Mới đây, nhóm sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã lên ý tưởng nghiên cứu việc chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật bằng việc ứng dụng công nghệ sóng não. Ý tưởng của nhóm bạn trẻ hiện đang nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ mọi người.
Được biết, nhóm bạn trẻ là sinh viên năm cuối ngành Cơ điện tử (Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) gồm Đỗ Xuân Vương, Hoàng Thế Nam và Ngô Quang Tài. Trong quá trình học tập tại trường, 3 nam sinh đã tiến hành nghiên cứu, phát triển một cánh tay robot sử dụng thiết bị đo sóng não để điều khiển các cử chỉ của ngón tay. Khi ấy, người khuyết tật có thể dùng suy nghĩ điều khiển cánh tay robot như cánh tay thật, giúp cho việc sinh hoạt, học tập được dễ dàng.
Nhóm nghiên cứu chế tạo robot Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ảnh báo Hà Nội mới
Ý tưởng được nhóm trao đổi, bàn bạc từ tháng 12/2019 nhưng phải đến tháng 4 năm nay nhóm mới có đủ thiết bị để bắt đầu hoàn thiện sản phẩm.
Nhóm xây dựng mô hình gồm 3 phần: Cơ khí hóa cánh tay, có khoảng 24 chi tiết; mạch điều khiển dùng mô đun bluetooth, vi xử lý điều khiển, động cơ hoạt động; thiết bị tai nghe thu nhận sóng não.
Theo nghiên cứu khoa học, não con người hoạt động sẽ tự phát ra sóng não. Thiết bị sẽ thu sóng não để giải mã và chuyển thành hành động của các robot (người máy). Để giải quyết bài toán “giải mã sóng não”, nhóm bạn trẻ sử dụng tai nghe có cảm biến chạm tai, chạm trán, cảm biến áp vào mang tai, nhờ ba cảm biến này có thể phân tích tín hiệu.
Người sử dụng khi đeo thiết bị tai nghe kết nối bluetooth, cánh tay robot sẽ thực hiện ngay mệnh lệnh cầm nắm một số vật nhất định, cử động bàn tay sau khi tín hiệu sóng não được truyền về vi xử lý. Ứng với mỗi một dạng sóng sẽ có cử động nhất định.
Sau hai tháng triển khai thực hiện, nhóm sinh viên Vương, Nam, Tài đã chế tạo thành công cánh tay robot điều khiển bằng sóng não. Hiện tại cánh tay đã đọc được dạng sóng chuẩn co, nắm, duỗi bàn tay.
Nhóm cũng đang gấp rút phát triển mô hình để tạo ra được cánh tay robot có thể đọc được tất cả dạng sóng não ứng với các cử động của bàn tay. Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta có thể thấy được sự hoàn thiện hơn nữa của sản phẩm và sớm được ứng dụng trong thực tế để giúp người khuyết tật có được “cánh tay kì diệu”, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Lan Phương (T/h)