hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, bằng 7,06% dân số cả nước.

Đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp giấy xác nhận tình trạng khuyết tật cho hơn 1,5 triệu người; giải quyết chế trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng 1,1 triệu người.

Riêng năm 2019, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các địa phương hơn 17.000 tỉ đồng để thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật…

Theo Thanh Nhung (Ảnh: Mạnh Dũng)/ Baodansinh.vn

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang