Tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong bối cảnh Covid 19

Để tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội đã kết hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội truyền tải những nội dung thông tin tuyển dụng dành cho lao động là người khuyết tật theo nhiều kênh khác nhau như gửi công văn đến các hội quận, huyện, email, thư điện tử… để họ nắm được những cơ hội tìm kiếm việc làm và tham gia trực tiếp vào các phiên giao dịch lồng ghép người khuyết tật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dịch Covid-19: Giải quyết việc làm người khuyết tật gặp khó

Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vấn đề giải quyết việc làm cho phù hợp với người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người khuyết tật là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm.

Đánh giá nhanh về tác động của Covid-19 đối với người khuyết tật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho thấy, người khuyết tật nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh; 72% người trả lời có thu nhập hằng tháng dưới 1 triệu đồng, 30% người trả lời cho biết đang thất nghiệp vì đại dịch, 49% cho biết bị giảm thời gian làm việc; trong số những người vẫn đang có việc làm, 59% cho biết thu nhập bị giảm.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến tỷ lệ người khuyết tật thất nghiệp gia tăng, bà Đào Thu Hương – cán bộ về quyền của người khuyết tật, UNDP Việt Nam cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động ngày càng đặt ra những yêu cầu cao về năng lực cũng như chất lượng của người lao động. Trong đó, các doanh nghiệp hướng đến phát triển và vận hành sản xuất theo phương thức chuyển đổi số.

Người bình thường khi tham gia vào thị trường lao động cũng đã là một thách thức không hề nhỏ, với lao động là người khuyết tật càng khó khăn hơn. Nhất là hiện nay, đa phần lao động người khuyết tật là lao động thủ công, không có trình độ thì việc bị loại trừ ra khỏi thị trường lao động là điều dễ nhận thấy.

Với 2 triệu người khuyết tật thất nghiệp tương đương với việc Việt Nam mất đi 3% GDP tiềm năng mỗi năm. Việc loại trừ người khuyết tật ra khỏi hoạt động phát triển kinh tế chung thông qua việc làm, tương đương Việt Nam “hao hụt” từ 1 – 7% tổng sản phẩm trong nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tìm kiếm việc làm cho NKT: Qua nhiều kênh khác nhau

Về thực trạng công tác hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm cho người khuyết tật, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội cho biết, trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật.

“Do vậy, trong thời gian qua Hội người khuyết tật Thành phố đã khuyến khích người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động chung, đồng thời Hội phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội truyền tải những nội dung thông tin tuyển dụng dành cho lao động là người khuyết tật theo nhiều kênh khác nhau như gửi công văn đến các hội quận, huyện, email, thư điện tử… để họ nắm được những cơ hội tìm kiếm việc làm và tham gia trực tiếp vào các phiên giao dịch lồng ghép người khuyết tật”, ông Nguyễn Hồng hà cho biết.

Cũng trong bối cảnh Covid-19, để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho NKT, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội nhấn mạnh, Hội tích cực tổ chức dạy nghề cho hội viên thông qua sự phối hợp với trung tâm dạy nghề và các doanh nghiệp; Hội NKT cấp quận, huyện và các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với các doanh nghiệp địa phương, trung tâm dạy nghề đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại chỗ cho hàng trăm NKT.

Điển hình phải kể đến lớp dạy nghề may công nghiệp tại huyện Hoài Đức, Ba Vì, Phú Xuyên; lớp làm đồ thủ công mỹ nghệ, pha chế đồ uống, tin học cơ bản, đồ họa, bán hàng trực tuyến tại quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, huyện Đông Anh, Mỹ Đức, Sóc Sơn; các lớp nấu ăn cho chị em phụ nữ khuyết tật tại hội NKT huyện Mê Linh… Ngoài ra, nhiều câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật của các quận, huyện hình thành các tổ chức, nhóm dạy nghề làm hoa lụa, đồ thủ công và tạo việc làm cho hội viên nữ tại quận Thanh Xuân, Ba Đình…

Đặc biệt, tại Hà Nội đã có những cơ sở sản xuất kinh doanh do NKT làm chủ và nhiều cơ sở nhận lao động là NKT. Đó là những mô hình tiêu biểu như các hợp tác xã: Trái Tim Hồng, Tâm Ngọc, Sức Sống Xanh (huyện Sóc Sơn), Vụn Art (quận Hà Đông); Cơ sở May cờ 3/12 (quận Bắc Từ Liêm)…

Chị Trần Thị Thuần, Chủ tịch HĐQT kiếm Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc (huyện Sóc Sơn), trao đổi: HTX Tâm Ngọc có 30 thành viên, trong đó 26 NKT làm các công việc như trồng cây dược liệu, chế biến trà thảo dược, đóng gói… thu nhập ở mức từ 2,5 –  6,5 triệu đồng/người/tháng tùy theo khả năng của từng người.

Theo Giám đốc Công ty TNHH 3/12 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) Phạm Quang Khôi: Hiện tại, đơn vị có 18 công nhân là NKT, trong đó 6 NKT nặng làm các công đoạn về may các loại cờ có mức thu nhập từ 2 – 7 triệu đồng/người/tháng. Bản thân là NKT và mong muốn tạo việc làm cho những NKT nên tôi đã bố trí việc làm tùy theo mức độ khuyết tật và khả năng của từng người.

Để người khuyết tật có cơ hội được đào tạo nghề và có việc làm ổn định, nhất là trong bối cảnh Covid-19, theo các chuyên gia, các chủ sử dụng lao động cần thay đổi nhận thức về khả năng làm việc của người khuyết tật; Các huyện, thành phố có chính sách tạo điều kiện để họ tìm được việc làm tại chỗ; hỗ trợ sinh kế; tư vấn giới thiệu việc làm, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm do người khuyết tật tạo ra, qua đó tạo điều kiện cho họ có môi trường làm việc tốt hơn và thu nhập cao hơn.

Chia sẻ về thực trạng cũng như vai trò của đào tạo nghề cho người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030 đã tăng thêm 3 nhóm hoạt động (12 nhóm), bao gồm: Nhóm đối với phụ nữ khuyết tật; Hội người khuyết tật; Trợ giúp cho người khuyết tật .sống độc lập thông qua trợ giúp về phương tiện.

Trong đó, riêng đối với hoạt động trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế sẽ tập trung các nhiệm vụ: Rà soát và hoàn thiện văn bản hướng dẫn tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật; thống kê, đánh giá các cơ sở đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người khuyết tật; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người khuyết tật hoặc của người khuyết tật.

Theo Báo điện tử Dân Sinh


Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang