Với gần tám triệu thành viên, giải quyết việc làm cho 30 triệu lao động, hằng năm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10%,… kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng tiềm năng và vẫn còn nhiều rào cản hạn chế khu vực này phát triển.
Cần thêm đòn bẩy
Hiện nay, hệ thống chính sách cho việc phát triển KTTT đã khá đầy đủ. Trong đó, Luật HTX năm 2012 đã có sáu chính sách hỗ trợ như ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn,… Ngoài ra còn có hai chính sách ưu đãi đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và lệ phí đăng ký HTX. Riêng với Liên hiệp HTX, ngoài hưởng những ưu đãi nêu trên còn hưởng những ưu đãi khác như: tín dụng, vốn, giống, chế biến sản phẩm,… Đó là chưa kể, nhiều địa phương cũng ban hành chính sách riêng phù hợp khả năng và tình hình thực tế. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bà Chu Thị Linh, Trưởng phòng Quản lý HTX, Cục Phát triển HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các chính sách này đi vào cuộc sống chưa nhiều, có chính sách đến năm 2018 mới chính thức được thực hiện như chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, việc chưa bố trí được nguồn vốn riêng cho khu vực KTTT cho nên công tác triển khai các chính sách hỗ trợ cũng chưa đạt hiệu quả cao. Đơn cử như công tác đào tạo, tập huấn, trong giai đoạn 2012 – 2018, mỗi năm tăng 20% với hơn 391 nghìn lượt đào tạo, gần 35 nghìn cán bộ được đào tạo từ sơ cấp đến đại học, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 6% so với tổng số sáu triệu cán bộ thành viên HTX trong cả nước. Hay như với hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nơi được xem là “điểm tựa” vốn cho các HTX, đến nay cũng mới chỉ có 50 trong số 63 tỉnh, thành phố xây dựng được quỹ với tổng nguồn vốn là 1.554 tỷ đồng. Riêng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương cũng chỉ có 400 tỷ đồng.
Mặt khác, nguồn ngân sách hạn hẹp cũng phần nào khiến việc triển khai chính sách hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư thương mại, mở rộng thị trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo thống kê, 5 năm qua, mới chỉ có hơn 3.800 lượt HTX được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới với tổng kinh phí 95 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách trung ương là 23 tỷ đồng. Số HTX tiếp cận và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, tập trung chủ yếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương và một số ít đề án hội chợ triển lãm ở nước ngoài. Cụ thể 5 năm qua, mới chỉ có khoảng 4.500 HTX tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và mở rộng thị trường…
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác
Dẫn số liệu thống kê, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết: đến nay, khu vực KTTT, HTX có gần 24.000 HTX, 80 Liên hiệp HTX và hơn 100 nghìn tổ hợp tác trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội với sự tham gia của gần tám triệu thành viên và giải quyết việc làm cho 30 triệu lao động. Từ thực tế tham quan nhiều mô hình hiệu quả, ông Nguyễn Văn Thịnh cũng chỉ ra nhiều địa chỉ HTX làm ăn tốt, thu nhập lao động đạt hơn 10 triệu đồng/tháng như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoa Anh Đào (Lâm Đồng), HTX bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng),…
Chia sẻ trên góc độ là người trực tiếp “lèo lái” con tàu HTX phát triển, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) Lê Văn Việt tâm sự: được thành lập năm 2011, ban đầu HTX chỉ có chín thành viên với diện tích nuôi trồng thủy sản là 10 ha. Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX định hướng phát triển mô hình khép kín theo chuỗi, từ con giống đến bàn ăn. Đến nay, HTX đã phát triển lên 30 thành viên với diện tích nuôi hơn 130 ha. “Hằng năm luôn có cả trăm hộ dân đến xin làm thành viên, nhưng vì nội lực chưa cho phép cho nên HTX chưa mở rộng thêm thành viên” – ông Lê Văn Việt cho biết.
Theo ông Việt, nguyên nhân đưa đến thành công của HTX chính là phải tạo ra những mắt xích liên kết bền vững trong chuỗi giá trị. Mặt khác, phải tự khắt khe với mình để tạo ra sản phẩm có chất lượng và sự khác biệt, đón đầu công nghệ mới và “thẳng tay” đào thải những điểm yếu còn tồn đọng. “Nhưng để tạo được sự phát triển bền vững chung, mỗi tỉnh nên thành lập một trung tâm tiêu thụ nông sản của địa phương, nếu gắn liền với HTX càng tốt, để HTX có thể trưng bày và bán cho bà con. Bên cạnh đó, cần có chính sách sát sườn hơn với các HTX, như có chính sách về quy hoạch, về quyền sử dụng đất và tài sản nằm trên đất thuộc HTX để có thể dùng cơ sở này chứng minh năng lực với đối tác, tạo niềm tin hay bảo đảm về mặt tài sản với ngân hàng để giải quyết những khó khăn trong vấn đề nguồn vốn đầu tư” – ông Lê Văn Việt đề nghị.
Trên một quan điểm khác, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang Đồng Mạnh Cường lại nhấn mạnh đến vai trò “đầu kéo” của doanh nghiệp đối với sự phát triển của HTX. Theo đó, mỗi HTX chỉ với sự tham gia của 7 đến 20 thành viên thì không thể vừa lo đầu vào, vừa giải quyết được vấn đề đầu ra. Vì vậy, ông Cường cũng nêu kiến nghị cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với HTX.
Ngoài ra, để KTTT, HTX phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cũng nêu kiến nghị: Nhà nước cần ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT; tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… Đồng quan điểm, Trưởng phòng Quản lý HTX Chu Thị Linh đề xuất cần tiếp tục bố trí kinh phí và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTX. Tuy nhiên, hỗ trợ cũng cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải trong bố trí kinh phí. Trong đó, đặc biệt chú ý sự phối hợp tốt giữa các ngành liên quan và các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện.
BÀI VÀ ẢNH: HỒNG ANH– Báo Nhân Dân